Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngăn chặn hành chính thương vụ Grab và Uber: Cần hay không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngăn chặn hành chính thương vụ Grab và Uber: Cần hay không?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Singapore và Malaysia đã có những biện pháp ngăn chặn tạm thời đối với hoạt động sáp nhập của các công ty gọi xe qua ứng dụng kết nối Grab và Uber để điều tra về các giao dịch ảnh hưởng lớn đến thị trường mà không báo trước. Trong khi đó, các cơ quan về quản lý cạnh tranh Việt Nam vẫn chưa có những động thái tiếp theo.

Ngăn chặn hành chính thương vụ Grab và Uber: Cần hay không?
Nhiều cơ quan quản lý cạnh tranh ở Đông Nam Á đã có những động thái đầu tiên trước thương vụ sáp nhập Uber vào Grab. Ảnh:TL

Cuối tuần trước, Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) đã gửi cho các cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam thông báo về quyết định của CCS liên quan đến vấn đề nêu trên nhằm phối hợp giải quyết vụ việc giữa các cơ quan cạnh tranh Đông Nam Á, trong bối cảnh thương vụ Uber sáp nhập vào Grab được tiến hành trên quy mô toàn thị trường Đông Nam Á. Trong khi đó, phía Việt Nam thông báo rằng đã ra văn bản yêu cầu Grab báo cáo về thương vụ sáp nhập này theo quy định quản lý về các hoạt động “tập trung kinh tế” được quy định tại Luật Cạnh tranh (hạn chót để Grab báo cáo vụ việc cho Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, là ngày 3-4).

CCS đã ra chỉ thị áp dụng biện pháp tạm thời (IMD) đối với Grab và Uber về việc sáp nhập và buộc cả hai hãng phải duy trì hoặc khôi phục cạnh tranh đảm bảo các điều kiện của thị trường ngay từ ngày 30-3. Ngay tại thời điểm đó, Grab và Uber phải giữ nguyên hiện trạng, không được trao đổi bất cứ thông tin bảo mật nào của nhau liên quan đến khung giá, công thức tính, dữ liệu về khách hàng và tài xế. Đồng thời phải duy trì mức giá, chính sách giá, các lựa chọn sản phẩm đối với các dịch vụ đặt xe và vận tải hành khách đã có từ trước khi có giao dịch sáp nhập tại Singapore. Thậm chí phía Grab phải đảm bảo các tài xế Uber gia nhập nền tảng gọi xe của Grab tự nguyện, không bị áp đặt điều khoản đặc biệt hay phí chấm dứt, đăng ký hợp đồng…

Nói khác đi là CCS yêu cầu hai hãng cùng phải giữ nguyên hiện trạng để CCS điều tra. Quyết định này phải được tuân thủ trừ khi CCS rút lại hoặc một trong hai bên kháng cáo thành công tại Ban kháng cáo về cạnh tranh.

Cở sở để CCS đưa ra các quyết định nêu trên là Điều 54 trong Luật Cạnh tranh của đảo quốc này, xét thấy hành vi sáp nhập của Grab và Uber tại Singapore có dấu hiệu làm giảm đáng kể tính cạnh tranh liên quan đến các tài xế và vận tải khách từ điểm tới điểm và thị trường đặt xe tại Singapore.

Bộ Nội vụ Malaysia cũng ngay lập tức có những hành động cảnh báo cho hai doanh nghiệp trong cuộc sáp nhập này. Trong trường hợp sau sáp nhập giá cước Grab tăng hay các giao ước độc quyền giữa các doanh nghiệp lớn tạo ra thao túng giá dịch vụ và hàng hóa, Bộ Nội vụ Malaysia sẽ có những hành động cụ thể căn cứ theo Luật cạnh tranh 2010.

Còn phía Việt Nam, sau văn bản hôm 27-3 từ Cục quản lý cạnh tranh yêu cầu Grab báo cáo và chuyển giao hồ sơ về vụ việc, hiện vẫn chưa có những động thái tiếp theo. Lý do được Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra là hết ngày 3-4 mới hết thời hạn mà Grab phải báo cáo.

Tuy nhiên, các chuyên gia có nhiều năm xét xử các vụ việc liên quan đến cạnh tranh và độc quyền trên thị trường cho rằng, ngay cả khi chưa hết thời hạn Grab phải báo cáo, Cục Quản lý cạnh tranh hoặc Hội đồng Cạnh tranh quốc gia (cơ quan tố tụng cạnh tranh độc lập của Chính phủ, chuyên xét xử, giải quyết khiếu nại liên quan đến các vụ việc hạn chế cạnh tranh) có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính tương tự như CCS áp dụng. Vì theo Điều 61 của Luật Cạnh tranh thì một trong hai cơ quan có quyền quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hành chính khi chưa chuyển hồ sơ vụ việc cho Hội đồng Cạnh tranh xử lý, nếu xét thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm hành vi cạnh tranh.

Cũng tương tự như Luật Cạnh tranh của Singapore, Luật Cạnh tranh Việt Nam cũng cho phép Grab và Uber chứng minh việc không vi phạm các quy định của luật để được rút lại quyết định ngăn chặn hành chính (nếu có). Trường hợp áp dụng sai, các doanh nghiệp có thể khởi kiện yêu cầu cơ quan quản lý bồi thường thiệt hại.

Mời xem thêm:

Luật Cạnh tranh và thương vụ Grab-Uber

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới