Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

NextPay muốn huy động 100 triệu đô la trước khi niêm yết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

NextPay muốn huy động 100 triệu đô la trước khi niêm yết

Lê Hiếu – Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Nhà cung cấp giải pháp thanh toán điện tử NextPay Holdings đang xem xét phát hành riêng lẻ (không qua chào bán công khai cổ phiếu) để huy động khoảng 60-100 triệu đô la trong quí đầu tiên của năm 2021 sắp tới, trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2022.

 

NextPay muốn huy động 100 triệu đô la trước khi niêm yết
NextPay là kết quả của sự hợp nhất giữa nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử VIMO và startup mPOS.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập của công ty, nói với DealStreetAsia rằng NextPay đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho đợt phát hành riêng lẻ và sẽ cung cấp cho họ 20% cổ phần. Công ty hiện đang thảo luận với năm nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

NextPay sẽ là công ty công nghệ tài chính đầu tiên tại Việt Nam sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Công ty này đặt mục tiêu huy động tới 100 triệu đô la Mỹ khi ra mắt trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vào năm 2022.

Nguồn tiền thu được từ đợt phát hành riêng lẻ này sẽ được sử dụng để phát triển mạng lưới merchant (điểm chấp nhận dịch vụ) của NextPay tại Việt Nam, đồng thời mở rộng sự hiện diện của hãng tại nước ngoài bao gồm Indonesia và Myanmar.

NextPay là kết quả của sự hợp nhất giữa nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử VIMO và startup mPOS; cả hai đều do NextTech thành lập vào năm 2014. Công ty hợp nhất này được thành lập vào tháng 6 năm ngoái 2019 với khoảng 1,5 triệu người sử dụng và hơn 35.000 điểm chấp nhận trên 45 tỉnh thành. NextPay đặt mục tiêu doanh thu 33,7 triệu đô la vào năm 2020, so với 19,2 triệu đô la vào năm 2019.

Năm ngoái, NextPay đã đàm phán với năm nhà đầu tư nước ngoài để huy động khoảng 30 triệu đô la trong vòng gọi vốn series B. Tuy nhiên, kế hoạch gọi vốn này đã "thay đổi vào phút chót" và công ty quyết định chuyển sang theo đuổi IPO.

Phát biểu về tính khả thi của kế hoạch này, Christian Konig, nhà sáng lập Fintech News Network, cho rằng ví điện tử VIMO của NextPay vẫn chưa được áp dụng rộng rãi so các đối thủ đang cạnh tranh khác như MoMo, ZaloPay, VNPAY, Payoo và ViettelPay. Tuy nhiên, ông nhận xét định giá của NextPay là khá lạc quan vì dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng cho mảng thanh toán điện tử.

Vào tháng 1 năm ngoái, ví điện tử MoMo của Việt Nam đã thực hiện vòng gọi vốn series C do Công ty cổ phần tư nhân toàn cầu Warburg Pincus dẫn đầu. Mặc dù các điều khoản tài chính vẫn chưa được tiết lộ, nhưng một nguồn tin am hiểu về vấn đề này đã cho biết khoản đầu tư này có trị giá khoảng 100 triệu đô la, khiến đây là một trong những vòng gọi vốn lớn nhất từ trước đến nay của một công ty khởi nghiệp Việt Nam.

Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam là cuộc đua đầy sôi động với hơn 30 ví điện tử và các hình thức thanh toán di động khác. Cuối tháng 12-2019, tập đoàn tài chính Ant Financial – công ty con của Alibaba, đã mua lại ví điện tử e-Monkey của Việt Nam. Hồi tháng 6-2020, hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng tuyên bố tham gia thị trường ví điện tử với việc thành lập công ty có số vốn điều lệ 50 tỉ đồng.

“Tuy nhiên, trong một cuộc đua đốt tiền của các hãng công nghệ, VietJet Air có thể nướng hết số tiền lớn mà không tạo nên một ví điện tử có tính nổi bật và sức cạnh tranh dù rằng tập đoàn này đã tạo ra hệ sinh thái thanh toán đa dạng và cả ngân hàng cùng mảng tài chính tín dụng”, một chuyên gia công nghệ phân tích.

Trong khi đó, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam luôn là mảnh đất khốc liệt và bạc bẽo, bởi người dùng có thể từ bỏ tín dụng trong nháy mắt khi các ví điện tử không có khuyến mãi hay mã giảm giá nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới