Nắng hoàng mai
Quế Hương
![]() |
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) – Có mảnh sân con, cây đầu tiên tôi trồng là hoàng mai. Có người bảo ấu thơ như bình minh của đời người. Ngày ảnh hưởng bởi khoảnh khắc ban sơ ấy. Có thể. Bởi đã bao năm rồi, cái dáng xuân rực rỡ từ cội mai vàng trước ngõ nhà nội vẫn hiển hiện mỗi độ xuân về.
Nhà nội ở Nam Phổ, qua một chuyến đò. Một nếp nhà tranh dung dị giữa khu vườn bát ngát hương cau. Khu vườn còn nguyên vẹn dẫu nội tôi có bốn người con đã lập gia đình. Nội quan niệm cắt vườn như xẻ thân thể. Nội còn sống đứa nào muốn ở cứ ở nhưng không có chuyện cắt vụn vườn phân ranh giới chia nhau.
Tôi đã thấm đẫm hồn quê đất Việt từ ngôi nhà vườn ấy. Miếng cơm nén mo cau. Rá khoai lang tỏa khói. Lu nước gáo dừa mát lạnh. Tiếng mưa lộp bộp trên tàu lá chuối. Khói chiều nồng nàn hương ổi. Quang gánh mắc đầu hè. Yếm trắng bà phơi lưng giậu…
Đông về. Đất trời trắng xóa màu mưa. Dầm dề, lướt thướt. Gió mưa khó kiếm ra cái ăn nhưng lại khiến con người mau đói. Chút nước mắm kho rắc tiêu ăn với cơm nóng vẫn ngon. Lon tép khô rang vàng trộn mắm đường ớt tỏi, cơm đơm tới tấp. Chỉ cần thẩu mỡ, thẩu ruốc còn mọi thứ ngoài vườn. Nải chuối xanh, đôi quả cà, vài trái khế, mấy chột nưa, trái mít non, nắm rau lốt, rau khoai… đủ để mạ tôi biến thành những món đơn giản ngon lành. Nồi cơm được vét tận đáy. Mạ mắng yêu: “Bây ăn như thúng lủng khu!”. Sau này xa nhà tôi thử làm lại các món của mạ nhưng không thấy ngon nữa. Có lẽ thiếu vị rả rích tê tái của mưa dầm xứ Huế và bếp lửa đen sì ấm áp của mạ.
Tháng Chạp, trời ngớt mưa, ửng nắng. Vườn nội tôi như gương mặt đẹp sau khóc, sáng sủa và nhẹ nhõm. Nội xén lại hàng chè tàu và bắt tay trảy lá cho cội mai vàng. Đó là cội lão mai đứng kề cái bể chứa nước mưa, sau bức bình phong bằng chè tàu. Cây to và cao nên nội huy động cả bầy cháu. Đối với trẻ con đó là một ngày hội. Chúng tôi được chia cành nhánh, bắc ghế hoặc leo lên cây sau khi nghe nội kể lại lịch sử “cụ mai” có từ thời cụ cố. Nội vừa trịnh trọng trảy lá vừa lầm thầm xuýt xoa: “Huynh chịu khó để đệ vặt lá cho huynh ra hoa!”. Nội thấu hiểu nỗi đau mà loài cây ấy phải trải để khai hoa nở nhụy cái đẹp. Trút lá xong, cội mai già kiêu hãnh đứng trơ bộ xương kiều diễm, vươn cái dáng do đất trời và thời gian chạm khắc, gầy guộc mà vững chãi, thách thức và đón đợi…
Chúng tôi nôn nao đợi Tết để được ăn bánh mứt, mặc đồ mới và được những đồng tiền mừng tuổi. Còn nội tôi… đợi ngắm hoàng mai! Những tờ lịch cuối cùng của năm càng vợi thì “cụ mai” càng trẻ lại, toàn thân như tỏa ánh xanh bởi nghìn nghịt nụ căng mẩy, ngời ngợi màu ngọc bích. Ngày 28 Tết, khi cả nhà bận rộn gói bánh tét thì nội bắc ghế đợi “cụ” hé nụ cười đầu tiên với nội, nụ cười huynh đệ ấm áp màu nắng tháng Chạp. Rồi nụ nối nụ, hoa nối hoa, khoảnh sân con rực rỡ lạ thường bởi cây mai vàng trước ngõ thả những chùm nắng rơi! Ba ngày Tết, ngoại trừ hoa trên bàn thờ tổ tiên, nhà nội không cắm bình hoa nào cả. Cội mai đã là một bình hoa vĩ đại cắm từ lòng mẹ đất. Có bình hoa ấy, vườn đẹp hẳn. Ai đi qua cũng dừng lại trầm trồ còn nội thủng thỉnh: “Nhà tôi xuân về trước ngõ!”.
Đã bao năm. Đời người dâu bể. Cảnh vật bể dâu. Nội mất, vườn bị xé từng mảnh. Cội mai vàng trước ngõ không sống hết mùa hoa khi chủ nhân nằm xuống. Ngày chặt nó để chia đất, nó vẫn hồn nhiên ra hoa. Cây rựa sắc lẻm giơ lên, hoa mai như đàn bướm bị xé xác, phủ kín đất bằng cái sắc vàng roi rói, hơn hớn đến đau lòng.
Xuân thôi về trước ngõ! Nhưng… vẫn về trong tôi. Nguyên vẹn.
Mỗi năm Tết đến, tôi đi trong thứ nắng mỏng mảnh dịu dàng của ngày cuối năm, ngắm những cành mai rực rỡ trong những tay cầm sạm đen gầy guộc ven đường, lòng nhớ da diết nắng hoàng mai ngõ cũ.
Tôi lại “về quê”. Qua ngõ xanh, có cội mai vàng. Nó vẫn đứng đấy… thả những chùm nắng rơi!