Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Myanmar không muốn rơi sâu vào vòng nợ nần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Myanmar không muốn rơi sâu vào vòng nợ nần

Chính Phong

(TBKTSG Online) – Cách đây 3 năm, Myanmar chọn tổng công ty nhà nước Trung Quốc Citic làm đối tác phát triển dự án cảng biển và khu công nghiệp trị giá 10 tỉ đôla Mỹ ở thành phố cảng Kyaukpyu. Nhưng hiện tại, Myanmar đang có ý định đàm phán lại để giảm quy mộ dự án. 

Myanmar không muốn rơi sâu vào vòng nợ nần
Thành phố cảng Kyaukpyu hướng ra Ấn Độ Dương, là thành phố quan trọng trong chiến lược “một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cam kết sẽ tạo ra hơn 100.000 việc làm và thay đổi vùng đất nghèo khó thuộc bang Rakhine này. Nhưng việc dự án bị trì hoãn từ đó đến nay cho thấy Myanmar đang lo ngại các vấn đề về tài chính, chính trị, an ninh liên quan đến dự án.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Nikkei, ông Soe Win, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Myanmar nhấn mạnh rằng chính phủ nước này đang muốn có những cuộc đàm phán nhằm giảm quy mô dự án. Ông Soe Win, từng làm quản lý ở hãng kiểm toán Deloitte, nói “những bài học chúng tôi tham khảo từ các nước láng giềng cho thấy đầu tư quá mức nhiều lúc cũng không tốt”.

Kyaukpyu hướng ra Ấn Độ Dương nên Trung Quốc muốn xây các đường ống dẫn khí tự nhiên từ Kyaukpyu đến Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Kyaukpyu là thành phố quan trọng trong chiến lược “một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc. Nếu dự án diễn ra suôn sẻ, Kyaukpyu sẽ là cảng biển lớn nhất Myanmar.

Nhưng có vẻ Myanmar đang tiếp thu bài học từ Sri Lanka. Năm ngoái, chính quyền Sri Lanka phải trao quyền quản lý, khai thác một cảng biển cho các công ty Trung Quốc, bởi họ không có khả năng trả nợ cho Trung Quốc chi phí xây dựng cảng.

Một điều nữa, Kyaukpyu cách xa Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, khoảng 625 km, do vậy nhu cầu về logistic không thể tăng trưởng nhanh chóng, xây cảng biển to không hiệu quả đối với chính người Myanmar. “Điều quan trọng là chúng tôi phải có nguồn thu tốt từ Kyaukpyu, vì đến cuối cùng, chúng tôi phải là người trả các khoản nợ”, ông Soe Win nói.

Dự án to không phục vụ nhiều cho chính người Myanmar thì người Myanmar tha thiết làm gì? Dự án to phục vụ cho người Trung Quốc nhiều hơn thì rõ ràng người Trung Quốc được lợi nhiều đường: mượn được đường ra biển, có việc để thi công, có tiền lãi từ các khoản vay…

“Chúng tôi phải cắt những thứ không cần thiết, dự án càng to, trách nhiệm trả nợ của chúng tôi càng lớn”, ông Soe Win khẳng định. Chưa rõ cụ thể Myanmar sẽ cắt đi những hạng mục nào nhưng ông Soe Win nói “chúng tôi đang thương thảo”.

Nợ nước ngoài của Myanmar vào cuối năm 2017 là 9,6 tỉ đôla Mỹ, 40% số đó nợ từ Trung Quốc. “40% số nợ đến từ một nước, điều này không hay cho lắm”, ông Soe Win nhận xét.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới