Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Nàng thư ký di động”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Nàng thư ký di động”

(TBVTSG) – Thêm chút “trí tuệ” cho chiếc điện thoại di động, các kỹ sư ở NTT DoCoMo (Nhật) hy vọng sự kết hợp công nghệ trong chiếc điện thoại có thể giúp nó hỉểu chủ nhân của nó hơn.

Về lý thuyết, một thiết bị có thể đưa ra ngay lời khuyên về nơi ăn uống, giờ khởi hành của xe lửa/máy bay hoặc nơi bạn có thể tìm thấy quà cho người thân của mình. Các nhà khoa học máy tính đã “vật lộn” với ý tưởng này trong nhiều thập kỷ qua, nhưng những công nghệ đã có vẫn chưa đủ đáp ứng những yêu cầu nói trên.

Giờ đây, khi chiếc điện thoại di động ngày càng làm được nhiều việc, các nhà cung cấp dịch vụ di động ở Nhật, nhất là NTT DoCoMo, nghĩ rằng đã đến lúc có thể bổ sung cho thiết bị này một chút “trí tuệ”.

Bước tiến đầu tiên

Mục đích chung của các nhà cung cấp dịch vụ là kết hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS), Internet và những tính năng khác lại với nhau trên chiếc điện thoại di động. Thông qua phần mềm thông minh, thiết bị này sẽ cung cấp cho người sử dụng thông tin theo ý muốn của họ, giống như công việc của một người trợ lý.

NTT DoCoMo đang phát triển công nghệ giúp lấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, như dữ liệu GPS và mua sắm, nội dung trên Twitter (một dịch vụ blog ngắn gọn), e-mail, blog… Ông Kazuo Sato, Giám đốc dự án nói trên tại NTT DoCoMo, cho biết ý tưởng của dự án là giúp điện thoại di động có thể đọc được suy nghĩ của người sử dụng.

Theo sự hình dung của NTT DoCoMo, chiếc điện thoại thông minh sẽ trở thành một “người trợ lý” – phần không thể thiếu trong cuộc sống của người sử dụng. Chẳng hạn như khi bạn đến quận Ginza ở Tokyo để mua sắm, “cô trợ lý điện thoại di động” – vốn biết rõ bạn mê thư pháp – sẽ thông báo khi bạn đến gần nơi có diễn ra triển lãm thư pháp.

Với dịch vụ i-concier, người dùng có thể nhận thông tin cập nhật về tình hình giao thông, buổi hòa nhạc của nghệ sĩ mà mình ưa thích và đưa ra những lời nhắc nhở công việc.

Vào tháng 11 năm ngoái, NTT DoCoMo đã tung ra một dịch vụ “trợ lý” gọi là “i-concier”, cung cấp những thông báo dựa trên thông tin về người sử dụng và dữ liệu của hơn 200 nhà cung cấp. Thông qua điện thoại di động của nhà cung cấp, dịch vụ có thể cảnh báo cho bạn khi tàu điện ngầm bị hỏng, có tai nạn giao thông hoặc động đất, đồng thời nhắc nhở bạn về những sự kiện cộng đồng hoặc một buổi hòa nhạc tại địa phương. Nó có thể nhắc bạn khi nào đến hạn trả đĩa DVD đã thuê, hoặc cho bạn biết ngày giờ vé xem các buổi biểu diễn của nghệ sĩ mà bạn ưa thích bắt đầu được bán.

Dịch vụ này vẫn chưa thể đọc được suy nghĩ của bạn – bạn phải lập trình cho nó – nhưng đây được xem là bước tiến đầu tiên. Dịch vụ i-concier (bao gồm một điện thoại di động giá 500 đô-la Mỹ và phí dịch vụ 2,3 đô-la/tháng) đang có sự khởi đầu đầy hứa hẹn. Trong vòng hai tháng, gần nửa triệu khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ.

Nỗi lo về sự riêng tư

Dĩ nhiên là vẫn còn phải chờ xem liệu NTT DoCoMo có thể tiếp tục thu hút thêm người sử dụng và tung ra những dịch vụ tinh vi hơn hay không. Trước mắt, công ty đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa việc mang lại sự tiện lợi và gây cảm giác phiền toái cho người sử dụng. Công ty hiện đang có những thử nghiệm tại Tokyo về tác động của những cảnh báo từ dịch vụ i-concier đến tâm lý của người sử dụng.

Ngoài ra, nỗi lo lắng về sự riêng tư cũng có thể là một trở ngại lớn đối với loại dịch vụ i-concier. Tại Mỹ, không ít nhà quản lý và người dân đã tỏ ra lo ngại về cách thức các nhà cung cấp dịch vụ Internet xử lý dữ liệu về thói quen lướt web của người sử dụng.

Tại Nhật, công cụ Google Earth cung cấp hình ảnh chụp trên không trên mạng đã gây ra không ít tranh cãi về vấn đề riêng tư. Nỗ lực phát triển một thiết bị hỗ trợ cá nhân di động sẽ đòi hỏi việc thu thập thêm nhiều thông tin riêng tư hơn thế. Takeshi Onishi, một nhà phân tích viễn thông tại Ngân hàng Mizuho Corporate, nói: “Nhiều người trong chúng ta sẽ không khỏi e ngại khi nhận được những đề nghị, gợi ý dựa trên quá nhiều thông tin cá nhân”.

Trước những lo ngại về vấn đề riêng tư, NTT DoCoMo nhấn mạnh rằng i-concier chỉ sử dụng những thông tin mà khách hàng đồng ý cung cấp (tối thiểu, người sử dụng cần cho biết giới tính, ngày sinh, quê quán). Ngoài ra, công ty cũng đang phát triển cách thức tách biệt những thông tin cá nhân khỏi tên tuổi của khách hàng được lưu trữ tại những máy chủ của mình. Ông Sato nói: “Chúng tôi không chỉ làm cho thông tin trở nên ẩn danh mà còn trừu tượng hóa nó để việc nhận ra danh tính của một khách hàng nào đó là không thể”.

Dù vậy, những nỗi lo về sự riêng tư khó có thể thoát khỏi tâm trí của người sử dụng do công nghệ đang ngày càng lợi hại hơn. Chẳng hạn như không lâu nữa công nghệ không chỉ có thể giúp biết được bạn đang ở tòa nhà nào mà còn biết chính xác bạn ở tầng lầu nào trong tòa nhà đó thông qua điện thoại di động. Vì thế, ngành công nghiệp di động và các nhà quản lý tại Nhật dự kiến sẽ sớm ban hành những quy định về sự riêng tư, trong đó quan tâm đến cách thức các nhà cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp xử lý dữ liệu về hành vi của khách hàng.

MINH HUY (Newsweek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới