Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nằm giữa mà vẫn… lạnh!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nằm giữa mà vẫn… lạnh!

Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)

(TBKTSG) – Ông cha ta xưa có câu “Nằm giữa, không mất phần chăn”, tức là nếu nằm giữa thì sẽ không bị rét, dù tiết trời buốt lạnh. Thế nhưng, trong hoạt động kinh doanh ở nước ta, điều đó hoàn toàn ngược lại. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mặc dù được “nằm giữa”, một bên là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và một bên là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng vẫn chịu thiệt.

Thiệt thòi của doanh nghiệp ngoài quốc doanh trước hết ở việc sử dụng các nguồn lực phục vụ sản xuất – kinh doanh; trong đó việc mở rộng quy mô, lập dự án đầu tư, thuê đất là những thách thức lớn nhất. Các DNNN từ lâu đã được hưởng một chính sách ưu đãi “giao đất, không thu tiền sử dụng đất” và khi cổ phần hoá lại đương nhiên được ký hợp đồng thuê đất. Các doanh nghiệp FDI thì đã và đang được “trải thảm đỏ”. Do đó, nhà đầu tư muốn thuê đất ở đâu, diện tích bao nhiêu, các cơ quan quản lý cũng sẵn sàng đáp ứng. Ngược lại, để được thuê đất phục vụ kinh doanh, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng đâu có dễ. Vướng mắc đầu tiên là giá thuê đất. Cái giá 20-35 đô la Mỹ/mét vuông/ năm là quá sức với một dự án đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa, khá nhiều khu công nghiệp lại đòi hỏi phải thanh toán ngay toàn bộ tiền thuê đất. Thời gian vận hành một dự án đầu tư ít nhất khoảng 20 năm, phổ biến là 30- 40 năm. Nếu diện tích cần thuê chỉ là 1 héc ta thì tiền thuê đất trả ngay một lần cho 20 năm cũng không hề nhỏ.

Còn cứ đi khảo sát, thấy khu đất nào ưng thì làm văn bản xin thuê ư? Xin thưa, đây là con đường gian nan nhất. Không có nhiều tiền bạc, không có thế lực mạnh và các mối “quan hệ”… thì đừng dại mà dấn thân vào con đường đầy chông gai này. Bởi lẽ, khi đi theo con đường này, nhà đầu tư phải tự đặt cho mình một nhiệm vụ bất thành văn: phục vụ cho thật tốt, “làm dâu” cho thật tốt từ những cụ già, con trẻ đến các “công bộc” của dân ở địa phương có mảnh “đất lành” ấy. Và, nhà đầu tư phải nghiến răng mà đền bù, giải phóng mặt bằng với những yêu sách rất…ngược đời nhưng lại là sự thật.

Khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng cũng là vấn đề đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Gõ cửa các ngân hàng, vướng mắc đầu tiên chính là phải có tài sản thế chấp. Rất ít doanh nghiệp ngoài quốc doanh có đủ tài sản thế chấp để vay được lượng vốn cho một dự án đầu tư khoảng 10 – 15 tỉ đồng. Ngay cả khi có tài sản thế chấp, giá trị tài sản và tỷ lệ vốn được vay hoàn toàn do ngân hàng quyết định. Thông thường, giá trị tài sản thế chấp chỉ được ngân hàng định giá bằng 70- 80% so với giá thị trường và số vốn được vay chỉ bằng 50-60% giá trị tài sản thế chấp được định giá.

Một số rất ít dự án đầu tư được ngân hàng “ưu ái” cho vay theo nguyên tắc thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay thì lãi suất tiền vay, nguyên tắc thu lãi và thu hồi vốn cũng là những cửa ải khó vượt qua. Với lãi suất cho vay từ 14-16%/năm, thu lãi và thu hồi vốn ngay từ năm đầu tiên, những dự án đáp ứng được chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Thực tế đó đã tạo ra một nghịch lý: các ngân hàng càng lãi lớn thì các doanh nghiệp càng thua lỗ. Còn nếu tìm đến nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng phát triển thì những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn được nhân lên nhiều lần. Dự án xin vay “phải được lập theo đúng quy định”, “phải đúng đối tượng”, “phải đảm bảo tính khả thi”, “phải phù hợp với quy hoạch”, “phải có vốn đối ứng”… Đó là những cửa ải mà rất ít chủ đầu tư vượt qua được.

Vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài cũng là một kênh quan trọng. Nhưng, với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam thì cũng chỉ là “mơ về nơi xa lắm”. Bởi lẽ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) chỉ dành cho các DNNN và các dự án quốc gia. Các tổ chức tài chính nước ngoài khi cho doanh nghiệp Việt Nam vay luôn đòi hỏi Chính phủ hoặc một ngân hàng nhà nước đứng ra bảo lãnh. Nhưng ai có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh?

Thu hút nhân lực cũng là khó khăn lớn của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bằng mọi giá để được vào làm việc trong các DNNN là nhu cầu đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân, trong đó có cả đội ngũ lao động trẻ. Các doanh nghiệp FDI thì cạnh tranh không khoan nhượng với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh bằng mức lương cao hơn nhiều lần và quy trình đào tạo nghiêm túc, bài bản (chủ yếu đối với lao động quản lý). Vì vậy, trong khá nhiều trường hợp phục vụ cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhỏ và vừa chỉ là lực lượng lao động không thể “chạy” vào DNNN và không đủ điều kiện để được tuyển dụng vào doanh nghiệp FDI.

Sự đối xử không công bằng, sách nhiễu của các quan chức, công chức trong bộ máy công quyền cũng khiến cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã khó càng thêm khó. Mọi tài sản của các DNNN là của Nhà nước. Xâm phạm vào tài sản đó dù với bất cứ lý do gì cũng là xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Các doanh nghiệp FDI là của nhà đầu tư nước ngoài nên gây khó khăn, sách nhiễu với họ không dễ. Vì vậy, chỉ còn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là “địa chỉ” lý tưởng của các quan chức, công chức thoái hóa, biến chất sách nhiễu nhằm thu lợi bất chính.

“Nằm giữa mà vẫn… lạnh” là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ngoài quốc doanh tuy đông mà không mạnh. Đây là lực lượng bị tổn thương nhanh nhất và nhiều nhất trong giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế. Khả năng tái đầu tư giảm sút là biểu hiện rõ nhất.

Đầu tháng 5 vừa qua, các chuyên gia trường Đại học Copenhaghen (Đan Mạnh) đã công bố kết quả khảo sát, điều tra khoảng 2.500 doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ, nhỏ và vừa thuộc 10 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Theo đó, tái đầu tư của các doanh nghiệp này đã giảm từ 73,5% trong lần điều tra năm 2007 xuống còn 36,2% trong năm 2009. Với những doanh nghiệp có quy mô vừa, cũng có tới 50% không tái đầu tư.

Mặc dù Nhà nước đã thực hiện những biện pháp kích cầu, trong đó có hỗ trợ lãi suất tiền vay nhưng các chuyên gia trường Đại học Copenhaghen cho biết, khó khăn trong tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực ngoài quốc doanh. Tỷ lệ khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng đã tăng từ 23% năm 2007 lên 25% năm 2009; có tới 71% số doanh nghiệp được khảo sát phải tìm nguồn tín dụng không chính thức, trong đó có 20% là từ người thân, bạn bè…

Thực tế nêu trên cho thấy, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực ngoài quốc doanh vẫn là bài toán chưa có lời giải. Các kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, nền kinh tế mà Chính phủ đang đặt ra cũng sẽ khó có sự góp phần của những doanh nghiệp này. Phải chăng, các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp này cần cụ thể, thiết thực hơn thay vì chỉ là những khẩu hiệu như thời gian vừa qua.

_____________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới