Nga tiếp tục giành quyền kiểm soát năng lượng
(TBKTSG Online) – Tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga một lần nữa khôi phục chiến dịch giành lại quyền sở hữu đối với nguồn tài nguyên khí đốt Nga từ tay các công ty nước ngoài bằng cuộc tấn công vào dự án Sakhalin-1 ở Đông Siberia của tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil, liên doanh khí đốt cuối cùng ở Nga dưới quyền kiểm soát nước ngoài.
Kế hoạch bán khí đốt cho Trung Quốc của ExxonMobil đã bị Phó chủ tịch Gazprom Alexander Ananenkov chỉ trích gay gắt. Ông Ananenkov đã miêu tả những nỗ lực của ExxonMobil trong việc xuất khẩu khí đốt từ Sakhalin là “bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Nga, tước đoạt nguồn khí đốt lẽ ra thuộc quyền sở hữu của họ”.
Những lời chỉ trích của ông Ananenkov, được đăng tải trên báo chí Nga, là một phần trong chiến dịch chống lại quyền sở hữu nước ngoài đối với nguồn năng lượng Nga. Ông Ananenkov gọi dự án khí đốt Sakhalin-2 của Shell, dự án mỏ dầu Kharyaga của Total và dự án Sakhalin-1 của ExxonMobil – những dự án được thực hiện theo hợp đồng chia sẻ sản phẩm được thỏa thuận vào những năm 1990 – là “những kinh nghiệm tiêu cực”.
Năm ngoái, Shell đã buộc phải chấp nhận sửa đổi hợp đồng với Chính phủ Nga sau một chiến dịch “khủng bố” của các công ty môi trường Nga, đe dọa chấm dứt hoạt động của Shell ở Sakhalin. Những cuộc tấn công đã dừng lại khi Shell và các đối tác Nhật Bản đồng ý bán một phần cổ phần của họ trong dự án này cho Gazprom, dành cho Nga quyền kiểm soát lớn hơn đối với liên doanh này.
Năm 2007, Nga cũng gây sức ép tương tự đối với tập đoàn năng lượng Anh BP và TNK-BP, liên doanh giữa BP và Gazprom – buộc phải trao quyền kiểm soát mỏ khí đốt khổng lồ Kovytka ở Đông Siberia cho Gazprom.
Những tuyên bố của ông Ananenkov cũng dự báo rằng ExxonMobil có thể sẽ phải chịu sức ép tương tự về hợp đồng chia sản phẩm ở Sakhalin-1.
Hiện tại, thỏa thuận ký kết vào năm ngoái giữa ExxonMobil và Tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc về việc xây dựng một đường ống xuất khẩu khí đốt cho Trung Quốc đang chịu sức ép từ Bộ Năng lượng Nga. Bộ này đã cắt giảm 600 triệu đô la Mỹ từ khoản ngân sách đề xuất 1,8 tỉ của ExxonMobil năm 2008 cho Sakhalin-2. Khoản đề xuất trên bao gồm cả phần đầu tư cho đường ống xuất khẩu khí đốt trên, nhưng Chính phủ Nga muốn ExxonMobil chỉ dành khí đốt cho thị trường trong nước vốn kém sinh lời hơn.
Ông Ananenkov nói rằng: “Những doanh nghiệp đang sử dụng tài nguyên của chúng tôi lại không có ý định cung ứng nguồn nhiên liệu cho miền viễn đông của nước Nga. Họ dường như bị hấp dẫn bởi những thuận lợi về mặt kinh tế khi là nhà cung cấp khí đốt cho thị trường nước ngoài”.
Sự từ chối của Chính phủ Nga về dự án đường ống xuất khẩu khí đốt đang phần nào phản ánh rằng Gazprom sẽ tiến tới nắm quyền kiểm soát tất cả các dự án xuất khẩu khí đốt của các công ty nước ngoài. Những nỗ lực của TNK-BP để đạt được sự chấp thuận cho dự án đường ống xuất khẩu khí đốt từ Kovytka cho Trung Quốc cũng bị từ chối tương tự.
Hiện nay, Gazprom là công ty độc quyền hợp pháp về xuất khẩu khí đốt Nga, nhưng các hợp đồng chia sản phẩm Sakhalin, đã được nhất trí dưới thời của Tổng thống Yeltsin, được miễn sự kiểm soát điều hành bình thường. Tuy nhiên, chính quyền hiện nay không đồng ý với cơ cấu pháp lý ưu đãi của các hợp đồng chia sản phẩm này.
Sakhalin-1 với trữ lượng lớn, ước tính 2,3 tỉ thùng dầu và 17.000 tỉ feet khối khí đốt từ ba mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi. Exxon Neftegas, công ty điều hành dự án, đang sản xuất 250.000 thùng dầu/ngày từ mỏ Chayvo. Exxon có 30% cổ phần trong Exxon Neftegas, trong khi các đối tác khác gồm Rosneft, công ty dầu mỏ nhà nước Nga, với 20%, một liên danh của Nhật Bản với 30% và ONGC của Ấn Độ chiếm 20%.
Mặc dù lên tiếng chỉ trích các dự án liên doanh khí đốt, nhưng vị Phó chủ tịch Gazprom cũng nói rằng công ty ông sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài triển khai các dự án trên nền tảng quyền lợi chung của hai bên. “Chúng tôi sẵng sàng hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài dựa trên những quyền lợi chung mang tính cơ bản và đầu tư đồng đều trong cùng một dự án… và trên thực tế Gazprom đã đạt được hiệu quả từ hình thức hợp tác này,” Ananenkov nói và dẫn chứng việc hợp tác khai thác mỏ khí đốt Yuzhno-Russkoye với BASF (Đức).
Theo thỏa thuận giữa Gazprom và BASF ký kết hồi đầu năm, nhà đầu tư Đức được quyền mua tối thiểu 25% cổ phần bình thường và đặc biệt mà không cần thông qua việc bỏ phiếu trong nội bộ Severneftegazprom, một công ty con của Gazprom. Severneftegazprom được cấp phép khai thác mỏ dầu và khí đốt Yuzhno-Russkoye ở phía bắc Siberia và dự án này đã đi vào hoạt động ngày 18-12.
SONG NGUYÊN (Theo Times Online, RIA Novosti)