Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nan giải “cung-cầu” chứng khoán 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nan giải “cung-cầu” chứng khoán 

Thị trường đang đòi hỏi “giãn cung, kích cầu” để hy vọng thoát khỏi trạng thái trầm lắng – Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Cung – cầu là cặp từ được lặp lại nhiều trong các tuần qua trên thị trường chứng khoán, cũng là vấn đề đang được các cơ quan quản lý thị trường phân tích, nhằm tìm giải pháp tạo sự cân bằng hợp lý cho thị trường.  

Các giải pháp đang được đưa ra hiện nay đều hướng đến mục đích là kích cầu đầu tư chứng khoán đồng thời điều chỉnh giãn lượng hàng cung cấp cho thị trường.  

Nhìn lại giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007, có thể nói các doanh nghiệp gần như là chạy đua lên sàn để được hưởng ưu đãi thuế, đến mức sàn chứng khoán TPHCM có ngày tiếp nhận cùng một lúc cả sáu, bảy công ty chính thức chào sàn. Lượng cung vào thời điểm đó dồn dập thế nhưng nhu cầu của nhà đầu tư còn cao hơn, dẫn đến giá cổ phiếu liên tục được đẩy lên cao.

Và, các chuyên gia chứng khoán, rồi nhà đầu tư trong ngoài nước đều cùng lên tiếng yêu cầu Nhà nước đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa các tổng công ty để tăng mạnh cung nhằm hạ nhiệt thị trường.  

Đúng một năm sau, khi tiến trình cổ phần hóa các tổng công ty cũng như tập đoàn lớn của Nhà nước đang được cố gắng đẩy nhanh (đúng như nguyện vọng của nhà đầu tư) thì đến lúc này lại dấy lên một áp lực dư luận đòi hỏi Nhà nước cần có biện pháp giãn cung, giãn thời hạn thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước lớn này. Lý do là vì… thị trường đang trong tình trạng bội thực.

Vậy là cả diễn biến năm trước lẫn diễn biến ngược lại của năm nay dường như được quy trách nhiệm về cho nhà quản lý thị trường. Các nhà quản lý lại đang tìm giải pháp nhằm khuyến khích nhà đầu tư tiếp tục tham gia đầu tư, đồng thời giãn lượng cung hàng để cân bằng lại cung cầu.    

Không có chỗ để đầu tư!  

Ngoài những nguyên nhân vẫn được nhắc nhiều gần đây về nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước đang giảm,  một câu hỏi đã được đặt ra là vì sao vốn gián tiếp nước ngoài đang ồ ạt chảy vào mà thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ chưa chịu hấp thu hết?  

Khối lượng vốn gián tiếp các quỹ nước ngoài đang nắm giữ để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối năm ngoái được ước đoán ở mức 6-8 tỉ đô la. Thêm vào đó, lượng kiều hối chuyển về nước trong năm 2007 vào khoảng 5 tỉ đô la theo thống kê chính thức, chưa kể chuyển về theo các đường khác. Việt Nam đã làm rất nhiều việc để mời gọi dòng vốn nước ngoài vào, nhưng tại sao đến nay họ vẫn đứng ngoài cuộc chơi khi thị trường chứng khoán đang “mất lửa” từng ngày?  

Chuyện mở room – tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong một công ty – đang được bàn tới như một cách để giúp hấp thụ lượng vốn này. Tuy nhiên, đây chỉ có thể là giải pháp tình thế cho thị trường hiện nay. Một chuyên gia gắn bó lâu năm với thị trường chứng khoán cho biết ông cũng nghĩ đến việc mở room nhưng theo một hướng khác.

Theo vị chuyên gia này, tham khảo kinh nghiệm từ thị trường chứng khoán Thái Lan, có thể cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu trên mức cho phép với điều kiện những cổ phiếu này không có quyền biểu quyết cũng như tham gia đại hội cổ đông. Làm như thế có thể tận dụng nguồn vốn nước ngoài, thỏa mãn nhu cầu muốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, mà lại không làm tăng quyền chi phối của họ trong các công ty trong nước, qua việc họ nắm giữ số lượng lớn cổ phần.

Trao đổi với TBKTSG Online, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng cho biết Ủy ban đang xem xét tất cả các phương án giúp hấp thụ tốt nhất luồng vốn ngoại, trong đó có phương án nêu trên, nhưng mọi phương án đều phải được sự chấp thuận của Chính phủ.  

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó ban phát triển thị trường thuộc UBCKNN, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ xem xét việc quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty đại chúng chưa niêm yết có cổ phiếu giao dịch trên hệ thống OTC (thuộc Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội) từ 30% hiện nay lên 49%.     

Việc giãn các IPO của doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Ngân hàng Công thương Incombank sắp tới sẽ được tính toán. Tuy nhiên, theo ông Bằng nguồn cung cũng là một phần quan trọng trên thị trường nên việc điều chỉnh các đợt IPO này phải tùy thuộc tình hình thị trường.  

Nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền đồng!  

Một vấn đề khác cũng được xem làm giảm nguồn tiền đổ vào thị trường hiện nay, đó là do lượng vốn huy động bằng đô la Mỹ của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang tiền đồng để đầu tư vào Việt Nam.  

Tổng giám đốc một ngân hàng lớn của Việt Nam cho biết hiện nay các ngân hàng chỉ mua đô la với lượng vừa đủ để bán ra cho các doanh nghiệp nhập khẩu và chỉ ưu tiên mua đô la của các khách hàng thường xuyên.

Thêm vào đó, trạng thái ngoại hối không cho phép các ngân hàng mua đô la vào quá nhiều. Hiện nay, một ngân hàng chỉ được phép mua lượng ngoại tệ bằng 30% vốn chủ sở hữu của mình.  

Ông Nguyễn Sơn cũng cho biết cơ quan quản lý thị trường chứng khoán sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp để mua lượng ngoại tệ hiện nay đang nằm ở các ngân hàng thương mại nhằm tăng lượng tiền đồng đầu tư vào chứng khoán, thực hiện kế hoạch sử dụng lượng ngoại tệ thu hút được để đầu tư ra nước ngoài nhằm đảm bảo sinh lợi cho đồng vốn.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cho phép sớm thành lập các công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng như chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam để quản lý các dòng vốn nước ngoài sớm hơn so với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam.  

Nếu nước ngoài đã đem tiền tới đặt trước cửa chờ đầu tư mà Việt Nam không thể xoay xở để hấp thụ lượng vốn đó thì quả là điều đáng tiếc cho chứng khoán cũng như nền kinh tế Việt Nam, theo một chuyên gia nhận định.  

THỦY TRIỀU 

        

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới