Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nặng lãi vay, vẫn lãng phí kéo dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nặng lãi vay, vẫn lãng phí kéo dài

Tư Hoàng

Nặng lãi vay, vẫn lãng phí kéo dài
Nhiều dự án công đội vốn, mà chất lượng kém. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Muốn duy trì nền tài chính quốc gia bền vững thì không thể tiếp tục chấp nhận tình trạng hoang phí tràn lan, kéo dài trong những dự án công, chi tiêu công.

Những số liệu nợ công của Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới công bố gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động. (xem: Nợ công lên 110 tỉ đô la Mỹ, lãi vay bằng 7,2% tổng chi NSNN)

Ví dụ một con số cụ thể là chi trả lãi vay. WB cho biết, chi trả lãi vay chiếm gần 7,2% chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014.

So sánh tỷ lệ trả lãi trên với số chi NSNN năm 2014 là hơn 1 triệu tỉ đồng, theo Bộ Tài chính, thì thấy số tiền lãi phải trả lên tới 70.000 tỉ đồng.

Như vậy, số tiền phải trả lãi vay như trên là lớn đến mức “lấn át các khoản chi tiêu khác”, như WB nhận xét, và chiếm phần lớn trong số chi trả nợ và viện trợ là 120.000 tỉ đồng năm 2014.

Cũng như một gia đình, khi thiếu thì phải vay nợ, nhưng các khoản vay phải được sử dụng hiệu quả thì gia đình đó mới có cơ hội phát triển; còn ngược lại, các khoản chi tiêu không được quản lý tốt, hay vay về chỉ để ăn tiêu, thì rủi ro sẽ rất lớn, không chỉ cho một thế hệ của gia đình đó.

Xét về góc độ này, đây là điều đáng lo.

Trong năm 2014 thì chi cho tiêu dùng, quản lý hành chính, duy trì bộ máy lên tới 704.400 tỉ đồng, tức chiếm 70% chi NSNN; trong khi chi đầu tư phát triển chỉ vỏn vẹn 160.000 tỉ đồng, chỉ khoảng 16% tổng chi NSNN.

Nhưng đáng báo động là ở chỗ, ngay trong các khoản chi đầu tư phát triển thì tình trạng lãng phí, dàn trải, thất thoát lâu nay vẫn tiếp tục kéo dài.

Ví dụ, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2014 công bố ngày 10-7 cho thấy hàng loạt dự án tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt lần đầu với số vốn rất cao, cụ thể:

Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tăng 20.920 tỉ đồng, tăng 0,85 lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt lần đầu; Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỉ đồng, tăng 0,89 lần; Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tăng 10.148 tỉ đồng, tăng 0,5 lần; Dự án Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu tăng 6.096 tỉ đồng, tăng 0,8 lần…

Các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) – nghĩa là Chính phủ đi vay để đầu tư – cũng không tiến bộ hơn.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, hàng loạt dự án không đạt tiến độ thực hiện nên tỷ lệ giải ngân thấp. Tỉnh An Giang là một ví dụ: kế hoạch vốn năm 2013 chỉ giải ngân được 68,5%, kế hoạch vốn năm 2012 chuyển sang năm 2013 chỉ giải ngân được 55,2%; Bắc Kạn giải ngân năm 2013 đạt 59,2%; Điện Biên đạt 76,3%.

Rồi có một số dự án không thuộc danh mục được sử dụng vốn TPCP nhưng cũng đã giải ngân gần 1.274 tỉ đồng; một số dự án sử dụng vốn TPCP nhưng tăng quy mô gần 1.438 tỉ đồng. Có 4 địa phương thanh toán cho các dự án không có trong danh mục dự án được sử dụng vốn TPCP theo quy định gần 152 tỉ đồng; 8 địa phương thanh toán cho phần vượt quy mô hơn 907 tỉ đồng…

Trong bất kỳ tiêu chí thanh tra nào về sử dụng nguồn vốn TPCP thì Kiểm toán Nhà nước cũng đều phát hiện có sai sót, không đúng  mục đích.

Một số dự án đầu tư công như kể trên cho thấy, dù không phải tất cả TPCP được dùng để đầu tư, nhưng cách đầu tư và sử dụng nguồn vốn TPCP kém hiệu quả như thế nào.

Đây là điều rất đáng lo khi tỷ lệ phát hành vốn TPCP có kỳ hạn ngắn, dưới 3 năm, chiếm tỷ trọng cao (165.400 /206.100 tỉ đồng, chiếm 80,26%) nên áp lực trả nợ lớn.

“Việt Nam ở vị trí tốt hơn nhiều so với Hy Lạp”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa quả quyết khi được hỏi về tình trạng của Việt Nam. Đó là điều đáng mừng.

Song, tình trạng trạng hoang phí tràn lan, kéo dài trong những dự án công, chi tiêu công không thể tiếp tục kéo dài mãi như vậy.

Xem thêm:

Nợ công lên 110 tỉ đô la Mỹ, lãi vay bằng 7,2% tổng chi NSNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới