Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nạn nhân Anh văn nhà trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nạn nhân Anh văn nhà trường

Nguyễn Vinh

(TBKTSG) – Ở phổ thông, hết hệ ba năm đến hệ bảy năm, rồi ở cao đẳng, đại học, hết tiếng Anh tự chọn đến tiếng Anh chuyên ngành… thế nhưng tiếng Anh với nhiều người Việt vẫn là một nỗi mặc cảm, một “bất lợi thế” trong hội nhập.

Chỉ nhìn riêng câu chuyện dạy và học môn Anh ngữ trong nhà trường, từ phổ thông đến đại học, có thể thấy, ngành giáo dục đã tạo ra một hệ lụy lớn đối với người học. Không lỗi sao được, khi mà sau giờ học chính khóa tiếng Anh ở nhà trường, các phụ huynh phải bỏ thời gian, tiền bạc để đưa con đến các trung tâm ngoại ngữ để học thêm nếu muốn tiếng Anh của con mình đảm bảo “sử dụng được”.

Không lỗi sao được, khi mà nhiều cử nhân ngành Anh văn chính quy không sử dụng được tiếng Anh một cách thuần thục hay đủ nền tảng và kỹ năng để cập nhật, nắm bắt những thay đổi hàng ngày của sinh ngữ này sau bốn năm đại học. Và không lỗi sao được, khi mà đa phần những người đến các trung tâm Anh ngữ đều khai là đã học qua tiếng Anh nhà trường nhưng bây giờ chấp nhận học lại từ đầu vì có vẻ như “cái gì cũng biết nhưng không biết cái gì”…

Hết hệ ba năm đến hệ bảy năm, và bây giờ thì môn Anh văn được đưa vào tiểu học. Sự “chuyển hệ” nhanh chóng về chương trình học trong vòng 20 năm qua với môn Anh văn đã khiến các giáo viên ở phổ thông quay cuồng với những thay đổi trong chương trình dạy, khi mà bản thân họ, trước đó cũng là nạn nhân của học trình đào tạo Anh ngữ ở các trường đại học sư phạm. Và vì tất cả mọi thứ được hiểu ở dạng “thí điểm”, nên hứa hẹn sẽ chưa hết thay đổi “toàn diện” từ trên xuống với bộ môn này.

Môn Anh văn ở đa số trường phổ thông Việt Nam hiện nay cơ bản vẫn được dạy theo phương pháp truyền thống, nặng tính từ chương, nói nôm na là tiếng Anh được thông dịch từ tiếng Việt. Chính đây là lý do mà các phụ huynh có điều kiện vẫn muốn đưa con cái đến các trung tâm Anh ngữ với ý nghĩ sẽ được tiếp xúc với các thầy cô người nước ngoài, học cách phản xạ trong giao tiếp, học “phát âm chuẩn” (chuẩn ở đây được hiểu nếu không phải là tiếng Anh của người London thì cũng được tiếng Anh giọng Mỹ hay một thứ tiếng Anh nào đó mà người nước ngoài có thể hiểu được chứ không phải tiếng Anh mà người Việt hiểu với nhau như trong nhà trường vẫn dạy!). Và ở đây, nhiều học viên lại gặp một cuộc “thí điểm” khác. Cuộc thí điểm của những “giáo viên bản ngữ” không qua đào tạo kỹ năng sư phạm cơ bản, mà chỉ đơn thuần là “có yếu tố nước ngoài” gắn với những mỹ từ như “phương pháp hiện đại A, B, C đã thành công trên hàng trăm quốc gia”… Kết quả là nhiều người lại “trôi dạt” trong một môi trường Anh ngữ hết trung tâm này qua trung tâm khác một cách vô hướng, vô ích và sẽ là vô dụng.

Điều đáng nói, đánh trúng tâm lý “mặc cảm Anh ngữ” của cộng đồng, rất nhiều trung tâm Anh ngữ dạng này khoác lên tấm biển “hàng hiệu giáo dục” và tha hồ vét tiền túi người học. Nhất là những học viên đã đi làm, họ tìm đến trung tâm ngoại ngữ có học phí cắt cổ đôi khi ngoài chuyện hy vọng có thể vớt vát cải thiện khả năng tiếng Anh thì còn là để giải quyết nỗi mặc cảm từ những dở dang, thất bại mà cách dạy môn Anh văn nhà trường tạo ra từ trước đó.

Người Việt bỏ nhiều tiền bạc và thời gian cho việc học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường, nhưng hiệu quả giao tiếp tiếng Anh trong cộng đồng chưa cao, sự trang bị cơ hội hội nhập chưa tốt, đó là một thực tế. Nhưng, với tình hình này, sẽ còn những thế hệ kế tiếp gánh chịu hệ lụy từ các đề án thí nghiệm với bộ môn này, ví dụ chuyện thí nghiệm hết chương trình này đến chương trình khác, hết phương pháp nọ đến phương pháp kia… Mỗi dịp thay đổi “thí điểm” người học lại một phen xáo trộn, bất an, bị động. Và suốt quá trình học ngoại ngữ ở nhà trường là quá trình xoay xở với những thay đổi, thay vì hướng đến bản thân tri thức – học được cái gì và học để sử dụng như thế nào, vào việc gì.
Những “thí điểm” to tát vẫn được hô hào, những “đề án” tầm quốc gia đầy tốn kém (như kế hoạch xây dựng đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) vẫn được tiến hành. Nhưng ngoài giờ học ở trường, con em chúng ta lại vẫn cứ phải lục tục đến các trung tâm Anh ngữ, trả học phí cao với hy vọng sẽ được học ngoại ngữ đúng là ngoại ngữ.

Con đường thoát khỏi tình trạng “mặc cảm nạn nhân Anh ngữ nhà trường” của cộng đồng xem ra còn đầy nhọc nhằn và tốn kém. Trong khi đó, ngành giáo dục lại quá bận rộn với những “ý tưởng” nghìn tỉ, chẳng cần hay biết!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới