Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nga giảm 5% sản lượng dầu để đáp trả giá trần của phương Tây

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

KTSG Online) – Nga sẽ cắt giảm 5% sản lượng dầu, tương đương 500.000 thùng/ngày, trong tháng 3 tới để đáp trả cơ chế áp giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết.

Một giàn khoan dầu của Công ty dầu khí Lukoil (Nga) tại mỏ dầu Kravtsovskoye ở biển Baltic, Nga. Ảnh: Reuters

Lo ngại Nga “vũ khí hóa” dầu thô

Trong tuyên bố hôm 10-2, ông Alexander Novak nói rằng việc Nga “tự nguyện” cắt giảm sản lượng dầu  500.000 thùng/ngày, tương đương 0,5% nguồn cung thế giới, sẽ giúp “khôi phục các quan hệ thị trường”

Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi lệnh trừng phạt mới nhất của Liên minh châu (EU) và các biện pháp hạn chế khác của phương Tây có hiệu lực đối với ngành dầu mỏ của Nga.

EU vừa mở rộng lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển sang các nhiên liệu khác của nước này như dầu diesel và xăng. Trong khi khối cường quốc G7 và các đồng minh áp đặt mức giá trần đối với nhiên liệu của Nga và buộc bên mua phải tuân thủ nếu họ muốn tiếp cận thị trường bảo hiểm và tàu chở dầu của phương Tây.

“Nga tin rằng cơ chế áp giá trần với dầu và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga là hành động can thiệp vào các quan hệ thị trường. Cơ chế này là sự tiếp tục chính sách hủy diệt năng lượng các nước phương Tây”, Phó Thủ tướng Novak nói.

Dầu thô chuẩn quốc tế Brent ở thị trường London, tăng 2,3% lên 86,43 đô la/thùng ngay sau tuyên bố của Nga.

Động thái mới nhất của Nga làm dấy lên lo ngại rằng Moscow đang chuyển sang “vũ khí hóa” nguồn cung dầu thô sau khi nước này dường như thất bại trong cuộc chiến khí đốt với châu Âu. Kể từ ngoái,  Moscow đã gần như cắt giảm hoàn xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu để đáp trả sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, nhờ chính sách tiết kiệm năng lượng và nỗ lực tích trữ khí đốt hóa lỏng, châu Âu đã tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này.

Năm ngoái, Nga đã cảnh báo sẽ đáp trả cơ chế giới hạn giá dầu Urals xuất khẩu và tuyên bố sẽ không bán dầu cho những nước tuân thủ cơ chế này.  Tuy nhiên, giá dầu Urals đã giảm với mức chiết khấu lớn so với giá dầu Brent và đang ở mức thấp hơn giá trần 60 đô la/thùng.

Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu của Công ty tư vấn thị trường dầu Energy Aspects, có trụ sở tại London, nhận định: “Dầu Urals chịu áp lực trong một thời gian dài do các biện phạt của phương Tây bao gồm cơ chế giá trần”.

Buộc phải giảm sản lượng vì tác động lệnh của lệnh trừng phạt?

Quyết định giảm sản lượng dầu của Nga sẽ làm căng thăng thêm nguồn cung toàn cầu sau khi liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ cuối năm ngoái,

Cho đến hôm 10-2, Nga đã cố gắng duy trì xuất khẩu dầu mỏ, vốn mang lại nhiều doanh thu cho Moscow hơn là khí đốt, cho các thị trường quốc tế. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo Nga có thể gặp khó khăn trong việc tìm các thị trường mới để tiêu thụ hết lượng dầu dầu của nước này khi các đòn pháp trừng phạt của phương Tây ngày càng gia tăng.

Bob McNally, Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy (Mỹ), cho biết kể từ khi EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu và giá trần đối với dầu và nhiên liệu của Nga, hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán Nga buộc phải cắt sản lượng dầu do không thể nhanh chóng tìm được các thị trường thay thế.

McNally nói: “Moscow có thể đang cố gắng miêu tả việc cắt giảm sản lượng dầu bắt buộc như một lựa chọn chính sách tự nguyện. Tôi không tin các đối tác OPEC+ của Nga bị bất ngờ và không kỳ vọng việc cắt giảm nguồn cung của Nga sẽ làm thay đổi lập trường chính sách giữ nguyên sản lượng hiện nay của họ”.

Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại Ngân hàng UBS, nhận định trong ngắn hạn, sẽ không có nước nào tìm cách lấp đầy khoảng trống nguồn cung do Nga cắt giảm.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định hiện tại, Nga vẫn có thể bán dầu ra thị trường nước ngoài, nhưng không muốn tuân thủ cơ chế giá trần do các quốc gia phương Tây áp đặt. Ông nói: “Khi đưa ra các quyết định tiếp theo, chúng tôi sẽ hành động dựa trên tình hình thị trường đang phát triển như thế nào”.

Sản lượng dầu của Nga vẫn duy trì ở mức cao trong năm qua. Kể từ khi chạm mức thấp nhất sau khi chiến sự Ukraine nổ ra là 10,05 triệu thùng/ngày hồi tháng 4-2022, sản lượng dầu của Nga đã tăng trở lại lên mức khoảng 10,9 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022 và vẫn ở gần mức đó trong vào tháng 1, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu của EU đối với hầu hết dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5-12.

Theo Financial Times, Bloomberg

 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới