Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Năng suất lao động thúc đẩy tăng trưởng, có gì đáng vui?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năng suất lao động thúc đẩy tăng trưởng, có gì đáng vui?

Chính Phong

Năng suất lao động thúc đẩy tăng trưởng, có gì đáng vui?
Tiến sĩ Trần Đình Thiên (thứ hai từ bên trái) cùng các chuyên gia kinh tế từ ICAEW và Oxford Economics nói về triển vọng kinh tế Việt Nam trong sự kiện tại TP.HCM ngày 9-6. Ảnh: Chính Phong

(TBKTSG Online) – Năng suất lao động đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 15 năm qua nhiều hơn hẳn các nước trong khu vực Đông Nam Á, Mỹ, Anh và EU nhưng đó chưa phải là những số liệu lạc quan.

Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á quý 2-2016 của Hội kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp với công ty nghiên cứu tư vấn kinh tế Oxford Economics nhấn mạnh vào ảnh hưởng của việc tăng năng suất lao động ấn tượng lên tăng trưởng GDP tại các nước Đông Nam Á trong giai đoạn 2000-2015. Theo đó Việt Nam dẫn đầu, năng suất lao động tăng đóng góp mỗi năm 6,5% vào sự tăng trưởng GDP.

Nhưng đi sâu vào các phân tích thì việc tăng năng suất lao động này không lạc quan bởi nó chủ yếu dựa vào các yếu tố làm tăng năng suất lao động xã hội. Các yếu tố này gồm: dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp (61% người làm nông nghiệp năm 2000 còn 44% năm 2015) sang các ngành chế tạo, dịch vụ vốn có năng suất cao hơn; do tốc độ đô thị hóa; do lực lượng lao động trong độ tuổi lý tưởng lớn; do phát triển khoa học kỹ thuật ở tất cả mọi ngành… Còn nhóm các yếu tố làm tăng năng suất xã hội cá nhân như bản thân người lao động, quản lý con người, điều kiện lao động không có nhiều thay đổi đáng ghi nhận.

Đáng bàn hơn, nếu như thực sự năng suất lao động tăng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP ấn tượng kể trên thì phải nói năng suất lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI tăng là chính. Khu vực này đóng góp lớn vào xuất khẩu; chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp FDI đóng góp 71,4% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam, theo số liệu của tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam. Tức là khu vực FDI vẫn là đầu tàu của nền kinh tế, còn năng lực các doanh nghiệp nội địa đã thấp lại càng suy yếu, có nguy cơ không được hưởng lợi nhiều khi hội nhập sâu qua các hiệp định thương mại tự do; số lượng doanh nghiệp đóng cửa liên tục tăng trong giai đoạn 2010-2015.  

“Cám ơn các bạn nước ngoài đánh giá chúng tôi cao, nhưng chúng tôi còn quá nhiều điểm nghẽn trong tăng trưởng GDP chưa được giải quyết triệt để: nợ xấu, lạm phát thấp, lãi suất cao, thủ tục hành chính, các loại thuế phí, hệ thống ngân hàng trở lại phục vụ nhà nước chứ không phải doanh nghiệp, nông sản rớt giá mạnh, nhập khẩu hàng Trung Quốc tăng nhanh không tưởng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ làm cho có hình thức, chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam cao và tăng nhanh, những hiểm hoạ thiên tai đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng… Giải quyết được các việc trên thì năng suất lao động cá nhân chắc chắn thay đổi theo hướng tích cực”, tiến sĩ Thiên nói.

Nhưng ông Thiên cũng cho rằng tín hiệu đáng mừng là hệ thống chính trị Việt Nam đang quyết tâm thực hiện cải cách bằng việc bám vào các cấu trúc lớn như EU, Mỹ qua 5 hiệp định thương mại tự do trình độ cao vừa ký năm 2015, những hiệp định mà ngay cả Thái Lan láng giềng hùng mạnh hơn chưa dám tham gia.

“Những thách thức, sức ép khi hội nhập sẽ là động lực lớn để cải cách thể chế, thay đổi cấu trúc kinh tế, mà bắt đầu từ việc ai làm, người đó chịu trách nhiệm, không còn chịu trách nhiệm tập thể nữa”, ông Thiên nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới