Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năng lực phòng thí nghiệm còn yếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năng lực phòng thí nghiệm còn yếu

Tiến sĩ Tạ Bá Hưng, Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đang phát biểu tại cuộc họp báo – Ảnh: Thu Hiền.

(TBKTSG Online) – Hiện nay, cả nước có 17 phòng thí nghiệm trọng điểm nhưng năng lực phân tích của các cơ quan này còn nhiều hạn chế do các thiết bị phân tích chưa đồng bộ và lực lượng nhân lực còn quá mỏng.

Đây là thông tin từ cuộc họp báo tại TPHCM hôm 16-12 về hội chợ triển lãm quốc tế về công nghệ thiết bị phân tích, thí nghiệm, chẩn đoán, dịch vụ và công nghệ sinh học Analytica Việt Nam 2009.

Tiến sĩ Tạ Bá Hưng, Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho biết, Việt Nam đã có rất nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, kể cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và các nước Tây Âu. Tuy nhiên, sản phẩm Việt Nam gặp không ít khó khăn trong quá trình thâm nhập thị trường nước ngoài do chất lượng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm có nhiều dư lượng kháng sinh và hóa chất.

“Các sản phẩm này gặp các vấn đề về chất lượng do yếu trong khâu phân tích, kiểm định và đánh giá chất lượng”, ông nói.

Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hóa học cũng quan ngại vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay. Khi mà một số thủy hải sản, rau và hoa quả nhiễm chất hóa học độc hại như thủy ngân, chrophemicol, hoặc chứa nhiều dư lượng kháng sinh và gần đây là melamine.

Ông Sơn cho rằng cần phải có thiết bị hiện đại phục vụ cho việc phân tích sản phẩm, bên cạnh đó, cần phải nâng cao năng lực của cán bộ nghiên cứu khoa học Việt Nam để phục vụ tốt hơn nữa cho đời sống và cho sản xuất.

Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã khởi động một kế hoạch đầu tư nhằm khuyến khích sử dụng các thiết bị phân tích để tăng cường các hoạt động nghiên cứu và triển khai. Theo đó, Chính phủ sẽ đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ cho ngành công nghiệp dược và 4,5 tỉ đô la Mỹ cho lĩnh vực hóa học từ nay đến năm 2010. Con số này chiếm tới 8,4% tổng GDP của Việt Nam (GDP Việt Nam năm 2007 là 71,5 tỉ đô la Mỹ).

Analytica Việt Nam 2009 là hội chợ triển lãm quốc tế về công nghệ thiết bị phân tích, thí nghiệm, chẩn đoán, dịch vụ và công nghệ sinh học được tổ chức bởi Tổ chức dịch vụ hội chợ triển lãm quốc tế – IMAG thuộc tập đoàn Messe Munchen và Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASESTI).

Sự kiện sẽ tập trung vào các sản phẩm và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực phân tích, thí nghiệm, công nghệ sinh học và quản lý chất lượng và thỏa mãn nhu cầu trao đổi, hợp tác của các nhà sản xuất, nhà phân phối và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong lĩnh vực phân tích, công nghệ sinh học, công nghệ chẩn đoán và thí nghiệm.

Dự kiến sẽ có 250 gian hàng hàng của các đơn vị tham gia. Tính đến nay, đã có 70 tập đoàn, công ty của các nước và vùng lãnh thổ, như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Singapore tham gia. Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 20-3-2009 tại Trung tâm triễn lãm quốc tế Hà Nội.

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới