Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nạo vét 60 km kênh, rạch đối phó hạn mặn cho vùng ngọt hoá Gò Công

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – UBND tỉnh Tiền Giang vừa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án nạo vét kênh, rạch để trữ nước ngọt phòng, chống hạn mặn. Trong đó, sẽ thực hiện nạo vét trên 1 triệu m3 vật chất của khoảng 60 km kênh, rạch ở các địa phương trong vùng dự án ngọt hoá Gò Công.

Kênh rạch vùng dự án ngọt hoá Gò Công bị khô hạn trong mùa khô 2019-2020. Ảnh: Trung Chánh

Dự án nêu trên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư, sẽ thực hiện nạo vét kênh, rạch ở các địa phương phía Đông của tỉnh Tiền Giang, gồm các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và thị xã Gò Công. Đây là các địa phương nằm trong vùng dự án ngọt hoá Gò Công.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện nạo vét các kênh cấp I, gồm kênh Hóc Lựu và tuyến nhánh; kênh Cộng Đồng-Rạch Đào và tuyến nhánh; kênh Tổng Châu- Hội Đồng Huyền; kênh Rạch Lá; rạch Kiến; rạch Lá; rạch Hưu và tuyến nhánh; rạch Đung; rạch Rầm Vé; rạch Gò Gừa và tuyến nhánh. Tổng chiều dài các tuyến kênh, rạch nạo vét là khoảng 60 km với khối lượng vật chất nạo vét là trên 1,063 triệu m3.

Về các tác động môi trường, Quyết định phê duyệt ĐTM của UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với giai đoạn thi công sẽ phát sinh bụi, khí thải từ quá trình vận chuyển vật chất nạo vét và các thiết bị máy móc cũng như từ quá trình đào đắp và tập kết vật liệu nạo vét; mùi hôi từ các bãi đổ vật chất nạo vét (dọc hai bên bờ hoặc các bãi đổ); tiếng ồn vận hành máy móc thiết bị; chất thải dạng lỏng, rắn và chất thải nguy hại; các rủi ro, sự cố môi trường như: sạt lở, lún sụt, rò rỉ chất thải nguy hại…

Đối với giai đoạn vận hành, các tác động môi trường bao gồm sự cố xói lở, rạn nứt, sạt lở đường bờ; lắng đọng phù sa.

Phê duyệt ĐTM của UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá các tác động/rủi ro phát sinh từ dự án là ở mức trung bình và nhỏ.

Trẻ em xuống lòng kênh khổ hạn để chơi đùa. Ảnh: Trung Chánh

Theo tìm hiểu của KTSG Online, vào thời điểm mùa khô 2019-2020, hầu như tất cả các kênh, rạch ở các địa phương phía Đông tỉnh Tiền Giang, gồm Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công, tức vùng dự án ngọt hoá Gò Công đều bị cạn khô.

Thời điểm khô hạn cao điểm của mùa khô 2019-2020, gần như mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân đều bị ngưng trệ do không có nước ngọt để sản xuất. Trong khi đó, nuôi thuỷ sản nước lợ cũng không được do bị đê bao ngăn không cho nước mặn tràn vào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới