Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên giao quyền điều tra cho ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên giao quyền điều tra cho ai?

Vân Ly

Nên giao quyền điều tra cho ai?
Đại biểu quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

(TBKTSG Online) – Trong phần thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 19-6 về Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến khác nhau về việc có nên giao quyền điều tra ban đầu cho công an xã, phường và giao quyền điều tra cho các bộ, ngành hay không?

Giao quyền điều tra ban đầu cho công an xã?

Phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu tỉnh Thái Nguyên bà Lê Thị Nga cho rằng công an xã, phường là lực lượng bán chuyên trách, không có nghiệp vụ điều tra. Nếu giao thêm cho công an xã phường quyền điều tra ban đầu trong các vụ án hình sự sẽ vượt quá khả năng, gây sai lệch làm khó cho cơ quan điều tra chuyên trách.

Bà Nga cho rằng, trình tự tố tụng một vụ án phải được thực hiện nghiêm ngặt, chủ thể phải là điều tra viên để tránh oan sai. Do đó bà Nga đề nghị bỏ thẩm quyền điều tra ban đầu đối với công an xã, phường, dừng thực hiện Pháp lệnh công an xã trong hoạt động tố tụng hình sự để ngăn sai phạm có thể xảy ra, đồng thời tăng cường lập các đồn công an chính quy. Bà cho rằng nếu tiếp tục giao nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quyền con người thì cần phải xây dựng công an xã, phường thành lực lượng công an chính quy.

Trong khi bà Nga không tán thành giao việc điều tra ban đầu trong các vụ án hình sự cho công an xã, thì đại biểu Quốc hội TPHCM ông Đỗ Văn Đương lại đồng ý với việc trao thêm một số quyền điều tra ban đầu cho công an xã, phường nhưng ở phạm vi rất hẹp để cơ quan điều tra chính quy không phải làm từ đầu. Chẳng hạn như bắt đối tượng vi phạm thì lấy lời khai đối tượng đó và nhân chứng.

Ông Đương cho rằng nếu không giao quyền điều tra ban đầu cho lực lượng này, trong khi đó chẳng may người bị hại sắp chết mà lại chờ cán bộ điều tra đến thì không kịp. Tuy nhiên, ông Đương cho rằng không nên giao cho công an xã, phường khám nghiệm hiện trường vì họ không có nghiệp vụ chuyên sâu, có khi lại xóa hết hiện trường và có thể lại dẫn đến bắt nhầm người.

Cùng chung quan điểm với ông Đương, đại biểu Quốc hội Lào Cai Lù Thị Lừu cũng cho rằng nên giao cho lực lượng công an xã, phường một số quyền điều tra cơ bản ban đầu phù hợp với năng lực. Vì đại biểu Lừu cho biết, thực tế Pháp lệnh Công an xã năm 2008 cũng đã giao cho đối tượng này tiếp nhận, phân loại lời khai ban đầu, bảo quản vật chứng… Đại biểu Lừu cho rằng việc giao cho công an xã điều tra ban đầu phù hợp với đặc thù vùng sâu, vùng xa. Vì nếu chờ cơ quan điều tra đến thì chứng cứ có thể bị mất hoặc không còn nguyên trạng.

Giao quyền điều tra cho các cơ quan khác

Không chỉ thảo luận về nội dung giao quyền điều tra cho lực lượng công an xã, phường. Các đại biểu Quốc hội còn thảo luận về nội dung nên hay không bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế, kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…

Nhiều đại biểu Quốc hội đã cho rằng không nên trao thêm thẩm quyền điều tra cho các cơ quan này. Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Giám đốc Công an Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung cho rằng thực tiễn hiện nay cho thấy không nên mở rộng trao thêm thẩm quyền điều tra cho các đối tượng trên vì theo định hướng cải cách tư pháp là thu gọn đầu mối cơ quan điều tra chứ không phải mở rộng. Mặt khác, theo Quyết định 92 của Bộ Chính trị thì giữ nguyên mô hình tổ chức cơ quan điều tra đến năm 2020.

Ông Chung cho rằng, trên thực tế, khi liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, thuế thì cơ quan điều tra đều trưng cầu ý kiến các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan liên quan đến công tác quản lý thuế với doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì sẽ không hợp lý nếu giao cho cơ quan thuế điều tra. Ngoài ra, nếu có thẩm quyền điều tra thì sẽ phải cần có lực lượng điều tra viên am hiểu pháp luật trong khi các cơ quan này không có.

Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền lại cho rằng, cần thiết bổ sung các cơ quan này thẩm quyền điều tra. Bởi vì đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hiện nay, các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách.

Liên quan:

>>> Quốc hội: ba năm phát hiện 71 trường hợp án oan sai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới