Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng chạy đua tăng vốn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng chạy đua tăng vốn

Thủy Triều

Khách hàng giao dịch tại hội sở Sacombank, ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 6.700 tỉ đồng lên 9.179 tỉ đồng trong năm nay. Ảnh: Hoài Nam.

(TBKTSG) – Mùa đại hội cổ đông đang diễn ra, đến hẹn lại lên các ngân hàng đồng loạt trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ trong năm nay. Với ngân hàng lớn thì áp lực phải tăng vốn là không lớn nhưng với các ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ chỉ ở quanh mức 1.000 tỉ đồng, lại là một gánh nặng khá lớn vì đến cuối năm nay các ngân hàng này phải đảm bảo mức vốn 3.000 tỉ đồng theo quy định của Chính phủ.

Ngân hàng lớn: tăng vốn để củng cố hoạt động

Những ngân hàng lớn có tiềm lực tài chính khá tốt như Sacombank, ACB, Techcombank… cũng như các ngân hàng có vốn điều lệ đã đạt quy định vẫn muốn tiếp tục tăng vốn điều lệ trong năm nay để tăng cường nội lực cũng như hỗ trợ việc mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Ngân hàng Sacombank hiện có mức vốn điều lệ là 6.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo hội đồng quản trị ngân hàng này thì mức vốn chủ sở hữu hiện tại của ngân hàng cũng còn khiêm tốn so với các ngân hàng bạn, nhất là trong giai đoạn đang đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh và mở cửa cho các ngân hàng nước ngoài vào. Do vậy, việc tăng vốn điều lệ theo kịp đà tăng trưởng của Sacombank là một đòi hỏi cấp thiết, đại diện Sacombank cho biết.

Vì thế, Sacombank đưa ra kế hoạch tăng vốn khá mạnh từ 6.700 tỉ lên 9.179 tỉ đồng trong năm nay, trong đó gồm có trả cổ tức cho cổ đông 15% bằng cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu tỷ lệ 10:2 cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phần, và phát hành thêm 2% cổ phần cho cán bộ ngân hàng.

Cũng có kế hoạch tăng vốn mạnh không kém Sacombank, ACB dự kiến trình đại hội cổ đông kế hoạch tăng thêm 1.563 tỉ đồng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 5:1 cho cổ đông hiện hữu. Các ngân hàng khác như Techcombank và Đông Á đều có kế hoạch tăng thêm từ 1.000-2.500 tỉ đồng vốn điều lệ trong năm nay.

Do đây là các ngân hàng đã niêm yết cũng như là những ngân hàng cổ phần hàng đầu nên việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn giá trị sổ sách cũng được xem là khả thi vì cổ đông không muốn có thể đem lên sàn để bán. Vì vậy, hầu hết các phương án phát hành thêm của những ngân hàng này đều không bị cổ đông chất vấn quá nhiều.

Ngân hàng nhỏ: xoay đủ cách

Các cổ đông nhỏ chắc chắn sẽ phải cân nhắc vấn đề lợi nhuận là nên bỏ thêm tiền vào cho các ngân hàng nâng vốn điều lệ hay chỉ đơn giản mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn đang niêm yết trên sàn với giá không quá cao, lại cũng có thể được mua thêm cổ phiếu phát hành thêm trong năm nay.

Trong khi đó, việc phát hành thêm cổ phần để đạt mức vốn điều lệ theo quy định là 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay lại là vấn đề khá căng thẳng của những ngân hàng nhỏ. Để có thể thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo các ngân hàng này phải thuyết phục được các cổ đông tổ chức lớn tiếp tục bỏ thêm tiền vào, sau đó là thuyết phục các cổ đông nhỏ lẻ trong đại hội cổ đông chấp thuận phương án phát hành thêm của mình.

Nhưng các cổ đông nhỏ chắc chắn sẽ phải cân nhắc vấn đề lợi nhuận là nên bỏ thêm tiền vào cho các ngân hàng nâng vốn điều lệ hay chỉ đơn giản mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn đang niêm yết trên sàn với giá không quá cao, lại cũng có thể được mua thêm cổ phiếu phát hành thêm trong năm nay. Chỉ những cổ đông nhỏ nào tâm huyết với ngân hàng nhỏ thì có thể tiếp tục bỏ vốn đầu tư vào ngân hàng này.

Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín, cho biết ban lãnh đạo ngân hàng cần phải cho cổ đông biết rõ ngân hàng đang trong quá trình xây dựng cơ bản, tích lũy vì thế cổ đông không thể đòi hỏi có lãi lớn để chia ngay trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng cũng sẽ không để cổ đông phải chịu đựng thiệt thòi quá mức mà ít nhất cũng phải duy trì mức cổ tức bằng lợi tức gửi tiết kiệm. “Đầu tư giai đoạn này là mua sự kỳ vọng, vì thế cần cho đối tác lẫn các cổ đông thấy được tiềm năng của ngân hàng trong tương lai”, ông Toàn nói.

Đại Tín vừa tăng vốn từ 1.252 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng vào ngày 19-3, và theo kế hoạch sẽ tiếp tục phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu để đạt mức vốn 3.000 tỉ đồng vào cuối năm.

Không tự tin như ông Toàn, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ vừa tăng lên 1.800 tỉ cho biết ngân hàng đang tích cực đàm phán với đối tác nước ngoài để bán cổ phần và tăng vốn điều lệ cho đủ mức vốn pháp định vào cuối năm. “Phải tìm cổ đông nước ngoài chứ chỉ trong nước không thì khó tăng nổi, nhất là khi cổ phiếu các ngân hàng không còn hấp dẫn nữa”, ông nói.

Lãnh đạo một ngân hàng khác thì cho biết tìm cổ đông tổ chức trong nước chịu mua thêm cổ phiếu ngân hàng với giá bằng mệnh giá không khó, nhưng để tìm đối tác hợp ý, cùng chí hướng để đảm bảo cho ngân hàng phát triển ổn định lâu dài thì không phải dễ.

Theo phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), việc mua thêm cổ phiếu của các ngân hàng phát hành thêm sẽ không có lợi cho nhà đầu tư trong thời gian trước mắt. “Việc các ngân hàng nhỏ tăng vốn trong năm nay sẽ có ảnh hưởng đến cổ đông do vốn bị pha loãng quá mạnh”, công ty này nhận định.

Trong khi vốn điều lệ của nhiều ngân hàng nhỏ tăng hơn hai lần, lợi nhuận của các ngân hàng này khó theo kịp với triển vọng khó khăn của nền kinh tế như năm nay. Tác động pha loãng là hiển hiện trước mắt chưa kể liệu các cổ đông nhỏ có đủ vốn để tham gia vào cuộc chơi đóng tiếp phần vốn vào ngân hàng.

Theo TCSC, việc chọn lựa góp vốn vào ngân hàng nhỏ theo mệnh giá cần phải xem xét thêm vấn đề là giá một số cổ phiếu của một số ngân hàng hiện đang ở thấp hơn so với mệnh giá. Do đó, việc góp vốn sẽ thiệt thòi. Hoặc giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng nhỏ hiện nay chỉ cao hơn đôi chút so với mệnh giá nên việc tăng vốn mạnh có thể khiến cho nhà đầu tư đánh giá lại cổ phiếu và giá sau này có thể về dưới 10.000 đồng.

Trong khi đó nếu nhà đầu tư mua các cổ phiếu lớn trên sàn sẽ khó gặp phải rủi ro pha loãng cổ phiếu quá lớn vì tất cả các cổ phiếu ngân hàng niêm yết đều có vốn điều lệ trên 3.000 tỉ đồng trong khi các ngân hàng nhỏ lại có mức tăng vốn quá lớn khiến mức độ pha loãng cao, lợi nhuận khó tăng trưởng kịp và không hấp dẫn, TCSC cho biết.

– Trong tổng số 39 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động, có tới 24 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 3.000 tỉ đồng, trong đó có 15 ngân hàng có số vốn dưới 2.000 tỉ đồng và 8 ngân hàng có số vốn đúng 1.000 tỉ đồng.

– Được biết, hiện có không dưới 10 ngân hàng đã chính thức thông báo kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm nay, trong số đó hơn phân nửa là các ngân hàng có vốn điều lệ cho tới thời điểm này là dưới 3.000 tỉ đồng.

– Chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa các ngân hàng phải đạt mức vốn điều lệ tối thiểu trên 3.000 tỉ đồng theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22-11-2006.

– Theo quy định của Nghị định 141, trường hợp tổ chức tín dụng có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp thấp hơn mức vốn pháp định tương ứng đối với từng loại hình tổ chức tín dụng quy định cho từng thời kỳ, Chính phủ giao NHNN quyết định xử lý đối với các ngân hàng này, kể cả việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động. Mới đây, NHNN cũng đã chính thức ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.

Nguyễn Quân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới