Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên giảm hay tăng giá đồng Việt Nam?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên giảm hay tăng giá đồng Việt Nam?

Minh Khuê

(TBKTSG) – Đã có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm giá đồng Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu nhằm cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, tác giả bài viết này lại cho rằng trong điều kiện hiện nay có lẽ nên nâng giá tương đối tiền đồng so với đô la Mỹ. TBKTSG xin giới thiệu bài viết này để bạn đọc tham khảo và có thể tranh luận.

Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam chủ yếu gắn với đô la Mỹ và chính sách này đã có tác dụng ổn định tương đối đồng Việt Nam trong một thời gian dài. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn còn khá lớn và đây là yếu tố làm cho đồng Việt Nam lên giá tương đối so với đô la Mỹ. Có ý kiến cho rằng nên giảm giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, thậm chí nên phá giá mạnh đồng Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu nhằm cải thiện cán cân thương mại. Nhưng trong điều kiện hiện nay, theo tôi, có lẽ nâng giá tương đối đồng Việt Nam so với đô la Mỹ là phù hợp hơn cả.

Việc nâng giá đồng Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, tăng tích lũy tài sản tính bằng đồng Việt Nam và góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Nâng giá đồng Việt Nam còn giúp cho giá hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn, làm giảm đáng kể các khoản nợ nước ngoài nên giảm được gánh nặng cho ngân sách quốc gia và đóng góp của nhân dân. Việc nâng giá đồng Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đi vay để xuất khẩu và thanh toán các khoản vay được thuận tiện do tỷ giá không bị biến động quá lớn ở thời điểm đàm phán ký kết hợp đồng và thời điểm thanh toán.

Tuy nâng giá đồng Việt Nam có thể làm giảm xuất khẩu một số mặt hàng nhưng lợi thế về lao động rẻ sẽ được phát huy. Điều này sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cao chất lượng và tạo dựng thương hiệu sản phẩm. Áp lực này là tích cực xét về dài hạn trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Hơn nữa, việc nâng giá đồng Việt Nam còn là điều kiện để thực hiện việc phân phối lại thu nhập từ vốn sang lao động.

Nếu giảm giá mạnh đồng Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu song phải thỏa mãn điều kiện là cầu hàng xuất khẩu Việt Nam phải co giãn theo giá có nghĩa là giảm giá đồng Việt Nam sẽ làm tăng cầu về hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua phần lớn là nông thủy sản, hàng may mặc, sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp.

Đây là những mặt hàng có cầu ít co giãn theo giá nên việc giảm giá chưa hẳn đã làm tăng cầu. Do đó, giảm giá đồng Việt Nam có thể giúp giảm giá hàng xuất khẩu nhưng mức độ bán hàng có thể không tăng. Có chăng, việc giảm giá mạnh tiền đồng chỉ tác động cải thiện cán cân thương mại trong tức thời. Nhưng hàng hóa xuất khẩu bị bán rẻ trên thị trường nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc các tài nguyên trong nước bị bán rẻ, gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia khi đối tác nước ngoài mua được một khối lượng lớn các tài sản có giá trị cao với giá rẻ.

Thêm vào đó, do các nền kinh tế chủ yếu tiêu thụ hàng xuất khẩu Việt Nam như Mỹ, Nhật, EU tăng trưởng chậm lại (GDP quí 1-2011 của khu vực đồng euro đạt 2,5%, Mỹ tăng 1,8%, Nhật giảm 0,9%), thất nghiệp tăng và sức mua giảm mạnh nên cầu hàng hóa của Việt Nam khó có thể tăng khi giảm giá đồng Việt Nam.

Vì thế, biện pháp thúc đẩy xuất khẩu chỉ dựa chủ yếu vào giảm giá tiền đồng khó có thể đạt được mục tiêu. Mặt khác, giảm giá tiền đồng sẽ làm tăng lạm phát nhập khẩu, gây bất ổn về mặt bằng giá trong nước.

Như vậy, trong thời điểm hiện tại, việc nâng giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ có những tác động tích cực nhất định so với giảm giá hoặc thậm chí là phá giá mạnh đồng Việt Nam.

Việc nâng giá nếu được tính toán và cân nhắc thận trọng sẽ không tạo ra những “cú sốc” lớn so với phá giá mạnh đồng tiền. Tuy nhiên, việc nâng giá tiền đồng đòi hỏi khả năng của Chính phủ trong việc đảm bảo một lượng ngoại tệ đủ mạnh và có cơ chế điều hành phù hợp nhằm duy trì được tỷ giá ở vùng mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định.

Đồ thị 1 cho thấy nếu tỷ giá thực tế và cân bằng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ là 22.000 thì việc duy trì tỷ giá ở mức 20.700 chính là việc nâng giá tương đối đồng Việt Nam. Như vậy, xuất hiện tình trạng dư cầu ngoại tệ rất lớn (đo bằng đoạn Q2-Q1). Điều này đòi hỏi phải sử dụng một lượng lớn dự trữ ngoại tệ để điều tiết thị trường.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đáp ứng được 12 tuần nhập khẩu, tương đương khoảng 20 tỉ đô la Mỹ. Nếu sử dụng có hiệu quả lượng ngoại tệ từ các kênh khác như kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA thì khả năng duy trì đồng Việt Nam với giá cao là có thể được. Tuy nhiên, việc can thiệp này cần được thực hiện đúng thời điểm để tránh tình trạng xuất hiện các phản ứng lan truyền làm vô hiệu hóa các biện pháp can thiệp trước khi chúng được áp dụng.

______________

Xem thêm bài “Nút thắt vẫn là tỷ giá” tại http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/tiente/52057/ và bài “Chủ động giảm giá nội tệ ở mức vừa phải” tại http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/53106/Chu-dong-giam-gia-noi-te-o-muc-vua-phai.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới