Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Newopenworld loại vịnh Hạ Long

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Newopenworld loại vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long. Ảnh: TMB

(TBKTSG Online) – Ngày 14-4, tổ chức Newopenworld đã tạm thời loại vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách bầu chọn các kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Những người có trách nhiệm đang giải quyết vấn đề để đưa Hạ Long trở lại danh sách.

Sự cố này, một lần nữa cho thấy trong thời buổi hội nhập các đàm phán quốc tế đòi hỏi một sự cẩn trọng, cũng như phải tuân thủ tuyệt đối những thỏa thuận đã ký kết để không xảy ra những chuyện đáng tiếc.

Có sự cố mới thấy sơ suất 

Nguyên nhân của hành động trên do Newopenworld đưa ra là vì một số trang web của Việt Nam đã vi phạm bản quyền của tổ chức này; như sử dụng logo New7wonders, sử dụng hình ảnh và sao chép nội dung của website. Điều này trái với những thỏa thuận đã được ký kết giữa Newopenworld và Ban quản lý vịnh Hạ Long, cơ quan bảo trợ chính thức cho kỳ quan để tham gia cuộc bình chọn. Những thỏa thuận đó là chỉ có Ban quản lý vịnh Hạ Long (sau đây viết tắt là Ban quản lý) mới được quyền dùng logo, trang web của Newopenworld để tiến hành cuộc bình chọn mà không phải trả phí. Tất cả những tổ chức, cá nhân khác không được sử dụng, kể cả đường link vào website này. 

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng 16-4, ông Ngô Văn Hùng, Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết cơ quan này nắm rất rõ các thỏa thuận và thừa nhận rằng, chiếu theo những thỏa thuận giữa hai bên thì phía Việt Nam thực sự đã vi phạm. “Với thỏa thuận này, mình (Ban quản lý) thì được, còn những tổ chức khác thì không,” ông Hùng nói.

Trả lời nguyên nhân tại sao cơ quan này đã biết rõ những quy định trên nhưng không cảnh báo các đơn vị quản lý website cũng như một số tờ báo khi những đơn vị này đưa đường link của Newopenworld đến trang web của họ để thực hiện các đợt tuyên truyền bầu chọn cho Hạ Long, ông Hùng nói: “Ban quản lý đã sơ suất khi không cảnh báo sớm và cũng nghĩ rằng những đơn vị này chỉ vì mục đích đơn thuần là kêu gọi bình chọn chứ không phải mục tiêu thương mại nên sẽ không có vấn đề gì”.

Một lý do nữa được đưa ra là do Ban quản lý muốn có nhiều người bình chọn cho di sản thiên nhiên này nên đã để cho những đơn vị, cá nhân và cả những cơ quan thông tấn, báo chí như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… tổ chức bầu

Động Thiên Cung trong vịnh Hạ Long. Ảnh: TMB

chọn qua trang web của họ. “Nội dung của trang web của tổ chức này đều bằng tiếng Anh, trong khi trình độ Anh ngữ của rất nhiều người Việt còn hạn chế nên những cơ quan thông tấn báo chí có độ phủ sóng rộng, diễn giải những quy định bằng tiếng Việt sẽ thu hút được nhiều người tham gia”, ông Hùng giải thích.

Theo ông, tuy không cảnh báo về tất cả những thỏa thuận này nhưng khi những đơn vị chính thức đề nghị với Ban quản lý để tổ chức các chương trình bầu chọn thì ông cũng đã đề nghị liên hệ với Newopenworld để thực hiện các chương trình. Còn vấn đề những đơn vị này có liên hệ hay không thì Ban quản lý không thể kiểm soát được.

Những người có trách nhiệm đang gấp rút giải quyết vấn đề để đưa Hạ Long trở lại danh sách. Những người bỏ phiếu thì không hiểu chuyện gì đã xảy khi Hạ Long biến mất và liệu danh thắng này có được trả lại vị trí bầu chọn  hay không…

Để giải quyết vấn đề, Ban quản lý đã liên hệ với người quản lý các website để đưa ra yêu cầu gỡ bỏ những nội dung vi phạm và đến nay rất nhiều đơn vị đã thực hiện. “Việc trở lại danh sách nhanh hay chậm là tùy thuộc vào chúng ta. Họ sẽ đưa lại khi cơ quan bảo trợ chính thức có văn bản xác nhận là đã loại bỏ những vi phạm”, ông Hùng cho biết.

Cũng vào sáng 16-4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết bộ đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông lập tức yêu cầu các đơn vị vi phạm gỡ bỏ ngay những thông tin, đường link trái với thỏa thuận để nhanh chóng đưa Hạ Long trở lại danh sách. 

“Đưa Hạ Long trở lại vị trí là việc cấp thiết cần giải quyết để không làm lỡ cơ hội quảng bá cho Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung; còn vấn đề ai có lỗi sẽ giải quyết sau”, ông nói.

Luật chơi chưa được cân nhắc cẩn thận

Theo những điều ông Hùng nói về thỏa thuận giữa Newopenworld và Ban quản lý vịnh Hạ Long thì dường như phía Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi hơn tổ chức này. Ngoài những quy định đã nêu trên, tổ chức này còn đưa ra yêu cầu: nếu Hạ Long trở thành kỳ quan của thiên nhiên thế giới thì mọi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam sử dụng hình ảnh của vịnh có kèm theo danh hiệu này để tuyên truyền, quảng bá thì phải nộp phí cho Newopenworld. Tiền thu được sẽ dùng để tu bổ kỳ quan.

“Đúng là họ quy định thế nhưng chỉ áp dụng với những đơn vị dùng trong việc quảng bá thương mại, thu lợi nhuận. Tuy nhiên mọi quyết định liên quan đến vấn đề thu phí này đều phải thông qua Ban quản lý”, ông Hùng nói.

Những đảo, những hòn trong vịnh Hạ Long mang nhiều hình dáng khác nhau, luôn gây ngạc nhiên thú vị cho du khách. Ảnh: TMB

Tuy nhiên, điều này thực sự sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Rõ ràng, khi doanh nghiệp dùng hình ảnh, kèm danh hiệu của vịnh để quảng bá điểm đến thì đây chính là vì mục đích thương mại. Từ trước đến nay, trong tất cả các brochure, video clip, tờ rơi, sách hướng dẫn du lịch… dùng để tiếp thị, quảng bá, doanh nghiệp đều gọi “Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới do UNESCO bình chọn” và coi đây như điểm nhấn để tạo sự chú ý với khách.

Với cuộc bình chọn nói trên, những doanh nghiệp cũng hy vọng với danh hiệu mới sẽ tạo thêm sức hút cho vịnh Hạ Long nói riêng và hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung; các doanh nghiệp sẽ dùng danh hiệu này trên các ấn phẩm để quảng bá điểm đến. Chính vì thế nên trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã tổ chức bình chọn cho Hạ Long, không những tổ chức tại Việt Nam mà khi đưa khách đi du lịch nước ngoài họ cũng tổ chức chương trình kèm theo và kêu gọi các đối tác cùng thực hiện.

Trả lời về vấn đề có phải ban tổ chức đã không cân nhắc kỹ tất cả các điều khoản khi tham gia cuộc bình chọn, ông Hùng cho biết việc ký thỏa thuận không chỉ do một mình Ban quản lý thực hiện mà cả UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cùng đứng ra ký kết, nên không có chuyện là không rõ ràng về những thỏa thuận. Biết là có một số thỏa thuận không có lợi nhưng nếu Ban quản lý không chấp thuận thì sẽ không được tham gia và làm mất đi một cơ hội quảng bá cho du lịch. “Chúng tôi tập trung đến vấn đề trước mắt là làm sao cho Hạ Long đạt được danh hiệu còn vấn đề sau sẽ tính tiếp”, ông nói.

Ông Hùng cũng cho biết, sắp tới, sau khi giải quyết xong sự cố trên thì cơ quan bảo trợ cùng với một số đơn vị khác sẽ thảo luận lại với Newopenworld về một số điều khoản không hợp lý.

Tuy nhiên, với những điều gọi là quy định, dù có không rõ ràng hoặc bất lợi cho một phía nhưng khi đã được ký kết, đưa vào thỏa thuận sau khi tự do thương lượng có nghĩa là hai bên bắt buộc phải thực hiện và khó có thể bàn lại. Điển hình là việc Newopenworld đã tạm thời loại vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách bầu chọn các kỳ quan thiên nhiên của thế giới do phía Việt Nam vi phạm những điều khoản trong quá trình bình chọn.

ĐÀO LOAN

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới