Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nền tảng vay ngang hàng nhận vốn nửa triệu đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nền tảng vay ngang hàng nhận vốn nửa triệu đô la

Dũng Nguyễn

(TBTKTSG Online) – Interloan, giải pháp đáp ứng nhu cầu vay ứng lương của cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp, cũng là dự án xếp thứ 3 trong cuộc thi về công nghệ tài chính (Fintech) do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, đồng thời nhận thêm nửa triệu đô la để tiếp tục mở rộng hoạt động.

Ngày 8-11, tại sự kiện công bố kết quả cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam 2019 (Fintech Challenge Vietnam – FCV 2019) do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, nền tảng cho vay ngang hàng (P2P Lending) Interloan nhận khoản đầu tư 500.000 đô la (tương đương 11,75 tỉ đồng) từ Phoenix Holdings, một trong những đối tác đầu tư của cuộc thi.

Đại diện Phoenix Holdings (bên phải) cùng ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM (bên trái), trao giấy cam kết đầu tư cho đại diện Interloan (giữa).

Đồng thời, Interloan đã vượt qua 208 bộ hồ sơ dự tuyển của các công ty đến từ 28 quốc gia, giành giải 3 (giải thưởng 5.000 đô la) trong nhóm 1, gồm các công ty Fintech đã phát triển giải pháp và cung ứng sản phẩm ra thị trường (Mature Fintech company). Nhóm 2 là các công ty Fintech khởi nghiệp (Early-stage Fintech company).

Mục tiêu của nhóm 1 là tìm các giải pháp có tính thiết thực đang được triển khai thực tế, giải quyết được các vấn đề do cuộc thi đề ra, trong khi nhóm 2 là tìm kiếm các mô hình kinh doanh đang trong giai đoạn sơ khai nhưng có ý tưởng tốt và có khả năng triển khai thực tế ra thị trường.

Đánh giá cao về Interloan, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết Hiệp hội ủng hộ các mô hình có khả năng thay thế cho tín dụng đen.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Đại Dương, Giám đốc điều hành Interloan cho biết sau khi nhận vốn đầu tư, nền tảng này sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ, kết nối với Ngân hàng và thực hiện các hoạt động phát triển kinh doanh như kế hoạch.

Được biết, Interloan là nền tảng cho vay ngang hàng (p2p lending), kết nối các nhà đầu tư và người vay tiền là các cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp.

Nhà đầu tư cho vay qua nền tảng này sẽ nhận được khoản sinh lời lên đến 15%, cao hơn so với lãi suất tiết kiệm với số tiền đầu tư tối thiểu 1 triệu đồng. Còn người vay chịu lãi suất trong khoảng 16,5-19%, với các khoản vay lên đến 70 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng.

Tại phiên trình diễn ngày 7-11 trước Ban giám khảo (gồm 5 thành viên từ Ngân hàng Nhà nước, ADB, WorldBank và các đối tác của Chương trình), ông Trần Đại Dương, Giám đốc điều hành Interloan cho biết nền tảng P2P sẽ giải quyết các vấn đề dịch vụ tài chính toàn diện mà cơ quan quản lý Việt Nam đang hướng tới.

Khảo sát của Interloan dựa trên hơn 2.000 người lao động tại TPHCM, cho thấy 90% người lao động có nhu cầu tài chính, nhu cầu ứng lương trong 6 tháng gần nhất và nhu cầu này gần như không được đáp ứng.

“Nguyên nhân vì doanh nghiệp không có chức năng cho vay, trong khi chủ doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc quản lý hồ sơ, dòng tiền, công nợ. Thêm nữa, nhóm có nhu cầu ứng lương phần lớn lại là lao động thiếu lịch sử tín dụng, thiếu tài sản đảm bảo, tức dưới chuẩn ngân hàng. Họ chỉ sử dụng dịch vụ ngân hàng để nhận lương, rút tiền tại ATM và chi tiêu”, ông Dương cho biết.

Bên cạnh nhu cầu ứng lương của người lao động, một nhu cầu hiện hữu khác là đầu tư tích lũy của các quản lý cấp trung trở lên. Đây là nhóm nhà đầu tư tiềm năng mà Interloan trực tiếp hướng tới.

“Tất cả các giao dịch của Interloan được thực hiện qua hệ thống tài khoản ngân hàng đối tác, Interloan chỉ làm nhiệm vụ kết nối người dùng, chúng tôi không giữ tiền của nhà đầu tư và người vay để đảm bảo tính minh bạch của quy trình”, ông Dương khẳng định.

Hiện tại, cách đi của Interloan là kết nối với doanh nghiệp sử dụng lượng lớn lao động, nhờ đó thông tin người dùng được xác thực 2 lần bởi hệ thống của doanh nghiệp và Interloan, nên giảm đáng kể các mức độ rủi ro của khoản vay.

Đối tác hiện tại của Interloan bao gồm 3 ngân hàng thương mại, 10 doanh nghiệp với hơn 7.000 nhân viên. Ông Dương cho biết trong hơn 1.000 khoản vay ký kết đến thời điểm này chưa phát sinh các khoản chậm trả.

Cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam 2019 (Fintech Challenge Vietnam – FCV 2019) do Ngân hàng Nhà nước tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (Mekong Business Initiative – MBI), dự án do Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.

FCV nhằm khuyến khích sự phát triển của công nghệ tài chính, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực tài chính và các nhà cung ứng giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Ban Tổ chức đã nhận được tổng cộng 208 bộ hồ sơ dự tuyển của các công ty đến từ 28 quốc gia (trong đó có 167 công ty Fintech nước ngoài và 41 Công ty Fintech Việt Nam), cuối cùng rút gọn thành 60 công ty Fintech tham gia vòng chung kết cuộc thi FCV 2019, rồi lựa chọn 16 ứng viên trình diễn tại Ngày trình diễn giải pháp công nghệ.

Đánh giá của BTC cho biết các hồ sơ tham dự năm nay đều tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng tâm được Ban Tổ chức đặt ra bao gồm: dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu sử dụng trí tuệ nhân tạo; tiếp cận dịch vụ tài chính; an ninh mạng; những lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới