Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nếu nước thải được xem là tài nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nếu nước thải được xem là tài nguyên

Nếu nhà nước tạo hành lang pháp lý còn doanh nghiệp thì xử lý nước thải để tái sinh năng lượng thì sẽ không còn việc cảnh sát môi trường truy tìm hệ thống ống xả thải trộm ra sông Thị Vải của Vedan như trong ảnh-Ảnh: Nguyễn Đức

(TBKTSG Online) – Phần lớn doanh nghiệp hiện nay đều xem nước thải trong hoạt động sản xuất như một “khối u” họ phải tốn công sức, tiền bạc để giải quyết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhựt Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Asia Biogas Việt Nam, cho rằng nếu có phương pháp và một cơ chế chính sách rõ ràng thì các doanh nghiệp có nước thải trong quá trình sản xuất có thể xem nó như một loại tài nguyên và có thể tạo ra lợi nhuận từ nước thải.

Asia Biogas Việt Nam là công ty con của Asia Biogas của Mỹ đang hoạt động trong lĩnh vực chuyển hóa chất thải thành năng lượng. Ông Hưng đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh câu chuyện xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay.

Vì sao trong khi các cơ quan nhà nước và cộng đồng đang bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nước thải thì ông lại cho rằng nên xem nước thải là tài nguyên?

Đối với nhiều doanh nghiệp, thậm chí có thể nói là 100% doanh nghiệp hiện nay, xem nước thải như kẻ thù, còn hoạt động xử lý nước thải, nếu có, như một phần thừa vì hoạt động này làm tăng chi phí, giá thành sản xuất của doanh nghiệp.

Theo tôi quan sát, hiện nay các cơ quan nhà nước đang xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở Vedan hay nhiều công ty gây ô nhiễm khác mà báo chí gần đây phản ánh, là chữa bệnh, mà chữa triệu chứng nhiều hơn là tìm cách loại trừ nguyên nhân gây bệnh. Các doanh nghiệp cũng vậy.

Gần như toàn bộ các nhà máy có chất thải, giả định họ đều có hệ thống xử lý nước thải nghiêm túc theo quy định của nhà nước thì việc xử lý của họ cũng là “chữa triệu chứng”, và đây là nguyên nhân dẫn tới việc doanh nghiệp ít chịu đầu tư hoặc đầu tư hệ thống xử lý nước thải để đối phó, mà Vedan là một điển hình.

Chỉ cần nhìn vào phương pháp xử lý nước thải ở các nhà máy hiện nay thì chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Gần như toàn bộ các hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy, nếu có, đều sử dụng phương pháp xử lý hiếu khí.

Phương pháp này thực chất là dùng ô xy hóa nước thải, sau đó dùng hóa chất để tác động hóa lý, tách chất thải độc hại ra để xử lý, phần còn lại là nước thải đạt tiêu chuẩn A, B. C nào đó theo quy định của từng loại hình doanh nghiệp rồi đưa ra môi trường.

Với phương pháp này, doanh nghiệp không chỉ tốn tiền đầu tư hệ thống xử lý nước thải ban đầu, rồi còn chi phí vận hành, bảo dưỡng định kỳ mà có khi là còn lớn hơn cả chi phí đầu tư ban đầu. Do vậy, doanh nghiệp sẽ tính toán bài toán cân bằng giữa lợi ích và chi phí bỏ ra. Họ sẽ nghĩ bỏ ra nhiều tiền như vậy thì được lợi gì?

Chính vì bài toán lợi ích và chi phí bỏ ra, sẽ làm doanh nghiệp không còn quan tâm tới hệ thống xử lý của chính mình đã xây dựng, có thể họ làm cho có, theo kiểu “đánh trống gõ mõ” cho mọi người biết là họ có làm. Sau đó, một số doanh nghiệp vận hành hệ thống xử lý nước thải theo kiểu đối phó, có cơ quan chức năng kiểm tra thì mở cho nó hoạt động, không có thì xả thẳng ra môi trường.

Phần đông doanh nghiệp chú ý vấn đề xử lý nước thải hiện nay là vì lo lắng cho sự tổn hại đến thương hiệu và xem xử lý là cách đánh bóng tên tuổi, thương hiệu trong cộng đồng. Rất hiếm doanh nghiệp xem nước thải cũng là tài nguyên sinh lợi.

Ông Nguyễn Nhựt Hưng-Ảnh: Hồng Văn

Chừng nào, doanh nghiệp coi nước thải là tài nguyên sinh lợi, còn nhà nước thì có ràng buộc điều này bằng pháp lý, bằng chính sách khuyến khích cụ thể thì lúc đó bài toán môi trường sẽ dễ dàng giải quyết hơn.

Nhưng bằng cách nào để nước thải là tài nguyên?  

Xử lý nước thải chia làm hai phương pháp. Ngoài hiếu khí như đã nói, còn có phương pháp yếm khí hay còn gọi là kị khí, tức dùng vi khuẩn đưa vào nước thải để tạo bể khí biogas mà thành phần của nó là khí mêtan (CH4), một dạng năng lượng sạch.

Trên thế giới nhiều nước đã tính toán rằng đốt 1 tấn khí mêtan được tạo ra từ bể biogas trong quá trình xử lý nước thải, tương đương với làm giảm phát thải 21 tấn khí CO2. Nhiều loại nước thải có chứa hàm lượng ô nhiễm hữu cơ cao hiện nay như chế biến tinh bột mì, thực phẩm, mía đường, sản xuất cồn, sản xuất cồn ethanol, giấy… đều có thể tạo ra bể khí biogas hữu dụng.

Nhưng muốn doanh nghiệp có chất thải xem nước thải là bạn, là tài nguyên có thể tạo năng lượng sạch cho chính mình thì nhà nước phải có chính sách, chủ trương cụ thể. Chẳng hạn, hiện nay khi cấp phép đầu tư, giấy phép đầu tư mà cơ quan thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp ghi chung chung là xử lý nước thải theo quy định, mà theo quy định thì có nghĩa là ra nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn A, B, C nào đó, tức là phương pháp xử lý hiếu khí. Rồi sau đó lo đi kiểm tra đột xuất xem doanh nghiệp có làm đúng vậy hay không, còn doanh nghiệp thì lo đối phó.

Lẽ ra, các nhà hoạch định chính sách phải tiên lượng, phải tham khảo các nhà khoa học trước, rằng đầu tư vào lĩnh vực nào sẽ cho ra chất thải gì, xử lý ra làm sao và ghi thẳng vào giấy phép đầu tư là phương pháp xử lý gì? Chẳng hạn nếu doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh bột mì hay chưng cất cồn thì hàm lượng ô nhiễm hữu cơ của nước thải rất nặng, gây ô nhiễm trầm trọng nhưng ngược lại, nước thải này có thể tái sinh thành năng lượng biogas như tôi đã nói thì nhà nước phải ghi thẳng vào giấy phép là phương pháp xử lý kị khí, còn công nghệ nào, của ai, trong hay ngoài nước thì không quan trọng.

Còn doanh nghiệp có chất thải, khi xử lý nước thải thành năng lượng tái sinh, có nghĩa là họ đã được lợi. Tuy giá thành của năng lượng này có thể cao hơn năng lượng hóa thạch mà họ mua để vận hành máy móc nhưng họ càng sản xuất thì có nhiều chất thải, có nhiều chất thải thì có năng lượng tái sinh thu hồi nhiều lên. Doanh nghiệp sẽ bớt đi sự phụ thuộc vào biến động giá cả của năng lượng hóa thạch như xăng dầu hiện nay và họ sẽ vận hành hệ thống xử lý của mình một cách thực sự, chứ không còn tâm lý đối phó.

Hơn nữa, việc sử dụng năng lượng tái sinh của doanh nghiệp từ nguồn xử lý nước thải có thể được tham gia thị trường mua bán giảm phát khí thải theo nghị định thư Kyoto mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia nghị định này.

Chính sách khuyến khích của nhà nước cho việc xử lý nước thải có hàm lượng ô nhiễm hữu cơ thành năng lượng sạch rất quan trọng, kèm theo là những hành lang bắt buộc như trong cấp phép, thẩm định đầu tư và sự hỗ trợ về thuế của nhà nước cho các doanh nghiệp này.

Tôi biết hiện nay Chính phủ đã cấp phép 3 dự án chưng cất cồn ethanol để pha vào xăng có quy mô lớn ở Phú Thọ, Quảng Ngãi và Vũng Tàu. Đây là những loại hình sản xuất gây ô nhiễm rất trầm trọng mà nếu vẫn quy định xử lý theo kiểu cũ thì rồi đây nhà nước và cộng đồng phải tiếp tục tục gánh chịu như kiểu của Vedan vừa qua. Cứ tưởng tượng nồi cơm nguội mà để ôi thiu hai ba ngày nó hôi thối cỡ nào thì nước thải của chưng cất cồn ethanol còn nặng hơn nhiều.

Không chỉ các nước phát triển họ đẩy mạnh việc xử lý nước thải dạng này mà ngay các nước trong khu vực cũng phát triển mạnh. Như tại Thái Lan, một nhà máy chế biến tinh bột mì đã xử lý chất thải và thu hồi năng lượng để phát điện tới công suất 5 MW thừa cho sử dụng vận hành cho nhà máy, còn bán cho các công ty lân cận.

Ở Việt Nam cũng có một số trường hợp xử lý nước thải thu hồi năng lượng sạch ở quy mô doanh nghiệp nhưng còn hiếm, đa phần là bể khí biogas sinh học xử lý chất thải trâu bò, heo ở nông thôn. Đây cũng là cách xử lý kị khí mà Việt Nam đã phát động ở nông thôn từ khá sớm, hiện đã tham gia vào việc mua bán chứng chỉ giảm phát khí thải.

Trường hợp nước thải của Vedan có thể xử lý tạo năng lượng như ông đã nói?  

Vâng, nước thải của Vedan đa phần ô nhiễm hữu cơ, rất tốt để xử lý và tái tạo năng lượng tái sinh. Trước đây chúng tôi đã từng gặp Vedan và họ cho biết là họ cũng đang làm theo kiểu tái tạo năng lượng nhưng bây giờ đọc báo thì thấy không phải vậy.

Xin cảm ơn ông!

HỒNG VĂN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới