Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng “chạy đua” mở quỹ tiết kiệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng “chạy đua” mở quỹ tiết kiệm

Thủy Triều

Quỹ tiết kiệm đầu tiên của Maritime Bank tại TPHCM khai trương ngày 1-6 vừa rồi. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Trong gần hai tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng đã liên tiếp khai trương các quỹ tiết kiệm, là nơi chỉ có chức năng nhận tiền gửi và không có chức năng cho vay.

Trong bối cảnh xin phép mở chi nhánh và phòng giao dịch khó khăn như hiện nay, đây được xem là một cách dễ nhất để ngân hàng mở rộng mạng lưới của mình.

Quỹ tiết kiệm hiện nay chỉ được phép thực hiện các chức năng là huy động tiền gửi tiết kiệm, phát hành và chiết khấu giấy tờ có giá do chính ngân hàng thương mại phát hành, và làm dịch vụ đại lý chi trả kiều hối, và dịch vụ chuyển tiền trong nước.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ngày 5-7 đã dời trụ sở về địa điểm khác trong thành phố và trụ sở cũ tại đường Trần Hưng Đạo đã được chuyển thành quỹ tiết kiệm. Trước đó, ngày 26-6, Techcombank đã khai trương quỹ tiết kiệm An Dương Vương tại An Đông Plaza, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa chỉ trong tháng 5 và 6 đã khai trương bốn quỹ tiết kiệm tại TPHCM. Đầu tháng 6, Maritime Bank cũng đã khai trương quỹ tiết kiệm đầu tiên tại TPHCM.

Mặc dù quỹ tiết kiệm không thực hiện chức năng cho vay, nhưng nếu khách hàng muốn, nơi đây sẽ chuyển hồ sơ sang phòng giao dịch khác của ngân hàng, như vậy cũng thỏa mãn được việc tăng cường sự hiện diện của ngân hàng trong thành phố.

Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng có trụ sở phía Bắc cho biết nhiều ngân hàng do không được xét mở thêm chi nhánh và phòng giao dịch nên đã chuyển sang mở phòng giao dịch, sau này đủ điều kiện sẽ nâng cấp các quỹ tiết kiệm lên thành phòng giao dịch rồi chi nhánh. Một quan chức Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng cho biết do xin phép mở phòng giao dịch khó nên các ngân hàng đã chuyển sang mở quỹ tiết kiệm.

Vì thực hiện ít nghiệp vụ nên điều kiện để xin phép mở một quỹ tiết kiệm dễ hơn mở chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, là nơi mà vốn huy động vốn của các ngân hàng dồi dào hơn ở các tỉnh khác.

Vị quan chức trên cũng cho biết gần đây Ngân hàng Nhà nước đã siết lại việc mở rộng mạng lưới của các ngân hàng, những ngân hàng nào đã mở nhiều chi nhánh tại TPHCM và Hà Nội rồi thì sẽ không được mở nữa, những ngân hàng nào chưa có chi nhánh tại hai thành phố lớn nay sẽ được xem xét cho phép mở chi nhánh. Việc mở phòng giao dịch cũng đang bị hạn chế do Ngân hàng Nhà Nước đang nghiên cứu thông tư mới quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại với những điều kiện khắt khe hơn.

Để mở quỹ tiết kiệm, các ngân hàng chỉ cần đăng ký và được sự xác nhận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt quỹ tiết kiệm của ngân hàng. Theo vị trên, việc mở hai loại văn phòng trên chỉ cần thỏa mãn một số tiêu chí như phải có ít nhất một năm hoạt động, thỏa mãn tiêu chí về quản trị rủi to, về nợ quá hạn, tỷ lệ an toàn vốn, nhân sự, và không bị xử phạt hành chính trong vòng một năm gần nhất. Ông cũng cho biết một ngân hàng không bị giới hạn về số lượng quỹ tiết kiệm được mở tại một thành phố.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc các ngân hàng mở hàng loạt quỹ tiết kiệm cũng không tạo ra rủi ro lớn, chỉ cần ngân hàng đảm bảo các yếu tố quản trị rủi ro.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Hiệp hội ngân hàng đăng trên trang web của hiệp hội thì việc “bùng nổ” mở rộng mạng lưới giao dịch của các ngân hàng trong hai năm vừa qua, ngoài ý nghĩa tích cực thì cũng có vấn đề nảy sinh, đặc biệt là tình trạng một số khu vực có mật độ các ngân hàng quá dầy dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu hút khách hàng, cạnh tranh thị phần bằng cách nâng cao lãi suất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới