Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năng suất lao động nông nghiệp rất thấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năng suất lao động nông nghiệp rất thấp

Thùy Dung

Năng suất lao động nông nghiệp rất thấp
Các chuyên gia thảo luận về những chính sách để tăng năng suất và chất lượng chuỗi cung ứng nông nghiệp tại Việt Nam – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Năng suất lao động trong ngành nông nghiệp của Việt Nam luôn thấp nhất trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp và không thể bắt kịp được năng suất lao động của các nước này kể từ năm 2005. Trong khi đó, năng suất lao động của ngành nông nghiệp lại đang có xu hướng chững lại, hiện chỉ bằng 1/3 so với năng suất chung của cả nước.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường hiệu quả sản xuất và chuỗi cung ứng nông nghiệp tại Việt Nam” diễn ra ngày 3-10 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), giá trị gia tăng nông nghiệp trên mỗi lao động của Việt Nam năm 2011 đạt chưa tới 400 đô la Mỹ/người, thấp hơn cả Lào và Campuchia.

“Trong khi đó, năng suất lao động nông nghiệp chỉ bằng 1/3 năng suất lao động của cả nước và khoảng cách giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đang ngày càng rộng ra. Nếu như giá trị gia tăng trên mỗi lao động trong khu vực dịch vụ là 1.400 đô la Mỹ/người, công nghiệp là 2.200 đô la Mỹ/người thì lĩnh vực nông nghiệp đạt chưa đầy 400 đô la Mỹ/người”, ông Tuấn nói.

Cũng tại buổi hội hảo, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, nông nghiệp Việt Nam đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm cho trên 70% dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn cung thực phẩm dồi dào cho thị trường trong nước và thế giới.

Nông nghiệp cũng là lĩnh vực duy nhất của Việt Nam luôn có xuất siêu trong nền kinh tế. Trong vòng gần 3 thập niên, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng đều đặn, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với các sản phẩm như gạo, tiêu, điều, sắn, chè, cao su, thủy sản, đồ gỗ và nội thất.

Tuy nhiên, bà Thu cũng thừa nhận, mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng nông nghiệp và năng suất có xu hướng chững lại, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nông nghiệp giảm dần từ mức bình quân 4,5% giai đoạn 1995-2000 xuống 3,8% giai đoạn 2000-2005 và chỉ còn 3,4% giai đoạn 2006-2012.

Bà Thu lý giải, năng suất nông nghiệp chững lại và suy giảm do đất đai manh mún, phân tán. Trong khi đó, nông nghiệp gặp rất nhiều ách tắc như làm thế nào để rút lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Việc thâm dụng yếu tố đầu vào như phân bón để tăng năng suất đã tới giới hạn; khả năng áp dụng cơ giới hóa thấp; các chuỗi giá trị ngành hàng có khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị kém do tình trạng manh mún, phân tán, chi phí giao dịch cao, tổ chức thực hiện yếu kém, chất lượng sản phẩm không đồng đều, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.

Các đại biểu tham gia hội thảo nhận định việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng năng suất lao động và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng là việc làm rất cấp bách hiện nay.

Bà Yumiko Tamura, kinh tế trưởng Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB Institue) cho hay, lịch sử đã chứng minh sự tham gia của nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả cao, thay vào đó nhà nước nên trao quyền và tăng cường vai trò của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát và điều phối khu vực tư nhân.

Tại diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đóng góp nhiều giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam, chủ yếu tập trung vào 5 nhóm giải pháp: hướng tới mặt hàng nông sản có giá trị và tính cạnh tranh cao; tập trung sản xuất để tạo thêm giá trị gia tăng; kiểm soát tốt chất lượng nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm; tích tụ đất đai và chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp.


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới