Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năm 2013, thiết bị CNTT khó bán hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năm 2013, thiết bị CNTT khó bán hơn

Thu Hiền

Năm 2013, thiết bị CNTT khó bán hơn
Thị trường máy tính tụt dốc trong quí 3-2012. Ảnh: Thu Hiền

(TBKTSG Online) – Các chuyên gia và nhà phân tích nhận định rằng thị trường CNTT trong năm 2013 nhìn chung sẽ tiếp tục khó khăn, đầy thử thách. Người dân sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu và doanh nghiệp sẽ phải cẩn trọng và cân nhắc lại các khoản đầu tư cho hạ tầng CNTT.

Mới đây, hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo rằng thị trường máy tính Việt Nam sẽ khó khăn trong năm tới khi thị trường này đang trên đà tụt dốc từ quí 3-2012.

Kết quả khảo sát mới nhất về máy tính châu Á -Thái Bình Dương hàng quí của IDC cho thấy, thị trường máy tính Việt Nam trong quí 3 đã tăng 11% so với quí trước, đạt 530.000 chiếc trong quí 3 năm nay. Song, đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở các phân khúc người tiêu dùng cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ, sự đầu tư cho máy tính cũng giảm đều.

Ông Daniel Pang, Trưởng nhóm nghiên cứu phụ trách khu vực ASEAN thuộc nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC châu Á -Thái Bình Dương, nói rằng Chính phủ Việt Nam vẫn thắt chặt chi tiêu vì họ phải tập trung vào việc kiểm soát lạm phát và thực hiện các cải cách ngân hàng. Còn các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí vay rất cao đã làm hạn chế sức chi tiêu của họ.

Ông Pang nhận định triển vọng cho phân khúc máy tính thương mại chắc chắn là yếu trong năm tới.

Trong khi đó, ngành hàng khác như điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh và máy quay phim cũng không mấy sáng sủa.

Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc điều hành của chuỗi bán lẻ diện thoại di động Thegioididong.com, cho hay thị trường điện thoại tháng 11 nhìn chung không mấy khả quan, sức mua toàn thị trường giảm 3%. Riêng tại hệ thống thegioididong.com nhờ vào chương trình khuyến mãi lớn mới đẩy doanh thu tăng lên 3%.

“Thị trường tiêu dùng CNTT năm tới sẽ khó khăn và cạnh tranh giữa các hệ thống bán lẻ trở nên khốc liệt hơn,” ông Huân nói.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ của Hãng Cisco System tại Việt Nam, nói rằng việc thắt chặt chi tiêu của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng cho CNTT đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp CNTT.

Ông Sơn trích dẫn báo cáo thị trường của một hãng phân tích thị trường uy tín rằng chi phí toàn xã hội cho CNTT của Việt Nam trong 2012-2013 vẫn có thể trong khoảng trên dưới 15%, giảm so với chi phí trước đây.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào chi tiết thì phần tăng mạnh là điện thoại thông minh với trên 50% vượt qua con số 1 tỉ đô la Mỹ và máy tính với mức khoảng 15%. Nếu không tính phần máy tính, điện thoại, máy tính bảng thì phần còn lại cho cơ sở hạ tầng CNTT (bao gồm cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ) chỉ nhỉnh trên 5%.

"So với các thời kỳ phát triển mạnh với mức tăng trưởng trên 15% của năm tới thì rõ ràng đây là một thời kỳ đầy thử thách khó khăn cho các doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam,” ông Sơn nhận định.

Trước áp lực khó khăn của nền kinh tế, các chuyên gia này nhận định rằng vào năm tới thị trường sẽ có sự thay đổi lớn về mức độ và phương thức đầu tư cho CNTT.

Cụ thể, các doanh nghiệp CNTT sẽ cung cấp chuyển sang mô hình cung cấp CNTT như một dịch vụ dựa vào mô hình điện toán đám mây, ảo hóa, cho thuê dịch vụ ngắn hạn và hỗ trợ tài chính…

Về mô hình đầu tư một số mô hình hợp tác mới như BOT hay mô hình hợp tác công tư (PPP), mô hình chia sẻ doanh thu và lợi nhuận cũng sẽ  đi vào lĩnh vực CNTT làm tăng tính hiệu quả cho đầu tư và ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp và tổ chức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới