Ngăn chặn hoạt động giả mạo giấy tờ xuất nhập cảnh trái phép
Diệp Yến
(TBKTSG Online) – Đây là một nội dung trong Dự thảo Tổng kết công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong 10 năm (2007-2017) đã được Bộ Công an đưa ra nhằm lấy ý kiến để chuẩn bị cho dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
![]() |
Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh Đào Loan. |
Theo dự thảo, xu hướng công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, công tác ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước (năm 2007 có 1,9 triệu lượt; năm 2008 có 2,6 triệu lượt; năm 2010 có 3,2 triệu lượt; năm 2013 có 6,1 triệu lượt; năm 2016 có 7,7 triệu lượt công dân Việt Nam xuất cảnh) đã tác động, ảnh hưởng đến công tác quản lý xuất nhập cảnh, đòi hỏi phải không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt với công tác kiểm soát xuất cảnh.
Nhiều đối tượng đã làm giấy tờ giả để hợp thức hóa giấy tờ xuất nhập cảnh vào nước ta, cụ thể Bộ Công an đã phát hiện xử lý 2671 vụ với 3237 đối tượng vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, phạt tiền là 7.3 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra, xử lý 161 vụ/ 557 người (trong đó, có 512 vụ/ 525 đối tượng giả mạo hồ sơ để xin cấp hộ chiếu; 230 vụ/ 244 đối tượng sử dụng hộ chiếu giả, thị thực giả; 140/ 146 đối tượng sử dụng hộ chiếu người khác; 68 vụ/ 141 đối tượng khai không đúng sự thật để cấp hộ chiếu; 383 vụ/ 469 đối tượng vi phạm khác;…).
Trước tình hình còn nhiều bất cập hiện nay, Dự thảo Tổng kết công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong 10 năm (2007-2017) sẽ là những tiền đề quan trọng để chính phủ xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, từ đó góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, tạo đà cho nền kinh tế phát triển.
Mời bạn đọc dự thảo tại đây