Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năm của những vụ M&A trong ngành công nghệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năm của những vụ M&A trong ngành công nghệ

Phương Anh tổng hợp

(TBVTSG) – Số vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ trên thế giới đã tăng vọt trong quý đầu tiên của năm nay cả về số lượng lẫn giá trị. Những vụ M&A trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông được cho là vẫn tiếp tục diễn ra trong năm nay.

Theo Ernst & Young, tổng số vụ mua bán và sáp nhập trong quý 1-2011 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 794 vụ, nâng tổng giá trị các thương vụ lên 27 tỉ đô la Mỹ, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do dẫn đến sự gia tăng này là sự bùng nổ của các xu hướng công nghệ như điện toán đám mây, cung ứng phần mềm như một dịch vụ (SaaS), an toàn-bảo mật thông tin và truyền thông di động.

Theo báo cáo của Ernst & Young, những xu hướng này đại diện cho sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường toàn cầu hướng đến điện toán đám mây, mạng xã hội và điện thoại di động thông minh và cách thức mà công nghệ đang gia tăng sự hiện diện của mình trong cuộc sống đời thường – chứ không đơn thuần trong công sở. Về khía cạnh kinh doanh, những xu hướng này phản ánh một thực tế rằng công nghệ thông tin đang trở thành một bộ phận có giá trị rất lớn trong mọi sản phẩm và dịch vụ.

“Những công ty không thuộc lĩnh vực công nghệ chiếm giữ 15% tổng giá trị của các thương vụ mua bán như đã nêu trên. Điều này cho thấy ngành công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh doanh và nó đã thu hút sự đầu tư từ những ngành công nghiệp khác”, Joe Steger, người đứng đầu bộ phận dịch vụ tư vấn chuyển đổi trong ngành công nghệ thuộc công ty Ernst & Young, nói.

Sự kết hợp của những công ty nhỏ

Tổng số vụ mua bán và sáp nhập trong quý 1-2011 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt 794 vụ, nâng tổng giá trị các thương vụ lên 27 tỉ đô la Mỹ, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Ernst & Young

“Tác giả” của không ít các thương vụ mua bán và sáp nhập trong quý 1-2011 là những công ty nhỏ. Họ bắt tay với nhau tạo thành một chuỗi các mắt xích kinh doanh chặt chẽ và có quy mô lớn hơn. Ví dụ, các công ty Internet thì thâu tóm những công ty mạng xã hội nhỏ, những công ty về phần mềm hoặc chuyên cung ứng phần mềm như một dịch vụ sẽ tìm mua lại nhiều công ty SaaS.

Ngoài ra, có những trường hợp các công ty phần mềm hay nhà cung ứng dịch vụ SaaS mua công ty mạng xã hội để đưa thêm các chức năng xã hội vào các ứng dụng doanh nghiệp hoặc các nền tảng quảng cáo hay tiếp thị của họ. Tương tự, sự trỗi dậy của các công ty kinh doanh thương mại điện tử theo mô hình “thỏa thuận một ngày” đã được phản ánh trong một loạt các thương vụ hợp nhất giữa các đối thủ cạnh tranh nhỏ với nhau hay giữa các công ty lớn hơn trong khu vực nhằm mở rộng thị trường.

“Nói chung, mô hình này sẽ cho phép các công ty thâu tóm duy trì được thế mạnh cạnh tranh hoặc mở rộng chiến lược kinh doanh của họ trước sự phát triển nhanh chóng của các sáng kiến công nghệ, đồng thời đầu tư vào những xu hướng đang diễn ra”, ông Steger nói.

Điện toán đám mây và SaaS “lèo lái” nhiều thương vụ

Điện toán đám mây là động lực thúc đẩy đằng sau hàng chục thương vụ sáp nhập trong quý 1, bao gồm cả một số thương vụ lớn. Các nhà khai thác điện thoại và khai thác mạng cáp mua lại công ty dịch vụ sở hữu các trung tâm dữ liệu lớn để đầu tư cho kế hoạch cung cấp dịch vụ đám mây.

Trong danh sách 10 thương vụ có giá trị cao nhất trong quý 1 thì có hai vụ liên quan đến việc mua lại các hệ thống lưu trữ tích hợp nhắm đến sự phát triển dịch vụ điện toán đám mây. Ngoài ra, có nhiều vụ mua bán nhỏ hơn về đám mây nhằm đưa thêm vào các ứng dụng hay dịch vụ hiện có các chức năng khác dựa trên nền điện toán đám mây.

Sự bùng nổ trong lĩnh vực chip di động

Trong mười thương vụ lớn nhất trong quý có ba vụ sáp nhập liên quan đến ngành sản xuất bán dẫn, từ đó hình thành các nhà sản xuất chip di động cho các công nghệ di động như 3G và 4G/LTE và nhà sản xuất chip cho các thiết bị di động sử dụng công nghệ Wi-Fi, WiMAX, Bluetooth, GPS và các công nghệ truyền tải không dây khác. Cũng trong quý 1, diễn ra những vụ sáp nhập của các công ty nhỏ trong đó các nhà sản xuất thiết bị di động mua các nhà cung cấp dịch vụ và nội dung số. Điều này xảy ra ở các công ty không chuyên về công nghệ. Những vụ mua lại này tập trung vào các khái niệm xây dựng “quần thể” gồm nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động khác chỉ sử dụng một hệ điều hành duy nhất của công ty.

M&A ở lĩnh vực video di động và Internet

Việc sử dụng Internet và video di động bắt đầu tăng mạnh trong năm 2010 do các nhu cầu tăng về giải trí, hội nghị kinh doanh và video cá nhân dẫn đến hiện tượng các công ty công nghệ tìm mua lại các công nghệ video. Các thương vụ liên quan đến chip xử lý hình ảnh video được thực hiện trong lĩnh vực bán dẫn, các vụ mua bán về các công nghệ tối ưu hóa sự truyền tải video trong lĩnh vực thiết bị truyền thông, và dịch vụ video theo yêu cầu trong lĩnh vực Internet.

M&A vẫn tiếp tục

Xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu trong quý 1 – quý thứ 8 liên tục kể từ quý 2-2009 có số hợp đồng M&A tăng – là một minh chứng cụ thể về sự phục hồi của ngành công nghệ thông tin. Điều này cũng phản ảnh sức ảnh hưởng ngày càng lớn của công nghệ đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò như là một thành phần quan trọng trong tất cả các sản phẩm và dịch vụ.

Hơn nữa, các công ty công nghệ cũng gặp nhiều thuận lợi hơn khi nhận được các nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Steger, trên thực tế sự sáp nhập các công ty – bên mua lẫn bên bán – cũng phải tính đến những yếu tố khác trong việc xác định giá trị của các thương vụ, sự bất ổn về vùng địa lý, chính trị, các vấn đề nợ toàn cầu và các khả năng khác không lường trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới