Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nam Sudan: Hàng trăm người thiệt mạng cuối tuần qua do nội chiến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nam Sudan: Hàng trăm người thiệt mạng cuối tuần qua do nội chiến

Phúc Minh

Nam Sudan: Hàng trăm người thiệt mạng cuối tuần qua do nội chiến
Tổng thống Salva Kiir (phải) bắt tay Phó Tổng thống Riek Machar (trái) ngày 29-4. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Ít nhất 272 người đã thiệt mạng trong các cuộc đấu súng tại thủ đô Juba (Nam Sudan, châu Phi) từ ngày 7-7 giữa quân đội của Tổng thống Salva Kiir với lực lượng đối lập trung thành với Phó Tổng thống Riek Machar – theo Tân Hoa xã.

Cuộc nội chiến giữa hai phe, kéo dài từ cuối năm 2013 đến nay, có nguy cơ biến Nam Sudan thành một điểm nóng về khủng hoảng nhân đạo, buộc Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế phải nhanh chóng can thiệp.

Ông Machar từng làm Phó Tổng thống Nam Sudan từ năm 2005 đến khi bị Tổng thống Kiir cách chức vào năm 2013. Ngay sau đó, lực lượng ủng hộ Phó Tổng thống Machar đã tiến hành giao tranh chống lại quân đội của Tổng thống Kiir và đẩy nước này vào nội chiến từ tháng 12-2013.

Thỏa thuận hòa bình được hai bên ký kết vào tháng 8-2015 đã mở đường cho việc thành lập chính phủ chuyển tiếp nhằm chấm dứt nội chiến. Theo thỏa thuận hòa bình, hai phe vũ trang đã nắm giữ các vị trí trong chính phủ lâm thời được thành lập vào tháng 4-2016. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình bị đình trệ vì các nhân vật cứng rắn ở cả hai bên đều không nhất trí với giải pháp đã thỏa thuận và giao tranh vẫn tiếp diễn.

Hôm qua 10-7, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã phải họp khẩn theo đề nghị của Mỹ, trước lo ngại Nam Sudan có thể rơi vào nội chiến lần nữa. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, 15 nước thành viên HĐBA nhất trí yêu cầu Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar "nỗ lực hết sức để kiểm soát lực lượng của hai bên, khẩn cấp chấm dứt giao tranh và ngăn chặn bạo lực leo thang, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ và lập tức thỏa thuận hòa bình, bao gồm ngừng bắn vĩnh viễn và đưa các lực lượng quân sự khỏi Juba".

Theo thống kê, xung đột tại Nam Sudan từ tháng 12-2013 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người, khiến 2,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và khoảng 8 triệu người phải sống trong đói khát và bệnh tật. Khoảng 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế, đẩy nước này đến bờ vực khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất châu Phi kể từ những năm 1980.

Bên cạnh đó, nước này đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế khi nội tệ mất giá và lạm phát vượt tầm kiểm soát, trong lúc ngành công nghiệp dầu mỏ – trụ cột chính của nền kinh tế Nam Sudan – sụp đổ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới