Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên ngừng cấp phép khai thác titan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên ngừng cấp phép khai thác titan

Vân Ly

Nên ngừng cấp phép khai thác titan
Cơ quan chức năng đang kiểm tra việc ảnh hưởng của vỡ hồ chứa bùn thải titan tại công ty Tân Quang Cường vào sáng 16-6-2016. Ảnh: Báo Bình Thuận

(TBKTSG Online) – Trước sự cố hồ chứa bùn thải khai thác titan tại tỉnh Bình Thuận bị vỡ sáng nay, 16-6, một số chuyên gia cho rằng nên ngừng hoạt động cấp phép khai thác titan vì lợi bất cập hại, nhất là trong bối cảnh năng lực kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước còn yếu kém.

Hoạt động thanh kiểm tra kém

Trả lời phỏng vấn TBKTSG Online, ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài Nguyên và Môi trường, cho rằng, sở dĩ xảy ra nhiều vụ vỡ hồ chứa bùn thải trong khai thác titan thời gian gần đây là do nhà đầu tư khai thác tắc trách, làm hồ chứa không đủ tiêu chuẩn quy định. Trong khi đó việc kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định trong khai thác khoáng sản là việc quan trọng thì khâu này tại Việt Nam còn rất kém.

Ông Võ cho rằng, dù có yêu cầu các đơn vị gây ô nhiễm nộp phạt hay khắc phục đến mấy đi nữa thì di chứng môi trường vẫn còn tồn tại. Do đó cần phải đưa ra cơ chế làm sao để không vỡ hồ thải trong khai thác khoáng sản là tốt nhất.

Để làm điều đó, cần tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của các cơ quan hành chính và người dân. Nếu cần thiết thì kỷ luật, truy cứu trách nhiệm đối với các cơ quan không hoàn thành trách nhiệm được giao.

"Nếu không làm tốt thanh kiểm tra, những sự cố tương tự sẽ còn xảy ra," ông Võ nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia – người từng có làm việc lâu năm tại Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (nay đã nghỉ hưu), cũng cho rằng việc vỡ hồ thải titan do chủ đầu tư làm không đúng thiết kế của hồ thải, và do các cơ quan chức năng không thanh tra giám sát an toàn kỹ thuật trong khai thác khoáng sản.

“Để tránh vỡ hồ thải bùn do khai thác khoáng sản chỉ có cách là các đơn vị khai thác phải làm theo đúng thiết kế. Nếu không sẽ có nguy cơ bục, tràn hoặc vỡ,” ông Sơn nói,

Nên ngừng cấp phép khai thác titan

Theo ông Sơn, bùn thải từ khai thác titan không nguy hại như bùn đỏ của khai thác boxit, nhưng nó cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống người dân…

Còn ông Võ cho rằng hồ chứa bùn thải titan khi vỡ không chỉ ảnh hưởng nhiều đến môi trường, mà người dân cũng chịu thiệt hại nặng vì đời sống và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Do đó ông Võ cho rằng, khi bị vỡ hồ chứa bùn thải, ngoài việc xử phạt thì cần bắt buộc doanh nghiệp phải chi tiền khắc phục sự cố môi trường. Bởi trong thực tế, nếu chỉ bắt doanh nghiệp nộp phạt tiền vào ngân sách nhà nước thì liệu khoản tiền đó có được chi ra để khắc phục về môi trường hay không là chuyện ít ai quan tâm.

Ông Võ cho biết, trước đây với các sự cố gây ô nhiễm môi trường, có trường hợp đơn vị gây ô nhiễm bị bắt khắc phục ô nhiễm, có trường hợp không. Hoặc nếu có bắt họ khắc phục ô nhiễm họ cũng chỉ làm lấy lệ, không làm triệt để. Cần yêu cầu các đơn vị gây ô nhiễm phải xử lý để môi trường nếu không được phục hồi như trước thì cũng phải được gần như trước.

“Thông thường di chứng của sự cố ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng đến người dân, nếu chỉ đơn thuần nộp phạt vào ngân sách nhà nước thì không bao giờ đủ giải quyết hậu quả mà các đơn vị gây ra,” ông Võ nói.

Rất thẳng thắn, ông Võ cho rằng ông vẫn giữ quan điểm không nên cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản nhiều như hiện nay.

"Ta nên để dành cho thế hệ sau dùng khi cần thiết. Nhưng nếu vẫn cấp phép thì phải thường xuyên, liên tục, chặt chẽ thanh kiểm tra. Cấp phép là một việc, thanh kiểm tra hoạt động lại là một việc khác," ông Võ nói.

Còn ông Sơn thì cho rằng, với nhiều sự cố vỡ đập bùn thải titan xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây thì tốt nhất nên ngưng cấp phép khai thác titan.

"Hiện giá titan trên thế giới đang giảm; Trung Quốc mua titan giá rất rẻ. Nếu khai thác để bán rẻ thì không đủ chi phí bù đắp việc ô nhiễm môi trường. Có thể 5-10 năm nữa khi giá tốt, ta hãy tính đến việc khai thác titan tiếp", ông Sơn nói.

Sáng 16-6, hồ chứa bùn thải trong khai thác titan tại Công ty Tân Quang Cường, tỉnh Bình Thuận bị vỡ khiến hàng ngàn mét khối bùn cát tràn vào khu du lịch Nam Thuận Quý, tràn ra đường, tràn qua nhà dân và đổ xuống biển.

Theo báo Bình Thuận, trong sáng 16-6, bốn mươi công nhân cùng xe ủi đất, xúc đất của công ty Tân Quang Cường được huy động để khắc phục hậu quả. Đến 12 giờ trưa cùng ngày, toàn bộ lượng bùn tràn ra đường đã được xử lý xong. Hiện nay, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đang tập trung tiến hành đo đạc, xác định mức độ thiệt hại.

Ông Trần Quang Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Quang Cường, chi nhánh Bình Thuận, cho biết công ty nhận trách nhiệm về sự cố này. Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành chức năng, khu du lịch Nam Thuận Quý và các hộ dân lân cận để xác định mức độ thiệt hại, có phương án bồi thường thỏa đáng; đồng thời sẽ có biện pháp chống sạt lở, xói mòn để tránh xảy ra sự cố tương tự.

Khu mỏ khai thác titan của Công ty TNHH Tân Quang Cường được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép năm 2015. 

Vẫn theo báo Bình Thuận, UBND tỉnh này vừa có văn bản hỏa tốc gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo xử lý sự cố vỡ hồ chứa nước gây tràn cát tại Công ty Tân Quang Cường.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra, có biện pháp khắc phục hậu quả tràn cát, bùn ổn định tình hình trật tự tại địa phương; báo cáo tình hình thực hiện hồ sơ thủ tục dự án khai thác titan của công ty này. Theo đó, nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh trước 8 giờ ngày 17-6-2016.

 

>> Vỡ hồ bùn đỏ khai thác titan tại Bình Thuận

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới