Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngấm đòn vì ‘Covid-19’, hãng hàng không quốc gia Philippines đệ đơn xin phá sản

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – “Ngấm đòn” vì đại dịch Covid-19 nhưng không được chính phủ chấp nhận giải cứu, hãng hàng không quốc gia Philippines (Philippine Airlines – PAL), hãng bay có tuổi đời lâu nhất ở châu Á, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ để theo đuổi kế hoạch tái cấu trúc, giúp hãng tự đứng vững trở lại trên đôi chân của mình.

Thông báo của PAL, công bố ngày 4-9, cho biết đã nộp đơn xin phá sản theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ, cho phép hãng tiếp tục hoạt động trong quá trình tái cấu trúc tài chính. Đơn được nộp cho tòa án liên bang ở quận Nam của TP New York (Mỹ) và cần phải được thẩm phán chấp thuận. Nội dung của nó bao gồm thỏa thuận giảm nợ 2 tỉ đô la Mỹ đồng thời giảm quy mô đội máy bay 25% với các ngân hàng, công ty cho thuê máy bay, nhà cung cấp động cơ và máy bay, cổ đông lớn và các chủ nợ khác.

Tỉ phú Lucio Tan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PAL, cho biết đã đạt được thỏa thuận với các bên liên quan bao gồm các chủ nợ và cổ đông lớn về việc đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ Ảnh: Bilyonaryo News

“Chúng tôi hoan nghênh tiến triển đột phá này, đó là một thỏa thuận chung giúp PAL tiếp tục hoạt động với tư cách là hãng hàng không quốc gia Philippines và là hãng hàng không toàn cầu quan trọng nhất của đất nước”, tỉ phú Lucio Tan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PAL, nói trong thông báo.

Để duy trì thanh khoản trong quá trình tái cấu trúc, PAL cho biết các bên liên quan và các ngân hàng trong nước nhất trí bơm 505 triệu đô la cho PAL thông qua các khoản vay mới và phát hành cổ phiếu mới. Một khi giai đoạn bảo hộ phá sản kết thúc, PAL sẽ vay thêm 150 triệu đô la từ các nhà đầu tư nước ngoài để hỗ trợ các hoạt động trong thời kỳ hậu tái cấu trúc.

Trong tiến trình tái cấu trúc, PAL sẽ giao trả ít nhất 20 máy bay và cắt giảm 35% lực lượng nhân sự.

Năm ngoái, PAL Holdings, công ty mẹ của PAL, chứng kiến mức thua lỗ kỷ lục 71,8 tỉ peso (3,27 tỉ đô la Mỹ). Trong nửa đầu năm nay, hãng hàng không này giảm lỗ 20% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 16,6 tỉ peso (330 triệu đô la). Doanh thu hợp nhất của PAL trong 6 tháng đầu năm giảm 51% về mức 18,04 tỉ do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19.

Chi phí hoạt động giảm gần 49% trong giai đoạn này nhờ chi phí lương bổng giảm mạnh sau khi công ty quyết định sa thải 2.300 nhân viên, tương đương 30% tổng nhân sự, và cắt giảm lương của ban lãnh đạo hồi tháng 3.

Năm ngoái, lượng khách đi máy bay ở Philippines giảm 75%, xuống chỉ còn 7 triệu do các hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh. PAL đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, dẫn đến doanh thu mất mát 2 tỉ đô la.

Khi các khoản thua lỗ của ngành hàng không ngày càng chất cao, chính phủ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn không muốn chi tiền thuế của dân để giải cứu các hãng hàng không trong nước dù họ đang bên bờ vực sụp đổ tài chính. Động thái không sẵn sàng hỗ trợ đó buộc PAL phải tự thân vận động. PAL đã bán một số tài sản để thu về 70 triệu đô la và cổ đông lớn đã bơm hơn 130 triệu đô la cho PAL để cung cấp thanh khoản khẩn cấp cho hãng hàng không này.

Tỉ phú Lucio Tan nói: “Chúng tôi biết ơn các ngân hàng, các đối tác hàng không và các chủ nợ khác đã tiếp sức cho PAL vượt qua tác động chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19 toàn cầu vốn đang làm gián đoạn kinh doanh của tất cả các ngành, đặc biệt là ngành hàng không”,

PAL nhấn mạnh việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản không ảnh hưởng đến khách hàng vì hãng sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường. Tất cả những vé và voucher du lịch đã bán ra vẫn có giá trị sử dụng và PAL cam kết hoàn tiền nếu khách trả vé.

Thông báo có đoạn: “PAL sẽ tiếp tục bay kinh doanh bình thường theo các quy định an toàn và hãng kì vọng tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ tài chính thông qua tiến trình tái cấu trúc”.

PAL sẽ dần tăng số chuyến bay nội địa và quốc tế để đáp ứng nhu cầu khi thị trường cải thiện.

PAL đã từng vượt qua các cuộc khủng hoảng trước đây. Năm 1999, hãng hàng không này giao quyền quản lý tài sản cho phía đại diện của chủ nợ trong quá trình tái cấu trúc sau khi đối mặt với một loạt vụ đình công giữa lúc đang ứng phó với cuộc khoảng hoảng tài chính châu Á và khoản nợ 2 tỉ đô la. Tuy nhiên, đại dịch Covid-1 là một kiểu khủng hoảng khác thường đối với PAL, khiến hãng hàng không này tiếp tục thua lỗ nặng trong 2020, kép dài đà thua lỗ 4 năm liên tiếp.

Theo CNN, Phil Star

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới