Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nắng nóng gây căng thẳng lưới điện và mùa màng ở Trung Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nắng nóng gay gắt trên khắp Trung Quốc đang làm căng thẳng lưới điện đúng ngay khi nước này nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, nông dân ở nhiều vùng của Trung Quốc đang chạy đua cứu các các vụ mùa bao gồm lúa gạo và bông (cotton) khỏi tác động của nhiệt độ thiêu đốt.

Thu hoạch bông ở Tân Cương. Thời tiết khô hạn, nếu kéo dài, sẽ gây tổn thất lớn cho các vụ mùa bông hiện tại ở Tân Cương. Ảnh: Getty

Một số khu vực của Trung Quốc ghi nhận nhu cầu điện đang tăng lên mức kỷ lục và đã phải cắt điện cung cấp các nhà máy vào giờ cao điểm để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho máy điều hòa không khí ở các hộ gia đình. Cây lúa và nhiều loại cây rau quả ở miền nam Trung Quốc có nguy cơ bị thiệt hại do nắng nóng, và sông băng tan chảy đang gây lũ lụt ở các vùng trồng bông ở Tân Cương.

Tình trạng gián đoạn hoạt động kinh tế ở Trung Quốc do nắng nóng bất thường là một dấu hiệu khác cho thấy rủi ro của các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên do biến đổi khí hậu. Ấn Độ, châu Âu và Mỹ cũng đang trải qua những những đợt nắng gắt trong mùa hè này.

Thời tiết khô hạn đang kiểm tra khả năng của Trung Quốc trong việc duy trì hoạt động của các nhà máy từ trung tâm sản xuất Chiết Giang ở phía đông cho đến trung tâm công nghệ Thâm Quyến ở phía nam. Một số khu vực đã ban hành chỉ thị “tiêu thụ điện có trật tự” nhằm kêu gọi các nhà máy có mức độ ưu tiên thấp giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm để đảm bảo nguồn cung điện cho người dân.

Cho đến nay, Trung Quốc đã tránh được việc cắt giảm điện trên diện rộng như đã từng xảy ra vào mùa thu năm ngoái do thiếu than. Giới chức trách tin tưởng rằng tình hình hiện tại có thể kiểm soát được, đặc biệt là nhờ nguồn cung than tăng cao hơn nhiều sau khi các công ty khai thác than được yêu cầu nâng sản lượng lên mức kỷ lục.

“Bước vào tháng 7, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn và nhiệt độ tăng cùng với các làn sóng thời tiết nóng dai dẳng trên toàn cầu, mức tiêu thụ điện và phụ tải điện của chúng ta cũng đang tăng lên nhanh chóng. Dù vậy, cung cầu điện trong nước vẫn ổn định”, He Yang, Giám đốc bộ phận năng lượng tại Cục Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), cho biết tại một cuộc họp báo hôm 27-7.

Nhiệt độ khắc nghiệt ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau ở Trung Quốc trong hơn một tháng nay, dẫn đến một số người tử vong do sốc nhiệt ở những nơi bao gồm tỉnh Tứ Xuyên và tỉnh Chiết Giang. Theo Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA), trọng tâm của thời tiết cực đoan là miền nam Trung Quốc, nơi được dự báo ​​sẽ trải qua một đợt nắng nóng trong 10 ngày tới, với nhiệt độ đã tăng trên 40 độ vào hôm 27-7.

Đầu tuần này, CMA đã phát cảnh báo đỏ ở gần 70 thành phố, nơi nhiệt độ được dự báo vượt 40 độ C. 393 thành phố và huyện khác được dự báo sẽ trải qua đợt nắng nóng từ 35 độ C trở lên. Nhiệt độ ở Trung Quốc đang tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới. Kể từ tháng 6, nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn quốc đạt mức cao nhất kể từ năm 1961.

Hôm 24-7, 13 trạm khí tượng ở tỉnh Chiết Giang và tỉnh Phúc Kiến ghi nhận nhiệt độ đạt hoặc vượt các mức kỷ lục trước đó. Tại TP. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, cơ quan khí tượng địa phương dự báo thời tiết nắng nóng sẽ kéo dài 23 ngày và đây là sóng nhiệt kéo dài lâu nhất ở thành phố này kể từ năm 1951.

Giới chức trách ở một số khu vực đã cảnh báo người dân nên ở trong nhà khi có thể và hạn chế làm việc quá sức.

He Yang cho biết nhu cầu điện của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong lịch sử vào giữa tháng 7 vừa qua và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng đến đầu tháng 8.

Công ty Lưới điện nam Trung Quốc (CSPG), đơn vị cung cấp điện cho 5 tỉnh cực nam của Trung Quốc bao gồm cả trung tâm kinh tế Quảng Đông, cho biết sản lượng điện tiêu thụ ở khu vực đạt mức kỷ lục 223 GW vào hôm 25-7, cao hơn 3% so với mức đỉnh của năm ngoái. Theo một quan chức của CSPG, cứ mỗi độ nhiệt tăng lên, khu vực này cần bổ sung thêm 5 GW công suất điện.

Theo Global Times, vùng Tân Cương ở phía tây Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiệt độ nóng bức, buộc nông dân và chính quyền địa phương phải nhanh chóng hành động để bảo vệ các cánh đồng bông và các loại cây trồng khác, chủ yếu bằng cách tăng cường tưới tiêu. Nhiệt độ cao cũng đang đẩy nhanh quá trình tan băng ở các khu vực miền núi ở Tân Cương, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi. Một người quản lý nhà máy dệt may ở Tân Cương nói rằng năm nay, nông dân trồng bông khó đạt điểm hòa vốn vì sản lượng bông suy giảm do thời tiết khô hạn.

Chen Chunyan, chuyên gia ở Đài quan sát khí tượng Tân Cương, cảnh báo nếu sóng nhiệt ở Tân Cương kéo dài, có thể gây tổn thất lớn cho các vụ mùa bông và gia tăng sức ép thêm cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang tăng trưởng chậm lại do tác động của các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19. Trung Quốc là nước sản xuất bông lớn thứ hai thế giới và 85% sản lượng bông của nước này đến từ Tân Cương.

Li Fulong, Giám đốc bộ phận kế hoạch và phát triển tại NEA, cho biết Trung Quốc dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm khi giới chức trách triển khai nhiều biện pháp khác nhau để kích thích nền kinh tế, dẫn đến thêm một đợt tăng nhu cầu than, khí đốt và điện trong mùa đông. Ông nói, các công ty điện lực đang thực hiện các kế hoạch để đảm bảo nguồn cung, bao gồm cả việc tích trữ khí đốt càng nhiều càng tốt.

Một báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết lũ lụt, bão và hạn hán ước tính gây thiệt hại kinh tế khoảng 238 tỉ đô la mỗi năm ở Trung Quốc. Theo nghiên cứu của McKinsey, biến đổi khí hậu ở Trung Quốc, bao gồm các sóng nhiệt gay gắt, có thể làm sản lượng lúa mì, lúa gạo và bắp giảm 10% mỗi năm.

Theo Bloomberg, CNN, Global Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới