Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nan giải Hội đồng nhân dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nan giải Hội đồng nhân dân

Lê Uy Linh

(TBKTSG Online) – Từ đầu tuần này, tại nhiều địa phương trên cả nước đang diễn ra kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm với trọng tâm nhìn lại kết quả kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ, giải pháp cho năm  2013. Bên cạnh những ngổn ngang bức xúc dân sinh như hạ tầng đô thị xuống cấp, quy hoạch treo, xã hội bất an… thì một vấn đề nóng bỏng ở kỳ họp này – không riêng địa phương nào – là thực trạng kinh tế suy yếu.

Tại hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và TPHCM, kỳ họp đã vừa được khai mạc trong hai ngày đầu tuần (3-12 và 4-12). Báo cáo trước Hội đồng nhân dân, lãnh đạo hai thành phố này tuy nêu ra con số tích cực về tăng trưởng GDP nhưng đồng thời cũng nhìn nhận kinh tế địa phương đang bộc lộ nhiều lo ngại.

Phó chủ tịch thành phố Hà Nội cho rằng có nhiều điểm "nghẽn", đó là số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng, chỉ tiêu về xuất khẩu không đạt kế hoạch, tăng trưởng đầu tư xã hội thấp, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và số dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép giảm… (Tuổi Trẻ, ngày 4-12).

Còn tại TPHCM, Chủ tịch HĐND thành phố nói tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 có nhiều khó khăn so với dự báo, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, hàng tồn kho nhiều, thị trường bất động sản đóng băng, nguồn lực đất đai còn lãng phí…

Quả tình, bài toán tăng trưởng kinh tế năm 2013 không dễ tìm lời giải cho các địa phương tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm này, không riêng gì Hà Nội hay TPHCM. Bởi, đóng góp có tính quyết định cho sự phát triển kinh tế của một địa phương, hay rộng ra là của một đất nước, không thể không đề cập đến lực lượng các nhà doanh nghiệp (ví dụ, giai đoạn 2006-2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 28% GDP, khu vực doanh nghiệp dân doanh tạo ra 46% GDP – theo TS Vũ Thành Tự Anh). Và họ, cũng là lực lượng tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Trong báo cáo kinh tế – xã hội năm 2012, UBND TPHCM lo ngại nguy cơ tái nghèo dễ phát sinh do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, dẫn đến thiếu việc làm, thất nghiệp, thu nhập không ổn định…

UBND TPHCM cho rằng một trong những trọng tâm của năm 2013 là đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, trong đó có nhiều giải pháp giảm nghèo. Nhưng, có lẽ căn cơ hơn là cần đi từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có "sống" được thì mới giảm nguy cơ thiếu việc làm, giảm thất nghiệp, từ đó giảm nguy cơ tái nghèo.  Và, việc vực cho doanh nghiệp "sống" lại chắc không thể chỉ một mình TPHCM, hay bất cứ một địa phương nào, mà là câu chuyện của cả nước, làm nóng bỏng nghị trường Quốc hội vừa diễn ra tháng trước.

Trong hai năm 2011-2012, số doanh nghiệp trên cả nước phải ngừng hoạt động, giải thể đã lên tới gần 100.000, bằng 50% tổng số doanh nghiệp rời thị trường trong vòng 20 năm qua (Tuổi Trẻ, ngày 4-12). Rồi sản xuất đình trệ, hàng tồn kho chất đống, nợ đọng dắt dây từ doanh nghiệp nhỏ qua doanh nghiệp lớn, cho đến khối nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng… Doanh nghiệp tồn kho thì không thể sản xuất, muốn sản xuất thì thiếu vốn, muốn vay vốn thì lại nợ ngân hàng, ngân hàng muốn cho vay thì doanh nghiệp phải có đầu ra v.v… cả một mớ bùng nhùng, luẩn quẩn mà cả bộ, ngành từ trung ương đến địa phương vẫn còn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ. Cho nên, trong phạm vi một địa phương, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm tới thực sự là khó khăn.

Chưa kể, có những chính sách ban ra từ cấp trung ương rất nhiều lúc đã phải cân phân giữa một bên là áp lực đè nặng lên doanh nghiệp với một bên là áp lực thu chi ngân sách hay lợi ích trên bình diện vĩ mô… Chẳng hạn chuyện mà báo chí không biết bao lần mổ xẻ, phân tích mỗi khi có dự kiến tăng giá xăng dầu, giá điện… Hay chuyện mới đây nhất là thu phí sử dụng đường bộ. Khá nhiều tiếng kêu từ hiệp hội, doanh nghiệp vận tải hàng hóa rằng nên lùi thời gian bắt đầu thu, tính toán lại phương án thu, sửa đổi những bất hợp lý trong cách thu…, để mong giảm bớt căng thẳng trong giai đoạn kinh tế khó khăn này. Nhưng cuối cùng thì chính sách thu phí sử dụng đường bộ vẫn được ban hành. Đã có những doanh nghiệp lên tiếng trên TBKTSG Online rằng sẽ phải bán xe, đóng cửa, chuyển ngành nghề khác.

Hội đồng nhân dân các địa phương đang họp bàn nhiệm vụ, giải pháp kinh tế – xã hội năm 2013, trong đó sẽ phải đặt ra những vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Như đã nói, doanh nghiệp là lực lượng góp phần quyết định trong việc tăng trưởng, nhưng trước thực trạng vô cùng khó khăn của doanh nghiệp mà chưa thấy có triển vọng gì sáng sủa trong năm tới, như một báo cáo vừa công bố của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), thì rõ ràng đây là bài toán nan giải trong kỳ họp cuối năm này của các Hội đồng nhân dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới