Thứ Bảy, 3/06/2023, 14:31
33 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Nên kích cầu nông thôn từ… “gốc”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên kích cầu nông thôn từ… “gốc”

Quang Chung

Nông dân rất cần vay vốn ưu đãi để mua máy móc, thiết bị sản xuất nhưng lại đang gặp phải rất nhiều rào cản về thủ tục. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Gói kích cầu 497 của Chính phủ – hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp – đã triển khai hơn bốn tháng nhưng xem ra việc kích thích thị trường nông thôn cần cách tiếp cận khác…

Hỗ trợ nông thôn gặp khó

Trong tình hình nền kinh tế giảm sút, nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng lực sản xuất và thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển thông qua kích cầu đầu tư và tiêu dùng ở khu vực nông thôn, ngày 17-4-2009, Chính phủ đã ban hành Quyết định 497 – hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng ở khu vực nông thôn.

Triển khai quyết định này, ngày 29-4-2009, Bộ Công Thương công bố Danh mục chi tiết hàng hóa sản xuất trong nước được hưởng hỗ trợ lãi suất vốn vay; ngày 5-5-2009, Ngân hàng Nhà nước ra Thông tư số 9 – quy định chi tiết việc hỗ trợ lãi suất…

Theo đó, gói hỗ trợ sẽ được giải ngân cho đến hết tháng 12-2009; và thời gian hỗ trợ lãi vay là hai năm đối với các khoản vay để mua máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp.Mức tiền cho vay hỗ trợ lãi suất là 100% giá trị hàng hóa (có giới hạn cho từng loại sản phẩm).

Và, theo quy định, để được hỗ trợ lãi suất, người dân khu vực nông thôn phải được chính quyền cơ sở xác nhận (đối tượng được vay) và phải sử dụng tiền vay mua máy móc, thiết bị, vật tư… sản xuất trong nước được ghi cụ thể tại danh mục hàng hóa do các cơ quan chức năng quy định.

Tuy điều kiện vay được quy định đơn giản như thế, nhưng trên thực tế, để đáp ứng, người dân phải thực hiện rất nhiều thủ tục gian nan. Vì, theo lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở tại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, các ngân hàng thương mại cổ phần không mấy mặn mà với chương trình này – họ ngại khả năng thu hồi vốn – nên làm khó. Đó là chưa nói đến việc “khó dễ” trong chuyện xác nhận đối tượng được vay ở chính quyền cơ sở…

Chính vì vậy, sau hơn bốn tháng áp dụng có rất ít nông dân tiếp cận được với nguồn vốn này. Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngân hàng chiếm hơn 90% tổng số tiền giải ngân của chương trình), ở Tiền Giang, An Giang, Bạc Liêu… số hộ dân vay vốn là con số không đáng kể.

Trong một hội thảo mới đây tại miền Trung, khi bàn về gói kích cầu 497, lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận có khó khăn trong việc giải ngân vốn.

Thống kê của Phòng Cơ chế tín dụng và lãi suất, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho thấy trong tổng số tiền đã giải ngân của gói kích cầu này có tới 98,2% là của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và quỹ tín dụng trung ương, mà chủ yếu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (92,6%).

Các ngân hàng ngoài quốc doanh rất dè dặt, nếu không muốn nói là quay mặt với gói kích cầu này vì “tính rủi ro cao, khả năng thu hồi vốn khó”. Thực tế, nhóm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính chưa giải ngân được đồng nào cho gói kích cầu này.

Kích cung chăng?

Chuyện ngân hàng ngại tham gia gói kích cầu đúng là một trở ngại nhưng theo một doanh nhân chuyên nhập khẩu và phân phối hàng nông cụ thì chính sách kích cầu cần phải nhìn từ phía người dân và bao quát hơn. Theo ông, phải hiểu nông thôn, hiểu nông dân thì mới có những chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn hợp lý. Thực tế là nông dân đang rất cần vốn để mua sắm nông cụ, vật tư nông nghiệp… nhưng cách hỗ trợ như trên dường như chưa đúng ý họ.

Theo quy định thì nông dân chỉ được hỗ trợ lãi suất vay vốn khi mua các sản phẩm hàng hóa trong nước cụ thể theo danh mục, trong khi những sản phẩm này thiếu tính cạnh tranh trên thị trường nên ít được nông dân chọn lựa. Đó là chưa nói đến chuyện có những loại nông cụ nông dân cần nhưng không có hàng sản xuất trong nước

Là chủ một doanh nghiệp có trên 60 đại lý bán hàng nông cụ trên toàn quốc, doanh nhân nói trên cho rằng, nhu cầu của nông dân rất đa dạng trong khi danh mục hàng hóa (được hỗ trợ vốn vay) lại giới hạn. Sự thật là hàng nông cụ của Đài Loan, Thái Lan mà đặc biệt là Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường nông thôn vì chủng loại đa dạng và giá cạnh tranh hơn hàng sản xuất trong nước. Nhiều loại hàng hóa của họ đáp ứng được nhu cầu của nông dân trong khi các nhà sản xuất trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đủ cung ứng cho thị trường.

Theo Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng cần từ 13.000-15.000 máy gặt đập liên hợp mới đáp ứng đủ nhu cầu thu hoạch lúa. Thế nhưng, hiện chỉ có khoảng 3.000 máy sản xuất trong nước, số còn lại chắc chắn phải dựa vào nguồn hàng ngoại nhập.

Thực tế nhu cầu mua máy gặt đập liên hợp rất lớn nhưng các cơ sở sản xuất trong nước không đáp ứng nổi – nông dân cho biết bây giờ đặt hàng phải chờ vài tháng, thậm chí hơn một năm mới có máy. Về giá thì, cụ thể, như máy diesel 6 mã lực chẳng hạn, hàng sản xuất trong nước (của một công ty rất nổi tiếng về hàng nông cụ) có giá 4 triệu đồng thì hàng Trung Quốc, loại tốt nhất cũng chỉ có 1,8 triệu đồng/máy.

Theo một số doanh nghiệp phân phối, hàng nông cụ sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 30% thị trường. Mục đích gói kích cầu là kích cầu đầu tư và tiêu dùng ở khu vực nông thôn để giúp tăng năng lực sản xuất và thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhưng theo xem ra khó thực hiện từ phía nông dân.

Giám đốc một công ty chuyên phân phối hàng nông cụ tại TPHCM vừa có chuyến tham quan hàng loạt các nhà máy sản xuất máy giặt đập liên hợp ở Trung Quốc về có nhận xét, “rất khó cho các nhà sản xuất trong nước”. “Bên Trung Quốc người ta sản xuất hàng loạt trong khi các doanh nghiệp trong nước sản xuất quá thủ công”, ông nói.

Theo vị giám đốc này, để kích thích được thị trường nông thôn đồng thời tăng năng lực sản xuất và thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, trước hết Nhà nước nên kích cung – nhắm vào năng lực của các nhà sản xuất nông cụ trong nước.

Theo đó, nên chọn lựa các nhà sản xuất nông cụ trong nước có đủ năng lực để hỗ trợ họ sản xuất hàng loạt để giảm giá thành sản phẩm thì kích cầu nông thôn mới thật sự hiệu quả.Làm được như vậy, không những sẽ kích thích được nhu cầu tiêu dùng hàng nông cụ ở nông thôn mà còn đẩy được hàng nông cụ Trung Quốc kém chất lượng ra khỏi thị trường nông thôn Việt Nam.

Nông dân chưa vay được nhiều

Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến nay các ngân hàng đã giải ngân hơn 812 tỉ đồng (chiếm 0,2% tổng dư nợ) để thực hiện Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân 752 tỉ, chiếm 92,6%.Tại Hội thảo “Giới thiệu kỹ thuật sử dụng hiệu quả các tính năng trên máy nông nghiệp và hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 497/QĐ- TTg ngày 17-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ” vừa được tổ chức ở Vĩnh Long hồi cuối tháng 8, nhiều nông dân cho biết vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất này.

Ông Trần Văn Quý, nông dân xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), cho biết trên thị trường hiện có nhiều loại máy ưng ý do Nhật, Trung Quốc… sản xuất. Tuy nhiên, các loại máy trên lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất do không phải sản xuất trong nước.

Ở Hậu Giang, vừa qua đã có 80 hộ đăng ký mua máy và xin vay hỗ trợ lãi suất, trong đó có 15 hộ đã ứng trước 30% để trả cho cửa hàng bán máy, nhưng qua bốn tháng vẫn chưa nhận được vốn vay chỉ vì máy không đạt tỷ lệ thiết bị được nội địa hóa theo quy định…

Đại diện chính quyền một số địa phương và nông dân kiến nghị, nên gia hạn thời gian cho vay đến năm 2010 để phù hợp thực tế. Mặt khác, danh mục các mặt hàng cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp đối với những loại máy được lắp ráp tại Việt Nam nhưng có linh kiện nước ngoài, vừa đáp ứng kích cầu nhưng cũng phải phục vụ tốt thực tế sản xuất…

Lệ Hương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới