Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

New Zealand tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

New Zealand tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Trang Nguyễn thực hiện

(TBKTSG) – Nhân cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và New Zealand được tổ chức trực tuyến vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Thương mại và Kinh tế của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis đã có chia sẻ với TBKTSG xoay quanh câu chuyện dòng vốn New Zealand đang đổ vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

New Zealand tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam
Ông Vangelis Vitalis.

TBKTSG: Thưa ông, cuộc họp lần này của Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam – New Zealand có những ưu tiên trao đổi nào để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước?

Ông Vangelis Vitalis: Mối quan hệ kinh tế thương mại của New Zealand và Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, với thương mại giữa hai nước tăng gần gấp đôi trong năm năm qua, đạt 2.04 tỉ đô la New Zealand (1.35 tỉ đô la Mỹ). Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng sự tăng trưởng này vẫn ổn định khi đối mặt với dịch Covid-19, với mức tăng trưởng 6,9% trong thương mại hai chiều trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30-6-2020.

Xuất nhập khẩu của hai nước tương đối đồng đều, chứng tỏ chúng ta đang cùng nhau phát triển thương mại. Ngoài ra, thương mại của hai nước cũng bổ sung cho nhau, với Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng điện, giày dép, đồ gỗ và New Zealand xuất khẩu sữa, trái cây và gỗ.

Với việc khởi động thành công quan hệ đối tác chiến lược New Zealand – Việt Nam vào tháng 7 năm nay, Thủ tướng hai nước đã đặt ra thách thức về việc làm thế nào để chúng ta có thể làm sâu sắc hơn và mở rộng mối quan hệ kinh tế và thương mại, và đó là điều chúng ta đang tập trung thảo luận tại Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và New Zealand (JTEC).

New Zealand và Việt Nam đều là những quốc gia xuất khẩu với cam kết chung về hội nhập kinh tế khu vực. Tâm lý bảo hộ thương mại đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới và các rào cản đối với thương mại đang nhân lên từng ngày, vì vậy chúng tôi cũng thảo luận trong JTEC về cách chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong các hiệp định thương mại tự do khu vực, trong WTO và trong các tổ chức như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) để đảm bảo các nhà xuất khẩu của chúng ta có thể tiếp tục phát triển mạnh.

Chúng tôi cũng đang chứng kiến nhiều công ty New Zealand đầu tư hơn nữa cho sự hiện diện của mình tại Việt Nam để bù đắp những khó khăn trong việc di chuyển trực tiếp từ thị trường này tới thị trường kia.

TBKTSG: Sự hợp tác này có thể được định hình lại bằng cách nào đó sau dịch Covid-19 không, theo quan điểm của ông?

– New Zealand và Việt Nam đã làm việc với các đối tác để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng được duy trì và thương mại tiếp tục lưu thông không bị cản trở, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới phải vật lộn với những tác động tức thời của dịch Covid-19.

Xem xét đến cách chúng ta có thể giảm bớt các rào cản đối với hàng hóa thiết yếu, chẳng hạn như thiết bị y tế, sẽ tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới đây.

Trong năm tới, New Zealand sẽ là Chủ tịch của APEC và chúng tôi muốn làm việc với Việt Nam và các thành viên khác của APEC để xây dựng lại các nền kinh tế có sức bật, bền vững và bao trùm hơn trong khu vực của chúng ta.

Về mặt song phương, bắt nguồn từ dịch Covid-19, một số công ty New Zealand đã và đang tìm đến Việt Nam để tìm nơi cung cấp nhiều loại nguyên liệu đầu vào và sản phẩm khi họ hướng tới sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chúng tôi cũng đang chứng kiến nhiều công ty New Zealand đầu tư hơn nữa cho sự hiện diện của mình tại Việt Nam để bù đắp những khó khăn trong việc di chuyển trực tiếp từ thị trường này tới thị trường kia.

Ở cấp Chính phủ, chúng tôi đang tìm cách tạo điều kiện cho thương mại giữa New Zealand và Việt Nam trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Ví dụ, bộ nông nghiệp của New Zealand và Việt Nam hiện đang phát triển một chương trình hợp tác chứng nhận điện tử để tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa nông nghiệp giữa hai nước được trao đổi an toàn, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

TBKTSG: Còn về hợp tác giáo dục và du lịch thì sao thưa ông? Những hoạt động này đã và đang diễn ra như thế nào, và hai nước có thể mong đợi gì ở những lĩnh vực này trong tương lai?

– Giáo dục là nền tảng của quan hệ đối tác song phương giữa hai nước và là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trước dịch Covid-19, có hơn 2.700 sinh viên Việt Nam đang học tập tại New Zealand, tăng 44% trong ba năm qua. Mặc dù dịch Covid-19 đã tạo ra một số thách thức trước mắt đối với việc di chuyển của sinh viên quốc tế, nhưng chúng tôi mong muốn được chào đón sinh viên Việt Nam trở lại khi các điều kiện an toàn hơn.

Cùng với việc nâng cấp lên Đối tác Chiến lược vào tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã ký một Kế hoạch Gắn kết giáo dục chiến lược và một thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề mới. Những hoạt động này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giáo dục New Zealand-Việt Nam ngày một sâu rộng.

Đối với vấn đề du lịch, trước Covid-19, khách du lịch New Zealand đã đổ xô đến Việt Nam. Hàng chục ngàn người New Zealand mỗi năm đã đến và khám phá những cảnh sắc và thành phố xinh đẹp của Việt Nam. Chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy lượng khách từ Việt Nam đến New Zealand đã tăng mạnh. Như vậy chúng tôi kỳ vọng số lượng trao đổi khách du lịch giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục tăng lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

TBKTSG: Những lĩnh vực tiềm năng nào khác tại Việt Nam đang thực sự thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư New Zealand trong thời gian gần đây, thưa ông?

– Công nghệ là một lĩnh vực trong số đó, và cũng tương đối mới trong mối quan hệ song phương giữa hai nước, nhưng đây cũng là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng. Công nghệ hiện là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ ba của New Zealand. Trên thực tế, chúng tôi đang có một số công ty hàng đầu thế giới hiện đang hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực đa dạng như phần mềm y tế tiên tiến và dự báo khí tượng chi tiết.

TBKTSG: New Zealand đang đàm phán về việc nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand hiện có, để tìm cách giảm hơn nữa các rào cản ảnh hưởng đến thương mại hai chiều, vậy chúng ta sẽ có thể mong đợi điều gì đó như giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng và lĩnh vực hơn không, để giúp thúc đẩy thương mại Việt Nam và New Zealand nói riêng?

– Chúng tôi tự hào là đối tác với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Úc-New Zealand trong hơn 10 năm qua. Với bản chất lâu dài của hiệp định thương mại tự do này, chúng tôi đã được hưởng mức thuế bằng 0 đối với hầu hết các hoạt động thương mại giữa hai nước. Nhờ hiệp định này, thương mại song phương giữa New Zealand và Việt Nam đã tăng hơn 330% trong 10 năm qua.

Việc nâng cấp hiệp định sẽ tạo cơ hội tốt để chúng tôi hiện đại hóa hiệp định thương mại tự do này và xem xét cách chúng tôi có thể xây dựng trên nền tảng vốn đã thành công của hiệp định. Việc nâng cấp sẽ xem xét tới các quy tắc xuất xứ và thủ tục hải quan để đảm bảo rằng những quy tắc này phù hợp nhất với thực tiễn thương mại hiện đại và chuỗi cung ứng. Các cuộc đàm phán sẽ bao gồm dịch vụ, thương mại điện tử, đầu tư, cạnh tranh, cùng với mua sắm công, rồi thương mại và phát triển bền vững.

Ngoài ra New Zealand và Việt Nam cũng là thành viên trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây này là một hiệp định thương mại tự do toàn diện và hiện đại hơn giúp đồng thời mở ra các lĩnh vực hợp tác và cơ hội mới giữa hai quốc gia, chẳng hạn trong lĩnh vực mua sắm công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới