Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên mạnh tay tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công lập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên mạnh tay tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công lập

Phan Minh Ngọc

Nên mạnh tay tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công lập
Các bệnh viện ngành hiện nay đang hoạt động không hết công suất, gây lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Ảnh: THANH TAO

(TBKTSG) – Đặc tính chung của các đơn vị sự nghiệp công lập, hưởng ngân sách là người làm việc không có mấy động cơ làm việc tận tụy, vì thu nhập được xây dựng và bị khống chế bởi thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định cứng nhắc.

Các đơn vị sự nghiệp còn có xu hướng đẻ ra thêm về số lượng, phình to ra về biên chế vì không có động cơ cắt giảm chi phí, mà chỉ cần giải trình xin được ngân sách là sống khỏe.

Nên sẽ không có gì là ngạc nhiên khi, trái ngược với xu hướng co hẹp lại của khối doanh nghiệp nhà nước, khu vực đơn vị sự nghiệp đã không những không giảm mà còn tăng mạnh trong những năm qua. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, số lượng các đơn vị sự nghiệp tăng từ 63.054 đơn vị năm 2007 lên đến 69.735 đơn vị năm 2012, loại trừ mức tăng của ngành y tế và giáo dục thì con số đơn vị sự nghiệp khác vẫn tăng mạnh từ 8.770 lên 11.341 đơn vị. Đi kèm với việc phình to về quy mô đương nhiên là gánh nặng bao cấp đè lên ngân sách.

Về giá dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp cung cấp các dịch vụ công, về cơ bản là do hoặc dựa trên mức Nhà nước quy định. Giá này thường hoặc là thấp hơn giá thị trường (để đảm bảo sự tiếp cận cho các đối tượng thu nhập thấp) hoặc là cao hơn giá thị trường (có thể vì được hưởng sự độc quyền trong khu vực địa lý hoặc trong phạm vi ngành nghề). Với trường hợp giá thấp hơn giá thị trường (chẳng hạn dịch vụ y tế, đào tạo), Nhà nước phải bao cấp và bù lỗ, và như thế có nghĩa là kể cả đối với những đối tượng có thu nhập cao hơn cũng được bao cấp. Với trường hợp giá dịch vụ cao hơn giá thị trường (chẳng hạn giá các dịch vụ bến xe, cảng, sân bay), chi phí và sức cạnh tranh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Về chất lượng dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp cung cấp, nhìn chung là yếu kém, không có động lực được cải thiện trong hầu hết các trường hợp, do hoặc được bao cấp hoặc được độc quyền. Với những dịch vụ được bao cấp về giá (và chi phí), các đơn vị sự nghiệp và người lao động không cần, không có động lực phấn đấu nâng chất lượng và giảm giá thành dịch vụ của mình. Tương tự, với những dịch vụ mang tính độc quyền nhà nước, chất lượng và chi phí dịch vụ cũng không được chú trọng cải thiện vì người dân và doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác.

Về số lượng và phạm vi dịch vụ cung cấp bởi các đơn vị sự nghiệp, thực tế xã hội phát triển và thay đổi có thể làm nảy sinh những nhu cầu dịch vụ mới và co hẹp những dịch vụ hiện tại do các đơn vị sự nghiệp cung cấp. Nhưng sự cứng nhắc trong các ràng buộc về cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập làm cho các dịch vụ mới phát sinh không được đáp ứng một cách hiệu quả, còn các dịch vụ có xu hướng bị đào thải cũng không được “chôn” một cách hiệu quả (chẳng hạn đóng cửa, giải thể hoặc chuyển đổi ngành nghề các đơn vị cung cấp những loại hình dịch vụ này), ít gây phí tổn cho ngân sách và toàn xã hội.

Sẽ được hoạch toán tự chủ, chuyển từ phí sang giá

Tại hội nghị sơ kết công tác y tế sáu tháng đầu năm, ngày 8-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương lựa chọn một số mô hình tự chủ hiệu quả trong bệnh viện công lập để đánh giá, tổng kết ưu, nhược điểm, đề xuất những điều chỉnh chính sách cần thiết.
Phó thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã bàn và đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc chuẩn bị ban hành nghị định về cơ chế hạch toán hoạt động, chủ yếu liên quan đến tài chính, trong các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công, theo quy luật chuyển dần từ phí sang giá theo đúng cơ chế thị trường.

Theo Phó thủ tướng: “Chúng ta tiến tới cho các đơn vị sự nghiệp công, mà ở đây tôi muốn nói chủ yếu là y tế, giáo dục được hạch toán tiến tới cơ chế hạch toán tương tự như doanh nghiệp, có quyền tự chủ toàn bộ. Từ đó, tạo ra môi trường cho huy động nguồn lực xã hội tốt hơn, khắc phục những nhược điểm của xã hội hóa y tế trong bệnh viện hiện nay”.

Để khắc phục tất cả những hạn chế và tồn tại nói trên, cần cấp thiết cải tổ, sắp xếp, xốc lại và cổ phần hóa, “doanh nghiệp hóa”, “thị trường hóa” tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập và dịch vụ của chúng. Đây cần được coi là nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang phải gắng sức gồng mình mà thâm hụt dường như chỉ có tăng.

Tuy vậy, so với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công lập hầu như chưa có động tĩnh gì đáng kể. Quá trình này có lẽ được khởi động rõ nét nhất với dự thảo trước đây của Bộ Tài chính về “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần”. Nhưng rốt cuộc dự thảo này bị bỏ ngang không rõ lý do. Có phân tích đã chỉ ra rằng do mọi người chỉ chú ý đến một đối tượng “sự nghiệp công lập có thu” là các trường đại học, nên đa phần ý kiến là phản đối và vì thế dự thảo bị rút lại.

Hồi tháng 4 năm nay Bộ Tài chính lại đưa ra dự thảo tương tự, nhưng với đối tượng hạn hẹp hơn: Quyết định về thí điểm chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Theo đó, dự thảo này giới hạn đối tượng cổ phần hóa chỉ là các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước được cổ phần hóa, chứ không phải là các đơn vị sự nghiệp công lập có thu chung chung.

Có thể thấy đây chỉ là một bước đi bắt buộc. Dự thảo này lựa chọn đối tượng là các đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước được cổ phần hóa rất có thể đơn giản vì khi các tập đoàn và tổng công ty đưa ra cổ phần hóa thì các công ty, đơn vị con của chúng không thể để tồn tại như hiện tại được, tức cũng phải cổ phần hóa theo (thậm chí là trước khi cổ phần hóa tập đoàn và tổng công ty mẹ).

Mới đây nhất, Chính phủ đã bắt tay xây dựng nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tạo lộ trình xóa bỏ bao cấp nhà nước qua giá, phí dịch vụ sự nghiệp công như hiện nay theo hướng tính đủ tiền lương, chi thường xuyên phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp nói chung, đồng thời chấp nhận giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả. Nhà nước sẽ tiến tới đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật. Để đảm bảo công bằng cho đối tượng chính sách, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp khi đối tượng này sử dụng dịch vụ sự nghiệp công.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định trên mới chỉ đề cập chủ yếu đến việc tự do hóa giá dịch vụ công lập, tức là, về nghĩa đen, nâng giá dịch vụ công lập lên bằng giá thị trường cho các loại hình dịch vụ đó. Điều này mới chỉ giải quyết được một phần trong những vấn đề tồn tại nói ở trên. Nó sẽ không giải quyết được triệt để những vấn đề khác, ví dụ như tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ với giá độc quyền, sự thiếu vắng cạnh tranh giữa các đơn vị sự nghiệp với các doanh nghiệp/đơn vị phi nhà nước trong cùng lĩnh vực, và về gánh nặng ngân sách nhằm duy trì hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập này…

Bởi vậy, giải pháp về lâu dài và cơ bản nhất cho khu vực này vẫn là phải tích cực “doanh nghiệp hóa” các đơn vị sự nghiệp công lập, tự do hóa thị trường dịch vụ công lập, song song với duy trì và tăng cường các chính sách xã hội trợ giúp cho các đối tượng cần trợ giúp trong việc sử dụng các dịch vụ đang được cung cấp bởi các đơn vị sự nghiệp công lập.

Mời đọc thêm

– Minh bạch và sòng phẳng với lương

– Cổ phần hóa dịch vụ công: bài toán khó giải

– Mua ít và không mua

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới