Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năm giải pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năm giải pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế

(TBKTSG Online) – Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12 về mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay là chặn đà suy giảm kinh tế trong nước, thông qua các biện pháp kích cầu đầu tư, hỗ trợ cho khối doanh nghiệp.

Những dấu hiệu suy giảm

“Chính phủ nhận định rằng, tình hình mới xuất hiện trong thời điểm hiện nay là dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế. Nhiều mục tiêu suy giảm nhanh, đặc biệt từ tháng 10 và tháng 11”, ông Phúc nói ngay trong phần đầu cuộc họp báo Chính phủ hôm 2-12.

Cũng theo ông Phúc, mục tiêu tổng quát hiện nay cần phải ưu tiên cho ba thứ tự sau: chặn đà suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng đã chỉ ra chiều hướng suy giảm này.

Tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng công nghiệp dịch vụ thấp hơn tốc độ tăng của những tháng trước. Xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm ở quốc tế và trong nước đều bị ảnh hưởng đáng kể.

Cụ thể hơn, 5 tháng liên tiếp gần đây, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bị sút giảm do thiếu vốn và tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Nhiều mặt hàng, vật tư ứ đọng như sắt thép, phân bón, xi măng, xây dựng đình trệ chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng thấp hơn tốc độ tăng tháng 10 là 2,1%. Kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm trong những tháng gần đây cả về thị trường và giá cả. So với thời điểm lên cao nhất, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực nay chỉ còn 1/3 như nông sản, dầu thô.

Nhu cầu nhập khẩu các quốc gia giảm dẫn đến nhiều đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ, EU, Nhật giảm 2-% đến 30%. Thủy sản sang Nga ứ đọng do không có khả năng thanh toán. Nhiều hợp đồng bị hoãn hoặc hủy.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa giảm nhiều nhưng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn thực hiện và giải ngân các dự án trong thời gian tới.

Hàng loạt biện pháp kích cầu 

Trong trách nhiệm và quyền hạn của mình, chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đồng loạt và thống nhất đưa ra các giải pháp chặn đà suy giảm. Về điều hành vĩ mô, chính phủ tập trung 5 nhóm giải pháp:

Giải pháp đầu tiên là thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn đồng thời rà soát và phát triển các mặt hàng có khả năng sản xuất nhưng chưa bị hạn chế về thị trường. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất và xuất nhập khẩu các sản phẩm chủ lực ở mức hợp lý thông qua điều chỉnh một số thuế suất để hỗ trợ tiêu thụ, giảm tổn kho, thu mua 1 triệu tấn lúa hàng hóa cho nông dân.

Giải pháp thứ hai là kích cầu đầu tư và tiêu dùng, gồm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển, giãn tiến độ thu hồi vốn ngân sách đã ứng cho bộ, ngành, địa phương, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kích cầu hạ tầng có quy mô lớn đã triển khai, ưu tiên xây nhà ở xã hội cho người nghèo, người lao động.

Giải pháp thứ ba là chính sách tài chính linh hoạt, tiếp tục giảm lãi suất cơ bản, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tuyên bố các giải pháp cơ cấu lại thời hạn nợ theo hướng giãn, hoãn cho nông dân và các doanh nghiệp, điều chỉnh tỷ giá, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giải pháp thứ tư, theo ông Phúc là đẩy mạnh an sinh xã hội trên tinh thần không để dân đói, đặc biệt là dân các vùng đang chịu thiên tai. Chính phủ cũng tuyên bố đồng ý việc chỉ định thầu các công trình từ 5 tỉ trở xuống ở vùng sâu, vùng xa, các dự án kiên cố hóa trường học, nhà ở cho giáo viên. Các tỉnh tự phê duyệt và chịu trách nhiệm trước chính phủ. Bên cạnh đó, chính phủ đã dự trữ 150.000 tấn gạo để sẵn sàng hỗ trợ người nghèo.

Và giải pháp thứ năm là tổ chức điều hành cho thật nhanh và sát công tác dự báo kinh tế để đề xuất chính sách cho phù hợp.

Thông tin của VTV tối 2-12 cho biết, tại phiên họp thường kỳ của chính phủ, Thủ tướng cũng dự tính tung ra gói kích thích kinh tế 1 tỉ đô la Mỹ như nhiều quốc gia đang triển khai, trong trường hợp cần thiết để chặn đà suy giảm.

Một vấn đề được quan tâm là nhiều ý kiến trong phiên họp chính phủ có đề xuất việc hoãn thời hạn thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đến ngày 1-7-2009, thay cho áp dụng ngay từ ngày đầu năm. Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng đưa ra đề xuất cho phép miễn giảm thuế TNCN có thời hạn như một phần trong chính sách tài chính. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn xác nhận là có ý kiến như vậy và cho biết, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Cũng theo ông Tuấn, việc chuyển từ thu thuế thu nhập cao sang thu thuế TNCN thực chất không làm mở rộng diện chịu thuế vì thực hiện khấu trừ gia cảnh. Kể cả 1,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hình thức khoán mà chuyển sang nộp thuế TNCN cũng được thực hiện việc khấu trừ gia cảnh này.

 NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới