Nên giữ hay bỏ lương tối thiểu?
T.H
(TBKTSG Online) – Cuộc tranh luận về việc nên giữ hay bỏ lương tối thiểu một lần nữa lại được nêu ra trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây, sau khi Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chính sách (VEPR) công bố một cuộc nghiên cứu về mối quan hệ giữa lương và năng suất lao động vào trung tuần tháng 9 vừa qua.
![]() |
Theo bạn, nên hay không nên giữ lại quy định lương tối thiểu trong doanh nghiệp? |
Tại cuộc hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do VEPR tổ chức giữa tháng 9 ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế của viện này cho rằng lương tối thiểu của Việt Nam tăng cao hơn năng suất lao động, sẽ tác động xấu đến nền kinh tế.
Báo cáo của VEPR dẫn ra rằng lương tối thiểu của Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2015 tăng ở mức trung bình hai con số, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, giai đoạn 2007 – 2016, lương tối thiểu tăng ở mức 11 – 70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn này tăng trung bình đạt 4,4%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam: “Các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, tiền lương tối thiểu trở nên méo mó.” |
Mục đích của tăng lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng của VEPR, hiện 50% số người lao động không được ký kết hợp đồng, họ chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, khu vực kinh tế nhỏ và vừa. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không bảo đảm tính phân phối công bằng vì số người lao động không có hợp đồng không được áp dụng mức lương tối thiểu.
Tiến sĩ Futoshi Yamauchi, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng việc lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Khi tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận, doanh thu của doanh nghiệp giảm đi 2,3%, từ đó không kích thích vốn đầu tư vào nền kinh tế.
Còn nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển lại cho rằng các cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. Nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu, đồng thời tăng chính sách bảo trợ xã hội.
Mời bạn đọc cho ý kiến về vấn đề mà các chuyên gia kinh tế đã đặt ra: nên giữ hay bỏ lương tối thiểu.