Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nếu EVFTA chậm trễ, đầu tư của DN châu Âu cũng giảm sút

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nếu EVFTA chậm trễ, đầu tư của DN châu Âu cũng giảm sút

T.Thu

Nếu EVFTA chậm trễ, đầu tư của DN châu Âu cũng giảm sút
Dược phẩm là một trong những lĩnh vực doanh nghiệp châu Âu có thế mạnh. Ảnh minh hoạ: TL

(TBKTSG Online) – Hiện niềm tin và sự lạc quan của doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường và triển vọng kinh doanh tại Việt Nam khá cao, chủ yếu nhờ kỳ vọng vào Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA). Nếu hiệp định này bị trì hoãn, sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu sẽ giảm sút, theo đó đầu tư của họ tại Việt Nam cũng sẽ sụt giảm.

Tại buổi gặp gỡ báo chí hôm 20-10 tại TPHCM, khi được hỏi về việc liệu EVFTA có bị trì hoãn do việc Anh rời khỏi EU (Brexit) và nếu thực thi trễ hơn dự kiến, liệu việc này có ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam hay không, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Michael Behrens, cho biết ông vẫn kỳ vọng EVFTA có hiệu lực vào cuối năm 2017 như dự kiến.

Ông Michael Behrens cho rằng Brexit sẽ không ảnh hưởng đến hiệp định này và không có chuyện phải đàm phán lại. Bởi vì, việc đàm phán lại sẽ tốn rất nhiều thời gian và Chính phủ Việt Nam sẽ không để việc này xảy ra.

“Như tôi đã nói, sự lạc quan của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam hiện khá cao, chủ yếu do họ kỳ vọng vào EVFTA sắp có hiệu lực, nên họ hào hứng hơn, nhưng nếu FTA này bị trì hoãn thì sự lạc quan của họ sẽ suy giảm, và như thế đầu tư cũng sụt giảm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc này (EVFTA bị chậm trễ trong thực thi – PV) sẽ không xảy ra”, ông Michael Behrens cho biết.

Vị này cho biết thêm, với EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU được kỳ vọng sẽ tăng 50% trong vài năm đầu hiệp định có hiệu lực, và xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng sẽ tăng với tốc độ tương tự. Cũng sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam và mang theo công nghệ cao cũng như chuyển giao công nghệ. Các công ty châu Âu, đến từ Đức, Pháp,… cũng không chỉ đến đầu tư tại TPHCM, Hà Nội mà còn đến Đà Nẵng và các tỉnh thành khác.

Hiện EuroCham có hơn 900 thành viên, đã có văn phòng tại Hà Nội, TPHCM, và đang xem xét để mở thêm văn phòng tại Đà Nẵng để hỗ trợ doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại khu vực miền Trung.

Theo kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quí 3-2016 được EuroCham công bố hôm 18-10, có gần 72% doanh nghiệp châu Âu (thành viên của EuroCham) tham gia khảo sát tỏ ra khá lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát là gần 200 doanh nghiệp.

Khoảng 52% doanh nghiệp phản hồi dự định tăng số lượng lao động, trong đó khoảng 16% cho biết sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có ý định duy trì mức độ đầu tư trong nước, chiếm khoảng 41% tổng số. Số lượng phản hồi dự định tăng mức đầu tư cũng không thua kém, chiếm 39% tổng số phản hồi và 17% dự định tăng đáng kể mức đầu tư. Số lượng doanh nghiệp phản hồi thoái vốn rất giới hạn, chưa đến 1%, giảm đáng kể so với 7% của quí trước, theo báo cáo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới