Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nền kinh tế gig – ‘phao cứu sinh’ thời Covid-19 ở Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nền kinh tế gig – ‘phao cứu sinh’ thời Covid-19 ở Trung Quốc

Minh Huy

(TBKTSG Online) – Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến mọi thứ, từ các ngành dịch vụ (khách sạn, nhà hàng…) cho đến sản xuất, dẫn đến tình trạng đóng băng tuyển dụng và cắt giảm việc làm.

Nền kinh tế gig – 'phao cứu sinh' thời Covid-19 ở Trung Quốc
Nhân viên của dịch vụ giao thức ăn Meituan tại Trung Quốc. Ảnh: TechCrunch

Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến cuộc sống và công việc của nhiều người trên thế giới bị xáo trộn mạnh mẽ.  Là nơi khởi phát dịch bệnh, thành phố Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung cũng không phải là ngoại lệ. Khoảng 290 triệu công nhân nhập cư của Trung Quốc đang phải đối mặt tình trạng thu nhập bất ổn giữa lúc kinh tế đất nước gặp khó khăn dưới tác động của dịch Covid-19.

Không để bị bỏ lại phía sau

Trong số này có cha mẹ của Ma Haiyan, một sinh viên đại học 25 tuổi tại Vũ Hán. Để phụ giúp gia đình, Ma  quyết định mở trạm chuyển phát nhanh của riêng mình vào tháng 3. Khi đó, ngành logistics chứng kiến nhu cầu bùng nổ khi hàng triệu người lên mạng mua sắm trong bối cảnh lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại được thực thi để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thậm chí, bố mẹ cô còn ở nhà để giúp vận hành cơ sở dịch vụ logistics nói trên, kiếm tiền hoa hồng thông qua việc gửi và cất giữ bưu kiện cho khách hàng trong cộng đồng địa phương. “Cha mẹ tôi giờ kiếm được khá nhiều tiền so với khi làm việc (ở các thành phố khác). Gia đình chúng tôi cuối cùng cũng ở bên nhau. Tôi không còn là đứa trẻ bị bỏ lại nữa và ông bà của tôi cũng sẽ không bị bỏ lại phía sau”, cô Ma cho biết.

Tại Trung Quốc, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến mọi thứ, từ các ngành dịch vụ (khách sạn, nhà hàng…) cho đến sản xuất, dẫn đến tình trạng đóng băng tuyển dụng và cắt giảm việc làm. Khoảng 80 triệu người làm việc trong ngành dịch vụ và 20 triệu công việc sản xuất đã chịu ảnh hưởng kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm ngoái, theo báo cáo của Đại học Nhân dân được công bố vào cuối tháng 6 qua.

Tình hình cũng không khả quan hơn trên thế giới. Một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết khoảng 70% người lao động trong nền kinh tế gig (nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian) cho biết họ hiện không có thu nhập do tác động của dịch bệnh.

Trái lại, cơ hội làm việc linh hoạt ở Trung Quốc – đặc biệt là tại các công ty logistics đang cần nhân viên giao hàng và tài xế – đang là chiếc phao cứu sinh tạm thời cho nhiều người bị mất công việc ổn định. “Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt là một trong những lý do chính khiến chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của công việc linh hoạt. Những người lao động di cư bị mất việc làm trong đại dịch phải tìm việc làm mới và họ có thể không có lựa chọn nào tốt hơn thế. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng cần giảm chi phí khi tuyển dụng lao động mới vì họ cũng phải đối mặt áp lực kinh tế. Vì vậy, việc thuê người làm việc tạm thời trở thành lựa chọn hàng đầu”, bà Dan Wang, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu Economist Intelligence Unit (Anh), cho biết

Nhân viên của hãng JD.com tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Động thái hướng tới công việc tạm thời cũng được Bắc Kinh hậu thuẫn trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đã tăng lên 6,2% trong tháng 1 và tháng 2-2020, so với mức 5,3% một năm trước đó. Vào cuối tháng 7 qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã kêu gọi các chính quyền địa phương và doanh nghiệp tạo môi trường thuận lợi cho công việc linh hoạt nhằm giúp đỡ các nhóm thu nhập thấp ở nông thôn và thành thị.

Chính phủ Trung Quốc cũng tiến hành một loạt biện pháp hỗ trợ khác, trong đó có việc tặng phiếu giảm giá kỹ thuật số để kích thích tiêu dùng trong nước, khởi động các dự án tuyển dụng trực tuyến trên toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ…

Không phải lựa chọn tốt nhất

Khoảng 7.000 gia đình như gia đình cô Ma đã mở trạm chuyển phát nhanh cộng đồng vào tháng 3 dưới sự quản lý của Cainiao, công ty logistics của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding. Hồi tháng 5, Cainiao cho biết họ có hàng chục ngàn trạm chuyển phát nhanh và tạo ra gần 100.000 việc làm. Nhiều giáo viên, sinh viên và lập trình viên kiếm thêm thu nhập bằng cách làm việc cho công ty này.

Trong khi đó, JD logistics, công ty logistics của nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc JD.com, đề nghị 20.000 vị trí để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ từng phải cho nhân viên tạm nghỉ việc khi dịch bệnh bùng phát. Công ty cũng đã cung cấp các vị trí hợp đồng ngắn hạn cho nhân viên kho hàng, nhân viên lấy hàng, người chuyển phát nhanh và tài xế.

Một số nền tảng dịch vụ theo yêu cầu, như Meituan Dianping và Ele.me cũng có những động thái tương tự.  Kể từ khi đại dịch xảy ra, hàng trăm ngàn người đã đăng ký làm nhân viên chuyển phát nhanh cho Ele.me. Nhiều người trong số họ có công việc thứ hai. Một cuộc khảo sát của công ty Ele.me với 93.000 người giao phát nhanh cho thấy 26% người là chủ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trong lúc 21% là kỹ thuật viên.

Ấn tượng hơn, khoảng 1,4 triệu người chuyển phát nhanh mới đã gia nhập Meituan trong nửa đầu năm nay. Kết quả cuộc khảo sát với hơn 10.000 người chuyển phát nhanh trong số này cho thấy khoảng 30% bị mất việc làm trước đó vì đại dịch. Meituan gần đây tung ra sáng kiến cung cấp 500.000 công việc linh hoạt, trong đó có giao đồ ăn, vận hành và bảo trì xe đạp cho thuê.  Hãng gọi xe Didi Chuxing cũng thử nghiệm dịch vụ giao hàng và logistics theo yêu cầu để giao hàng tạp hóa và bưu kiện ở Trung Quốc, giúp người lái xe có thêm thu nhập.

Dĩ nhiên là mô hình việc làm linh hoạt cũng có thể đồng nghĩa với thu nhập không ổn định. Ông Wang Wenchen, 38 tuổi, trở thành tài xế Didi sau khi đến Bắc Kinh hồi tháng 3 qua với hy vọng cải thiện thu nhập.  Ông cho biết mình còn làm thêm những công việc linh hoạt nói trên nhưng số tiền kiếm được cũng chỉ đủ  trang trải chi phí sinh hoạt mặc dù ông “cày” đến 18 giờ một ngày.

Một vấn đề đáng tranh luận khác là liệu nhu cầu về những vị trí tạm thời này vẫn mạnh mẽ và kéo dài khi Trung Quốc dần phục hồi sau đại dịch hay không? Chuyên gia Wang của EIU nhận định công việc linh hoạt chỉ là sự sắp xếp tạm thời và không thể giải quyết được vấn đề. “Đối với nhân viên, họ không có quyền mặc cả để có thu nhập tốt hơn. Còn đối với các công ty, thuê người làm việc tạm thời chưa được đào tạo phù hợp không phải là lựa chọn tốt nhất (về lâu dài)” – bà cho biết.

(Theo South China Morning Post)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới