Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nền kinh tế số: Cơ hội cho doanh nghiệp tham gia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nền kinh tế số: Cơ hội cho doanh nghiệp tham gia

Vân Oanh

(TBVTSG) – Sự phát triển của nền kinh tế số, công nghệ thông tin, Internet đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ số hóa cũng như doanh nghiệp sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng.

Công nghệ thông tin, Internet đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống và mọi ngành kinh tế của Việt Nam. Nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm rằng, trong các ngành này, ngân hàng-tài chính là ngành có tốc độ số hóa diễn ra mạnh mẽ nhất tại Việt Nam. Hiện nay, các ngân hàng đang thực hiện những dự án đầu tư nhằm dễ dàng cung cấp các dịch vụ mới, tiện ích trên nền tảng số cho khách hàng, bao gồm dịch vụ thanh toán điện tử.

Ngân hàng đầu tư mạnh cho công nghệ số

Nền kinh tế số: Cơ hội cho doanh nghiệp tham gia
Những giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực ngân hàng đã được áp dụng tại Việt Nam. Vân Ly

TPBank đã trở thành ngân hàng đầu tiên đưa ra dịch vụ ngân hàng tự động Livebank khi đưa vào hoạt động những máy ATM thế hệ mới tại các thành phố lớn trong thời gian gần đây. Các máy ATM này không chỉ cho phép khách hàng rút tiền, chuyển khoản như ngân hàng mà còn cho phép khách thực hiện một số giao dịch với ngân hàng như giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng mà họ muốn giao dịch. Điều này giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí cho việc mở chi nhánh, phòng giao dịch và giúp khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng 24 giờ trong ngày thay vì chỉ trong các giờ làm việc của các phòng giao dịch ngân hàng như hiện nay.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đang đầu tư mạnh cho các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để tự động giải đáp các ý kiến thắc mắc của khách hàng, phân tích dữ liệu lớn cho việc nghiên cứu hành vi của khách với mục đích cung cấp dịch vụ phù hợp cho từng đối tượng khách. Thêm nữa, các ngân hàng cũng đang chạy đua trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán di động như mã vạch ma trận (mã vạch vuông, mã vạch thế hệ mới), thanh toán không chạm (không cần quẹt thẻ)… Điều này cho thấy cuộc đua số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng.

Tại cuộc hội thảo “Tương lai ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra vào đầu tháng 12 này tại Hà Nội do Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG và Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, giới chuyên gia dự báo trong năm 2018, các hoạt động kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp đến 44% doanh thu của ngành ngân hàng so với 32% trong năm 2014. Các chuyên gia tin rằng, trong các năm tới công nghệ số sẽ giúp làm thay đổi “bộ mặt” của ngành ngân hàng Việt Nam.

Theo kết quả cuộc khảo sát được IDG công bố tại sự kiện, số lượng tài khoản ngân hàng đang gia tăng mạnh ở Việt Nam. Chỉ với 5.300 khách hàng được khảo sát thì đã có hơn 10.000 tài khoản ngân hàng (do có người dùng nhiều hơn một tài khoản). Số lượng người sử dụng các dịch vụ ngân hàng qua mạng Internet vào năm 2017 chiếm 81% số người được khảo sát; trong khi tỷ lệ trong năm 2015 chỉ là 21%.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng hầu hết các ngân hàng đã triển khai dự án ngân hàng số. Việt Nam là quốc gia tiềm năng khi triển khai nền tài chính số bởi vì là một trong 20 quốc gia có lượng người sử dụng Internet cao của thế giới. Hiện nay, có gần 54% số người Việt Nam, dùng Internet, cao hơn tỷ lệ trung bình của các quốc gia trên thế giới là 51%. Thương mại điện tử Việt Nam đạt doanh thu 5 tỉ đô la trong năm 2016 và có thể sẽ đạt 10 tỉ đô la trong năm năm tới.

Ông Lực cho hay, để tận dụng các cơ hội kinh doanh từ việc cung cấp dịch vụ tài chính số, các ngân hàng đã thực hiện việc số hóa mạnh mẽ trong thời gian gần đây để cung cấp nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến và thanh toán điện tử. Ông cho biết tính đến hết tháng 9-2017, Việt Nam mới chỉ có 5.000 điểm thanh toán mã vạch ma trận QR (quick response code) nhưng đến cuối năm 2018 con số này được dự báo sẽ tăng lên đến 50.000 điểm. Việc thanh toán bằng mã QR đang là làn sóng mới tại Việt Nam. Sự dự báo dựa trên việc từ đầu năm đến hết tháng 9 vừa rồi mức thanh toán qua mã QR đã tăng 120% và thời gian gần đây ngày càng có nhiều ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán qua mã QR, cũng được gọi là mã vạch thế hệ mới.

QR được các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho là xu hướng thanh toán mới vì có nhiều ưu điểm hơn và được dùng thay cho việc quét mã vạch truyền thống. Cách đây hơn hai năm dịch vụ thanh toán bằng mã QR mới được áp dụng trong ngành ngân hàng Việt Nam thì đến nay đã có 12 trong khoảng 40 ngân hàng ở Việt Nam cung cấp dịch vụ này. Công nghệ thanh toán này đã trở nên phổ biến tại Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc… nhưng vẫn còn mới tại Việt Nam. Được biết, rất nhiều ngân hàng đang nỗ lực để tham gia cung cấp dịch vụ này.

Khó cạnh tranh nếu không số hóa

Số hóa là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Tại Việt Nam cuộc đua số hóa mới diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm khách hàng. Nhìn chung, xu hướng này chưa diễn ra mạnh mẽ ở khối các doanh nghiệp nói chung mà chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp lớn do có khả năng tài chính để đầu tư cho công nghệ mới này.   

Nhằm đón đầu xu hướng số hóa tại Việt Nam, tại sự kiện Fujitsu World Tour 2017 diễn ra vào cuối tháng 11 tại Hà Nội, Fujitsu đã giới thiệu những công nghệ của mình và kêu gọi các doanh nghiệp chuyển đổi số để nâng cao tính cạnh tranh trên thương trường đang diễn ra khốc liệt.

Tại sự kiện này, số liệu được cung cấp bởi công ty nghiên cứu thị trường IDC cho thấy nếu so sánh bảng danh sách Fortune 500 của năm 1955 và danh sách này mới nhất thì chỉ có 57 công ty của năm 1955 còn trụ lại trong danh sách mới nhất trước sự ra đời của nhiều doanh nghiệp biết tận dụng công nghệ để nâng cao tính cạnh tranh. Bởi nền tảng công nghệ thông tin đã tạo cơ hội sáng tạo cho các doanh nghiệp với những mô hình kinh doanh mới.

IDC cho rằng với xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp nếu không số hóa sẽ khó cạnh tranh, thậm chí là “chết”.

Cuộc chơi của các doanh nghiệp mọi ngành nghề trong thời gian tới liên quan đến cạnh tranh số hóa. Theo IDC, đa phần dân số của Việt Nam là người trẻ và am hiểu công nghệ, do đó các doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng tại thị trường này. Muốn cạnh tranh các doanh nghiệp cần sớm thực hiện và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số theo các giai đoạn và từ khâu lãnh đạo, kênh tương tác với khách hàng, đến chuyển đổi dữ liệu thông tin số, quản lý nguồn lực doanh nghiệp.

Trong thời đại công nghệ thì công cụ cạnh tranh lớn nhất là lợi thế công nghệ số. Những doanh nghiệp có người lãnh đạo rành công nghệ sẽ có tương lai tốt hơn, theo IDC.

Ông Toshio Hirose, Giám đốc điều hành kiêm Phó chủ tịch, quản lý khu vực châu Á của Fujitsu Limited, cho biết ngày nay, công nghệ thông tin và truyền thông đang nhanh chóng làm thay đổi thế giới bằng một sức mạnh to lớn với một tốc độ chưa từng thấy.

Fujitsu cho rằng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) đang giúp hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi số cho doanh nghiệp và xã hội. Công nghệ số rất quan trọng trong việc tạo ra giá trị lớn hơn để đạt được sự tăng trưởng kinh doanh.

Tại sự kiện, Fujitsu cũng giới thiệu các công nghệ bảo mật và điện toán đám mây, các giải pháp về chăm sóc sức khỏe, tủ lưu trữ toàn diện DX100 S4, máy tính siêu mỏng – siêu bảo mật Fujitsu LifeBook U937… Được biết, Việt Nam là một trong những điểm trong chuyến hành trình của Fujitsu tại 28 quốc gia nhằm giới thiệu công nghệ kỹ thuật giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp

Nhằm tận dụng các cơ hội từ số hóa và nền kinh tế số, thời gian gần đây hai tập đoàn Viettel và VNPT đã đẩy mạnh việc cung cấp các giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp cũng như khối cơ quan chính phủ. Các giải pháp này bao liên quan đến việc số hóa cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu y tế khám chữa bệnh. Các doanh nghiệp này còn ký những bản thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành để triển khai chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Được biết, trước đây nguồn doanh thu chính của hai tập đoàn đến từ mảng viễn thông.

Tập đoàn công nghệ thông tin FPT đã tăng tốc trong việc cung cấp các dịch vụ số hóa cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính trong nước… Ngoài ra, FPT cũng bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm các giải số hóa phù hợp với quy mô hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đã hợp tác với các công ty lớn, đặc biệt là các công ty công nghệ, để triển khai các dịch vụ số hóa và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực.

Ngày 12-12, công nghệ hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh ung thư của IBM đã được đưa vào Việt Nam sau khi triển khai ở một số nước trên thế giới và công nghệ IBM Watson for Oncology này được công ty Five9 triển khai. Phần mềm cho phép bác sĩ nhập thông tin chẩn đoán, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân vào hệ thống điện toán biết nhận thức của IBM; sẽ giúp đánh giá tình trạng bệnh nhờ vào sự tham khảo hàng chục triệu tài liệu y khoa để đưa ra phác đồ điều trị có phần dẫn chiếu tài liệu y khoa, bằng chứng của việc đưa ra phác đồ đó, kết quả thử nghiệm lâm sàng, chỉ dẫn về thuốc kèm tác dụng phụ… Phần mềm này sẽ hỗ trợ các bác sĩ về bệnh ung bướu đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp dựa trên hồ sơ bệnh án và đẩy nhanh công việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.

Theo sự đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện xếp thứ 78/172 trên bản đồ bệnh ung thư thế giới, với tỷ lệ tử vong là 110 người trên 100.000. Cuộc nghiên cứu của WHO cũng cho thấy số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam sẽ tăng từ 68.000 người năm 2000 lên tới 190.000 người vào năm 2020.

Để công nghệ IBM Watson for Oncology được triển khai có hiệu quả, Five9 đã ứng dụng thí điểm công nghệ này tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Sau giai đoạn thí điểm, IBM và Five9 sẽ triển khai trên diện rộng để giúp cho bác sĩ và bệnh nhân trên toàn quốc có cơ hội được tiếp cận với công nghệ mới này.

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế, sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, số hóa trong ngành y tế là xu thế tất yếu. Công nghệ IBM Watson for Oncology có thể được ứng dụng ở các cơ sở khám, chữa bệnh để hỗ trợ các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư chính xác và hữu hiệu.

Còn ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay Việt Nam có hơn 90 triệu người dân và số người mắc các loại bệnh ung thư đang gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh này, ở nước ta hiện nay có sáu bệnh viện chuyên khoa ung bướu, 52 trung tâm, khoa ung bướu trực thuộc các bệnh viện đa khoa. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào việc chẩn đoán và điều trị ung thư là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm tình trạng quá tải nơi bệnh viện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới