Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nền tảng vốn mạnh, VPBank sẽ có lợi thế về số hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nền tảng vốn mạnh, VPBank sẽ có lợi thế về số hóa

Nền tảng vốn mạnh sẽ là đòn bẩy giúp VPBank vượt lên trong cuộc đua số hóa các dịch vụ ngân hàng trong thời gian tới.

Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, các cổ đông của VPBank cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm khoảng 2.600 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, ngân hàng có lợi nhuận lớn thứ 4 trong năm 2018 dự kiến chào bán tối đa 260 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư trong nước hoặc ngoài nước trong năm 2019. Số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán tại thời điểm phát hành nhằm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 30%. Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 2.600 tỷ đồng, lên mức hơn 27.900 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn, VPBank cho biết, năng lực tài chính, khả năng đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn sẽ được tăng cường. Ngoài ra, số vốn thặng dư từ đợt phát hành riêng lẻ sẽ giúp ngân hàng tăng nguồn vốn trung hạn phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Trước đó, năm 2017, VPBank đã phát hành riêng lẻ thành công gần 165 triệu cổ phiếu với giá 39.000 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 6.400 tỉ đồng. Như vậy, đợt phát hành riêng lẻ sắp tới sẽ giúp ngân hàng tăng nguồn vốn chủ sở hữu lên đáng kể.

Thực ra, chưa tính tới nguồn vốn bổ sung từ đợt phát hành riêng lẻ sắp tới, VPBank đã là một trong những ngân hàng tư nhân có nền tảng vốn khá mạnh mẽ, theo đánh giá của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Trong báo cáo được đưa ra đầu tháng 4, VDSC cho biết, sau khi phát hành riêng lẻ năm 2017, tổng vốn chủ sở hữu của VPBank đạt hơn 30.500 tỉ đồng, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, VPBank cũng đã xin ý kiến các cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2018 sau khi trích các loại quỹ dự trữ và quỹ đầu tư để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Trước đó, sức mạnh về nền tảng vốn của VPBank cũng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá cao. Cuối năm ngoái, Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín dụng cơ sở, chỉ số phản ánh khả năng vượt qua rủi ro phá sản của ngân hàng mà không cần tới sự hỗ trợ bên ngoài, từ mức B2 lên B1. Đồng thời, mức xếp hạng rủi ro đối tác cũng được nâng lên Ba3 từ B1. Các mức xếp hạng này tiếp tục được giữ nguyên trong đợt rà soát lại tháng 4 vừa qua của Moody’s cho thấy sức mạnh tài chính của ngân hàng vẫn được duy trì bền vững.

Chất lượng tài sản của ngân hàng cũng đã được cải thiện đáng kể trong năm 2018. Theo VDSC, VPBank trong năm 2018 đã xóa hơn 3.200 tỉ đồng nợ xấu, cao gấp đôi so với năm 2017. Hơn 30% lợi nhuận trước dự phòng, tương đương 3.700 tỷ đồng, của ngân hàng cũng được sử dụng để trích lập dự phòng rủi ro cho vay, cao hơn 34% so với năm 2017. Sang tiếp quý 1-2019, số nợ xấu của ngân hàng tại VAMC đã giảm thêm 25% so với cuối năm 2018.

Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo VPBank cho biết, ngân hàng dự kiến năm nay sẽ tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Nếu mọi chuyện theo đúng kế hoạch, VPBank sẽ gia nhập nhóm số ít ngân hàng sạch nợ tại VAMC và chất lượng tài sản sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo nhận xét của VDSC, nền tảng vốn mạnh sẽ là nguồn hỗ trợ lớn cho chiến lược phát triển ngân hàng số của VPBank. Trong năm 2018, VPBank đã đầu tư khá mạnh vào các dịch vụ ngân hàng số mới ở tất cả các phân khúc chiến lược, gồm $NAP dành cho FE Credit, SME Connect dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Dream và YOLO dành cho khách hàng cá nhân.

“Việc chủ động phát triển nền tảng kỹ thuật số sẽ giúp VPBank tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn và tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ cần nhiều thời gian để có được kết quả tích cực như vậy”, VDSC nhận định trong báo cáo phân tích về VPBank.

Trong cuộc gặp gỡ các chuyên gia phân tích trên thị trường chứng khoán cuối tháng 1, đại diện Ban Điều hành của VPBank cũng khẳng định, các khoản đầu tư vào các dịch vụ ngân hàng số là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của VPBank trong năm 2018 tăng thấp hơn so với kế hoạch. Chỉ số CIR của ngân hàng riêng lẻ cũng vì thế vẫn ở mức trên 40% so với hơn 34% của CIR hợp nhất.

Dịch vụ ngân hàng số sẽ trở thành động lực tăng trưởng giúp VPBank mở rộng doanh thu và tiết giảm chi phí trong tương lai.

Tuy nhiên, đại diện ngân hàng cũng nhấn mạnh, dịch vụ ngân hàng số sẽ trở thành động lực tăng trưởng giúp VPBank mở rộng doanh thu và tiết giảm chi phí trong tương lai. Thực tế, các khoản đầu tư vào số hóa của VPBank đã thể hiện hiệu quả ban đầu. Tính đến hết năm 2018, VPBank có 1,3 triệu tài khoản ngân hàng số. Tỷ lệ giao dịch trực tuyến chiếm 55%, từ mức 41% năm 2017, tổng số giao dịch toàn ngân hàng.

Tất nhiên, để thấy được rõ hơn hiệu quả từ chiến lược số hóa, VPBank sẽ cần thêm thời gian. Nhưng những gì ngân hàng đã thực hiện được trong chiến lược số hóa cho thấy, VPBank đang rất chủ động và tích cực tiến tới trở thành một ngân hàng tiên phong trong dịch vụ ngân hàng số nhờ sức khỏe tài chính mạnh mẽ của mình.

Mời xem thêm:

VPBank đạt lợi nhuận gần 9.200 tỉ đồng năm 2018

Ngân hàng tung ưu đãi cho vay mua nhà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới