Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nga quay lưng với  WTO?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nga quay lưng với  WTO?

Huỳnh Hoa

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nga Vladimir Putin gặp nhau ở Moscow hôm thứ Ba, 7-7-2009. Ảnh: Reuter.

(TBKTSG) – Con đường đến với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Nga không bằng phẳng. Đã thành thông lệ, cứ mỗi năm các nhà chính trị Nga lại hứa rằng đến cuối năm họ sẽ hoàn tất cuộc đàm phán gia nhập WTO. Mỗi năm, thời điểm hoàn tất này lại bị đẩy sang năm kế tiếp, và cứ thế năm này sang năm khác.

Tạm biệt Geneva!

Giờ đây, Thủ tướng Nga Vladimir Putin dường như đã hết kiên nhẫn, đã phá bỏ thông lệ đó bằng tuyên bố, sau 16 năm cố gắng, nước Nga đã không còn muốn gia nhập WTO với tư cách một nền kinh tế riêng rẽ mà như một phần của một liên minh thuế quan mà Nga vừa thành lập cùng với Belarus và Kazakhstan. Sự quay đầu của Nga làm sững sờ các nhà đàm phán ở cả hai phía – những người mà cách đây vài tuần còn cố thu hẹp những điểm bất đồng cuối cùng để tiến tới một thỏa thuận.

Tại sao có sự thay đổi như vậy? Có thể Nga đã chán ngấy vô số những vụ trì hoãn và yêu sách mới. Sau cuộc chiến tranh ngắn ngủi với Georgia tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng V. Putin đã tố cáo phương Tây chính trị hóa các cuộc đàm phán thương mại và cho rằng Nga sẽ không dễ bị xỏ mũi.

Cả hai nước Ukraine và Georgia – hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và đang gây nhức đầu cho Kremlin – đều đã là thành viên WTO, bỏ nước Nga lại sau lưng và không phải tình cờ mà cả hai nước này đều có quyền phủ quyết hồ sơ gia nhập WTO của Nga.

Bằng cách đưa ra tuyên bố ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama viếng thăm chính thức nước Nga lần đầu tiên trong tuần này, Thủ tướng V. Putin đã loại bỏ một sự nhượng bộ mà tổng thống Mỹ có thể đem tới.

Một quan chức cao cấp của Mỹ thừa nhận: “Chúng tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi có thể hoàn tất [các cuộc đàm phán] vào cuối năm nay”.

Trong thực tế, nếu không gia nhập WTO nước Nga cũng không có gì để mất. Hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga là dầu mỏ và khí đốt – những thứ mà WTO không điều hành. Đứng ngoài WTO thêm một thời gian nữa Nga sẽ có thêm tự do tăng thuế nhập khẩu mặt hàng xe hơi đã qua sử dụng hoặc tăng thuế xuất khẩu gỗ súc. Một vài quan sát viên thậm chí còn cho rằng Kremlin không bao giờ thấy thoải mái thật sự với ý tưởng thương mại tự do; họ coi các luật lệ của WTO là điều phiền toái hơn là động lực tái cơ cấu nền kinh tế.

Trung tâm khu vực trong một thế giới đa cực

Tuy vậy, khát vọng muốn làm thành viên WTO, mở ra triển vọng gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) – câu lạc bộ các nước giàu có trụ sở tại Paris, thể hiện mong muốn hội nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu của Nga. Nhưng giờ đây có vẻ như Kremlin thích làm một cường quốc khu vực riêng biệt, có khả năng đưa ra những liên minh, những định chế kinh tế và quân sự thay thế phương Tây, hơn là đứng chung trong các liên minh và định chế ấy.

 Thủ tướng V. Putin từ lâu đã lập luận rằng các tổ chức quốc tế như WTO và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lỗi thời rồi và cần được bổ sung, thậm chí thay thế bằng những tổ chức khu vực. Trong một thế giới đa cực mà nước Nga ủng hộ, Nga tự thấy mình là một trung tâm có ảnh hưởng tầm khu vực. Gần đây, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lập luận rằng, một liên minh quân sự giữa Nga và Uzbekistan, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Tajikistan – gọi là Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), sẽ “không tệ hơn” Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nước Nga coi những dự án nước ngoài nào đụng chạm đến Liên bang Xô Viết cũ, kể cả việc kết nạp vào NATO các nước Đông Âu, là một thách thức trực tiếp. Nhưng mối đe dọa lớn nhất đối với tham vọng tái khẳng định ảnh hưởng khu vực của Nga lại nằm ngay trong chính thái độ của nước này đối với các lân bang.

Cho dù đã ký kết liên minh thuế quan với Belarus, Nga vẫn áp đặt lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm sữa của Belarus mà Nga cho là không đáp ứng các quy định về đóng gói (cũng giống như có lần Nga nói rằng rượu vang, trái cây và nước khoáng của Georgia không bảo đảm chất lượng).

Tổng thống Belarus, ông Alyaksandr Lukashenka coi thái độ của Nga như là một sự trừng phạt vì nước ông “vô lễ” với nước Nga và từ chối ủng hộ chính sách của Nga công nhận quyền độc lập của các lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia của Georgia.

Tổng thống Lukashenka cũng nổi tiếng về tài ăn miếng trả miếng. Khi Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin đặt nghi vấn về khả năng thanh toán của Belarus và rút lại một cam kết cho vay 500 triệu đô la mới công bố vài tuần trước đó, ông Lukashenka đã trả đũa bằng tuyên bố: “Nếu không hợp tác được với Nga, chúng tôi sẽ cố tìm vận may ở những nơi khác trên trái đất”.

Đáp lại việc Nga cấm nhập sữa của Belerus, ông Lukashenka đã tẩy chay hội nghị cấp cao khối CSTO mới đây và nhấn mạnh rằng đàm phán về an ninh tập thể trong bối cảnh một số thành viên của CSTO tiến hành chiến tranh thương mại chống lại nhau đã khiến cho lý tưởng chung biến thành trò cười.

Ông Fyodor Lukyanov, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Moscow, thì nhận định rằng chừng nào CSTO vẫn chưa thôi đóng vai trò là biểu tượng của lòng trung thành với nước Nga và bắt đầu đặt ra những mục tiêu cụ thể thì “rõ ràng rằng tổ chức này đáp ứng rất ít quyền lợi thiết thực của các thành viên”.

(Theo Economist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới