Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên có bộ giám sát các tập đoàn nhà nước 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên có bộ giám sát các tập đoàn nhà nước 

Ông Nguyễn Đình Cung trả lời phỏng vấn báo chí – Ảnh: Thành Trung

(TBKTSG) – Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đã đến lúc cần thành lập một cơ quan chuyên trách cấp bộ giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước và quản lý vốn chủ sở hữu nhà nước. TBKTSG đã có buổi trao đổi với ông Cung về vấn đề này.

TBKTSG: Ông đánh giá thế nào về việc các tập đoàn không tập trung vào ngành kinh doanh chính mà lấn sang lĩnh vực khác, từ đó dẫn đến sự đầu tư dàn trải, phung phí nguồn vốn nhà nước?

Ông Nguyễn Đình Cung: Về lý thuyết, nếu dựa trên tiêu chí hiệu quả đồng vốn mang lại cho cổ đông và chủ sở hữu (Nhà nước) cũng như tạo ra giá trị đích thực là của cải và năng suất lao động nhiều nhất với chi phí xã hội ít nhất, thì việc đa dạng hóa ngành nghề của các tập đoàn không có vấn đề gì. Nhưng kinh nghiệm cho thấy không thể đa dạng hóa một cách tràn lan, mà bao giờ cạnh tranh cũng phải dựa trên lợi thế so sánh tương đối. Muốn vậy, mỗi doanh nghiệp phải có một lĩnh vực chuyên sâu, ở đó họ phải xây dựng năng lực cốt lõi và làm tốt nhất trong khả năng của mình trước khi muốn mở rộng sang ngành nghề khác.

Việc mở rộng có thể giúp tập đoàn khắc phục những biến động thất thường của thị trường liên quan đến ngành kinh doanh chính. Như vậy, lĩnh vực được mở rộng sẽ phải liên hệ trực tiếp đến ngành kinh doanh chính. Ví dụ, làm dệt may thì mở rộng sản xuất nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa thì nghĩ đến xuất khẩu, tiêu thụ chứ không thể nhảy sang đầu tư bất động sản.

Nhưng thực tế là có tập đoàn sẵn sàng bỏ ra 100 tỉ đồng để làm báo điện tử, kênh truyền hình, công ty truyền thông…

Với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước phải thẩm định việc đầu tư ra bên ngoài và xem xét, quyết định có cho phép tập đoàn thực hiện hay không. Đừng nói là phải có cơ chế mới làm chuyện thẩm định này được vì một người chủ sở hữu thì đương nhiên phải có quyền đó. Luật lệ đã quy định. Đó cũng là trách nhiệm đương nhiên của chủ sở hữu. Người ta quên quyền và trách nhiệm của người chủ sở hữu có thể vì ai cũng là người đại diện cả. 

Một trong những mối lo là việc cho vay chéo giữa các thành viên trong tập đoàn. Mới đây Chính phủ đã cho phép thành lập Ngân hàng Dầu khí thuộc Petro Vietnam. Theo ông thì sao?

Theo tôi, Việt Nam chịu ảnh hưởng của mô hình Nhật Bản mà ở đó quản trị công ty dựa trên mô hình trung tâm là ngân hàng. Nhưng điều khác biệt giữa ta và họ là ngân hàng của họ không phải do doanh nghiệp thành lập mà do các dòng tộc hình thành từ xưa và hoạt động như một công ty cổ phần lớn. Các ngân hàng này đầu tư rất ít vào các công ty, tập đoàn lớn (thường chỉ ở mức 1-2%), để với tư cách là cổ đông, nắm được thông tin đầy đủ nhất về hoạt động của tập đoàn nhằm giám sát và quản lý việc sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ta tưởng học nhưng lại không học như thế. Ở nước ta, các doanh nghiệp đi thành lập tập đoàn và làm điều ngược lại, như vậy rất bất ổn bởi vì doanh nghiệp là chủ sở hữu sẽ giao cho ngân hàng huy động vốn về và phân bổ vốn đó để thực hiện dự án bất chấp hậu quả. Suy ra, nó gây mất ổn định về kinh tế vĩ mô, vì vậy mô hình này là mô hình không nên làm và Nhà nước càng không nên làm.

Có ý kiến nói chỉ nên hạn chế tập đoàn mở ngân hàng nếu nó gây ra bong bóng trên thị trường, còn nếu hiệu quả thì vẫn nên cho phép?

Tôi không đồng ý với ý kiến trên vì nó tiềm ẩn những xung đột lợi ích. Huy động vốn của dân chúng mà ngân hàng lại do các tập đoàn làm chủ thì họ hoàn toàn có thể chỉ định ngân hàng phải cấp vốn cho dự án này hay dự án kia mà không tính đến hiệu quả sử dụng đồng vốn. Đó chính là nguy cơ về mặt xung đột lợi ích. Theo tôi, tập đoàn kinh tế tư nhân có thể mở ngân hàng nhưng tập đoàn nhà nước thì hoàn toàn không nên.

Nhưng có tập đoàn viện lý do họ rất thiếu vốn, trong khi phải chịu sức ép rất lớn về lợi nhuận, ngành kinh doanh chính lại khó thu hồi vốn nhanh…

Đây là chuyện trách nhiệm và năng lực của người lãnh đạo tập đoàn thay mặt chủ sở hữu quản lý vốn và làm cho đồng vốn sinh lãi. Vì thế phải mở ra cơ chế cạnh tranh để ai làm tốt nhất thì người đó được bổ nhiệm đứng đầu tập đoàn. Nhà nước giao chỉ tiêu cho tập đoàn, là người đứng đầu nếu anh không thực hiện được thì tốt nhất nên tự động nhường cho người khác xứng đáng hơn. Tôi tin rằng sẽ có người làm được. Vốn nhà nước phải trao vào tay người có đủ tâm lẫn tầm.

Quy định của Thủ tướng về phân chia vốn đầu tư của tập đoàn cho ngành kinh doanh chính và ngoài ngành chính theo tỷ lệ 70/30 có phù hợp không? Nó có ngăn chặn được việc đầu tư tràn lan của tập đoàn?

Tôi đồng ý đó không phải là việc của cơ quan hành chính nhà nước mà tùy từng doanh nghiệp cụ thể. Vấn đề này cũng quyết định vai trò của chủ sở hữu. Có thể có doanh nghiệp không được phép đầu tư ra bên ngoài, ngược lại, có doanh nghiệp sẽ được mở rộng đầu tư nhiều hơn nếu ngành kinh doanh chính có đặc thù riêng.

Quan điểm của ông về tách bạch vai trò của chủ sở hữu nhà nước trong các tập đoàn?

Phải tách bạch rõ ràng vai trò chủ sở hữu với vai trò quản lý hành chính của Nhà nước trong tập đoàn. Các bộ không nên thực hiện vai trò chủ sở hữu. Hiện nay nguồn vốn nhà nước tại các tổng công ty, tập đoàn rất lớn, vì vậy chúng tôi đề nghị nên thành lập một bộ chuyên trách quản lý quyền chủ sở hữu nhà nước ở khu vực kinh tế này. SCIC không thể đảm đương tốt vai trò này trong bối cảnh hiện tại. Phải có cơ quan cấp bộ đủ năng lực, đủ thẩm quyền và có vị thế chính trị nhưng không liên quan đến việc quản lý nhà nước, mà chỉ chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Cơ quan này sẽ thực hiện vai trò giám sát và công khai hóa thông tin về hoạt động của tập đoàn và giải trình với Chính phủ, với nhân dân.

THÀNH TRUNG ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới