Năm nay lương tăng cao hơn lạm phát
Hoàng Phi
(TBKTSG Online) - Tỉ lệ tăng lương của các doanh nghiệp năm 2012 nhìn chung cao hơn mức lạm phát, trái ngược với tình hình tăng lương thấp hơn lạm phát năm ngoái, là một tín hiệu đáng mừng, theo theo kết quả của khảo sát lương 2012 do nhà cung cấp các dịch vụ nhân sự Mercer cùng đại diện tại Việt Nam, công ty Talentnet, thực hiện.
Tỉ lệ tăng lương của năm nay cao hơn mức lạm phát được coi là một tín hiệu đáng mừng. Ảnh: Hoàng Phi |
Bà Hoa Nguyễn, Trưởng bộ phận Khảo sát lương và Tư vấn nhân sự theo phương pháp Mercer của Talentnet, cho biêt năm nay mức tăng lương của các công ty khảo sát là hơn 13%, cao hơn tỉ lệ lạm phát, vốn được dự đoán khoảng 9,5%.
Cụ thể, theo kết quả của cuộc khảo sát này, các tập đoàn đa quốc gia có mức tăng lương bình quân cho nhân viên là 13%, trong khi đó các công ty trong nước có mức tăng lương cao hơn là 13,3%.
So sánh sự khác biệt về mức trả lương giữa các ngành nghề trong khối doanh nghiệp nước ngoài, kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng ngành dầu khí và ngân hàng là hai ngành có tỷ lệ trả lương cao nhất. Trong khi đó, sản xuất, vận tải và logistics lại là ngành có mức trả lương thấp nhất trong thị trường.
Xét về tỉ lệ tăng lương theo từng ngành thì ngành sản xuất, ngành có tỷ lệ chi trả lương thấp nhất, lại có tỉ lệ tăng cao nhất ở mức 13,7%. Theo sau là ngành dược phẩm và hoá chất với mức tăng tương ứng là 13,5% bởi hai ngành này tình hình kinh doanh vẫn hoạt động khá ổn định so với nền kinh tế nói chung. Trong khi đó, các ngành tài chính bao gồm quản lý quỹ, tư vấn, tài chính cá nhân có mức tăng lương thấp nhất là 11,3% .
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mức tăng lương cao nhất là ở cấp lãnh đạo với mức 16,9% so với tỷ lệ này ở các cấp bậc khác là 13,2%, trong khi đối với các công ty nước ngoài, tỷ lệ tăng lương ở các cấp là gần như nhau, nổi trội hơn chút ít ở nhóm lao động phổ thông.
Vẫn còn khoảng cách về lương giữa công ty nước ngoài và công ty trong nước. Đối với cấp nhân viên, các công ty nước ngoài trả cao hơn các công ty trong nước 19%, và khoảng cách này dần cao hơn ở mức chênh lệch 25% ở cấp chuyên viên, và cao nhất ở mức 30% ở cấp quản lý.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước thường có tỷ lệ thưởng khá cao, nên nếu so sánh tổng nhu nhập bao gồm cả lương và thưởng, thì chênh lệch về trả lương giữa nước ngoài và Việt Nam sẽ không lớn. Hiện nay, rất nhiều công ty trong nước chấp nhận trả ngoài khung lương hiện có để thu hút nhân tài từ các doanh nghiệp đa quốc gia.
Chính vì vậy, các công ty Việt Nam đang có nhu cầu cạnh tranh nhân tài trực tiếp với các công ty nước ngoài đang dần cải thiện hệ thống lương bổng, đặc biệt ở cấp quản lý.
“Tuy nhiên, cũng phải mất vài năm thì các công ty trong nước mới có thể theo kịp các công ty nước ngoài. Hiện tại, để thu hút, khuyến khích và giữ chân nhân tài, các công ty Việt Nam sẽ sử dụng các chính sách thưởng khác như cổ phiếu, cổ phần…” bà Hoa cho biết.
Khảo sát lương năm nay thu thập dữ liệu lương thưởng từ hơn 121.000 nhân viên trên khắp Việt Nam của 371 công ty, và được coi là bảng báo cáo lương, thưởng lớn nhất và chi tiết nhất trong 13 lần khảo sát trong thời gian qua. |