Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

New York là thành phố giàu nhất thế giới với 340.000 triệu phú

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thành phố New York tiếp tục đứng đầu danh sách các thành phố giàu nhất toàn cầu với 340.000 triệu phú trong năm ngoái, theo bảng xếp hạng của Công ty tư vấn đầu tư định cư Henley & Partners (Anh).

Với 340.000 triệu phú, New York đứng đầu trong số 10 thành phố giàu nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng của Henley & Partners. Ảnh: Daily Mail

Báo cáo của Henley & Partners, công bố hôm 18-4, đánh giá mức độ giàu có ở 97 thành phố thuộc 9 vùng trên thế giới dựa trên số lượng cá nhân có giá trị ròng cao. Báo cáo được thực hiện thông qua sự hợp tác với hãng nghiên cứu thịnh vượng toàn cầu New World Wealth (Nam Phi).

Bảng xếp hạng năm nay cho thấy Mỹ dẫn đầu với 10 thành phố lọt vào danh sách 50 thành phố giàu nhất thế giới, và Trung Quốc xếp thứ hai với 5 thành phố.

Theo báo cáo,  trong giai đoạn 2012-2022, số lượng cá nhân có giá trị ròng cao (nắm giữ tài sản từ một triệu đô la trở lên) ở New York tăng 40%, lên con số khoảng 340.000 người, giúp vững ngôi vị thành phố giàu nhất thế giới.

New York là trung tâm tài chính của Mỹ, nơi có hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường, sàn NYSE và sàn Nasdaq. Thành phố này này có một số tuyến phố dân cư có giá nhà đắt nhất thế giới, bao gồm Đại lộ số 5 ở Manhattan, nơi giá căn hộ cao cấp có thể vượt quá 27.000 đô la (635 triệu đồng VN) / mét vuông.

Xếp thứ hai trong danh sách xếp hạng của Henley & Partners là Tokyo với 290.300 triệu phú. Đứng ở các vị trí tiếp theo là khu vực vùng vịnh San Francisco (thuộc bang California), bao gồm thành phố San Francisco và Thung lũng Silicon, nơi có 285.000 triệu phú, London (258.000 triệu phú), Singapore (240.100 triệu phú). Hồng Kông, Thượng Hải và Bắc Kinh lần lượt đứng ở vị trí 7, 8 và 9.

Nếu xét về số lượng tỉ phú, khu vực vùng vịnh San Francisco dẫn đầu thế giới với 63 tỉ phú, tiếp theo là New York, Bắc Kinh, Los Angeles và Thượng Hải.

Nếu xét về tốc độ tăng trưởng số lượng cá nhân có giá trị ròng cao trong 10 năm qua, thành phố Hàng Châu của Trung Quốc dẫn đầu với mức tăng 105%, xếp thứ hai là Austin (bang Texas, Mỹ) với mức tăng 102%.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và làn sóng di cư của người Nga đã tác động đến mạnh đến sự thịnh vượng của Moscow. Theo báo cáo của  Henley & Partners, số lượng triệu phú ở thành phố Moscow giảm 44% trong thập niên vừa qua.

Tại Việt Nam, TPHCM có số lượng triệu trú tăng 82% trong giai đoạn 2012-2022, lên 7.700 người. Trong số này, có 15 cá nhân có tài sản từ 100 triệu đô la trở lên và 3 cá nhân là tỉ phú.

Các trung tâm thu hút người giàu truyền thống như Monaco và Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) cũng chứng kiến số lượng triệu phú tăng mạnh trong 10 năm qua, theo Andrew Amoils, Giám đốc nghiên cứu của New World Wealth.

“Tài sản trung bình của một người dân ở Monaco cao hơn 10 triệu đô la, đưa thành phố này trở thành nơi giàu có nhất thế giới nếu tính theo tài sản trên đầu người”, Amoils nói. Trong năm 2022, gần 3.500 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao chuyển đến sinh sống ở Dubai, nơi có mức thuế thấp.

Tại châu Á, sự thay đổi thứ hạng đáng chú ý là Hồng Kông bị đối thủ Singapore vượt mặt trong danh sách các thành phố giàu nhất thế giới. Hồng Kông giờ đây xếp thứ 7, sau Singapore 2 bậc.

Trong thập niên qua, số lượng triệu phú ở Hồng Kông giảm 27%, xuống còn 129.500 người. Trong cùng kỳ, số lượng triệu phú ở Singapore tăng 40%, lên 240.100 người. Vào năm 2012, Hồng Kông là thành phố có số lượng triệu phú nhiều thứ tư thế giới.

Chính sách siết chặt kiểm soát của Bắc Kinh đối với đặc khu Hồng Kông đã thúc đẩy làn sóng di cư của người giàu và văn phòng quản lý tài sản gia đình đến các trung tâm khác. Trong khi số lượng công ty đầu tư quản lý tài sản của giới siêu giàu đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn đến 2020-2021 ở Singapore, thì Hồng Kông đang chật vật bám đuổi.

Juerg Steffen, CEO của Henley & Partners, cho biết hầu hết các thành phố đứng đầu danh sách thành phố giàu nhất thế giới đều nằm  ở các nước có chương trình hỗ trợ di chuyển vốn và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài để đổi lấy quyền cư trú hoặc quốc tịch.

Steffen nói: “Đối với các khách hàng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao của chúng tôi, việc có thể định cư gia đình hoặc di dời doanh nghiệp đến một thành phố thuận lợi hơn hoặc có tùy chọn để lựa chọn nhiều nơi cư trú khác nhau trên khắp thế giới là một khía cạnh ngày càng quan trọng trong việc lập kế hoạch phân bổ tài sản quốc tế và thừa kế của họ”.

 Theo Bloomberg, Henley Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới