Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nên xây cầu tàu 15.000 TEU cho cảng Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên xây cầu tàu 15.000 TEU cho cảng Vân Phong

Võ Văn Tạo

Dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong tái khởi động. Ảnh: VVT  

(TBKTSG Online) – Để thúc đẩy dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký văn bản, đồng ý đề xuất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Bộ Giao thông Vận tải, cho phép áp dụng phương thức chỉ định thầu một số hạng mục: xây dựng cầu cảng, tôn tạo bãi, tư vấn quản lý dự án, cung cấp dịch vụ kiểm toán…

Theo phương án của Vinalines, ở giai đoạn khởi động, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong sẽ bắt đầu được xây dựng với 2 cầu tàu 6.000 TEU, mớn nước 14m và 9.000 TEU, mớn nước 14,5m. (TEU là đơn vị tính sức chứa hàng hóa vận chuyển bằng container của tàu và cỡ cầu tàu tương thích. Một TEU tương đương với 1 container dài 20ft, tương đương 39m3. Một container loại 40ft hoặc 45ft đều được tính bằng 2 TEU).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế – kỹ thuật, để hiệu quả, cảng trung chuyển Vân Phong nên đầu tư xây dựng bằng các cầu tàu 15.000 TEU. Bởi những lý do sau:

1. Xu thế vận tải đường biển là càng ngày càng sử dụng các tàu lớn để tăng tính hiệu quả. Tại hội nghị lần thứ 7 Hiệp hội Cảng biển quốc tế (tại DUBAI, ngày 28-3-2008), báo cáo của Tổng thư ký hiệp hội khẳng định: “Tàu container có hiệu quả kinh tế cao nhất”.

Vào thời điểm diễn ra hội nghị nói trên, các tàu container đã có tải trọng đến 12.000 TEU. Hiện tàu container lớn nhất được thiết kế 18.000 TEU, dài 470m, rộng 60m, mớn nước 16m, đang đóng tại Đức, sẽ xuất xưởng trong năm 2009.

2. Trên trục chính hàng hải Âu – Á, hãng vận tải biển khổng lồ Maersk Lines đã đưa vào hoạt động 6 chiếc tàu mang tên EMMA (loại 15.200 TEU), chạy tuyến Odessa-Singapore-Hong Kong (qua sát Vân Phong). Loại tàu này có mớn nước 15m, dài 397,7m, rộng 56,4m, cao 100m, tổng dung tải 151.687 GT, đang đảm nhiệm tỷ trọng lớn trong vận tải hàng hải Âu – Á.

Tuyến hoạt động của 6 tàu EMMA.

3. Độ sâu tự nhiên trước bến ở Đầm Môn (vị trí bố trí cầu tàu ở giai đoạn khởi động) là 16,5m, cho phép xây dựng cầu tàu có thể tiếp nhận loại tàu 15.000 TEU.

4. Hiện trạng hệ thống cảng biển Việt Nam cho thấy ở phía Bắc, chỉ có thể tiếp nhận loại tàu 2.000 TEU trở xuống. Ở phía Nam, từ tháng 5-2009, cảng Cái Mép đã tiếp nhận được tàu 6.000 TEU. Theo quy hoạch, khu vực này có thể tiếp nhận tàu 8.000 TEU. Như vậy, nếu Vân Phong chỉ tiếp nhận được tàu 9.000 TEU trở xuống, các tàu EMMA của Maersk Lines không thể vào được. Nếu Vân Phong có cầu tàu 15.000 TEU (độ sâu tự nhiên 16,5m) thì không những các tàu EMMA vào được mà còn có thể tiếp nhận cả các tàu vào được Cái Mép và các tàu có tải trọng nhỏ hơn.

5. Dự án đào kênh Kra của Thái Lan một khi trở thành hiện thực, cảng Singapore sẽ ở vào thế “việt vị” (không tàu nào muốn đi theo eo biển Malacca, vừa xa, vừa nguy hiểm bởi cướp biển), với lợi thế nước sâu, Vân Phong sẽ là ứng cử viên duy nhất thế chỗ của cảng này, để trở thành cảng trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á.

Dĩ nhiên, cầu tàu 15.000 TEU đòi hỏi đầu tư nhiều vốn hơn. Tuy nhiên, nếu xây dựng cầu tàu 15.000 TEU, sẽ cho hiệu quả hơn. Nếu trước mắt chưa đủ nguồn vốn, có thể xây dựng trước 1 cầu tàu 15.000 TEU, vẫn hơn làm 2 cầu tàu 6.000 TEU và 9.000 TEU.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới