Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng có thể làm gì để xử lý nợ xấu tương lai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng có thể làm gì để xử lý nợ xấu tương lai

Thụy Lê

LTS: Do có sự nhầm lẫn nên trong bài “Ngân hàng có thể làm gì để xử lý nợ xấu tương lai” đăng trên bản in TBKTSG số ra ngày 24-9-2020 có một đoạn chưa chính xác :“Hơn 271.000 khách hàng với dự nợ hơn 1,18 triệu tỉ đồng là con số đã được các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại nợ tính đến ngày 14-9-2020, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Đây là con số không hề nhỏ, xấp xỉ 14% tổng dư nợ toàn ngành”.

TBKTSG xin được sửa lại nội dung đoạn trên như sau: "Hơn 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng là con số đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tính đến ngày 14-9-2020, chiếm xấp xỉ 3,7% tổng dư nợ của toàn ngành; bên cạnh 1,18 triệu tỉ đồng đã được miễn, giảm, hạ lãi suất”.

Trong bản đăng trên TBKTSG Online, thông tin trên đã được chỉnh sửa cho đúng.

TBKTSG xin được đính chính và xin chân thành cáo lỗi cùng độc giả và Ngân hàng Nhà nước.

 

(TBKTSG) – Khi các khoản nợ xấu cũ còn chưa xử lý xong, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về 3% theo Đề án Tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 chưa chắc về đích kịp, thì có nguy cơ nợ xấu mới xuất hiện “dồn dập” do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vậy các ngân hàng có thể làm gì để đối mặt với những thách thức này?

 

Ngân hàng có thể làm gì để xử lý nợ xấu tương lai
Ngân hàng cần tiến hành phân loại, chọn lọc kỹ càng, theo đó với những khách hàng có cơ hội phục hồi thì có thể hỗ trợ thêm vốn để họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, mở đường cho khả năng thu hồi lại các khoản vay trong tương lai. Ảnh minh họa: Hùng Lê

 

Hơn 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng là con số đã được các TCTD cơ cấu lại tính đến ngày 14-9- 2020, chiếm xấp xỉ 3,7% tổng dư nợ của toàn ngành; bên cạnh 1,18 triệu tỉ đồng đã được miễn, giảm, hạ lãi suất. Trước nguy cơ nợ xấu có thể tăng vọt trong thời gian tới nếu các khoản nợ tái cơ cấu này không xử lý kịp như mục tiêu đề ra, NHNN mới đây đã yêu cầu các TCTD có biện pháp hiệu quả xử lý nợ xấu và ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Tái cơ cấu và giải pháp riêng biệt cho từng đối tượng

Trước mắt, các ngân hàng chỉ có thể tiếp tục tái cơ cấu, miễn giảm lãi cho các khách hàng gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, theo như yêu cầu của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Nhưng ngày 18-9, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính có ý kiến thống nhất với NHNN về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài sự hỗ trợ hơn và mở rộng đối tượng.

Tuy nhiên, cần biết rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời để giúp các ngân hàng tránh áp lực nợ xấu tăng vọt, có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng. Về dài hạn, không ít trong số những khoản vay này nếu không xử lý được sẽ tất yếu chuyển thành nợ xấu.

Với những khách hàng có cơ hội phục hồi thì có thể hỗ trợ thêm vốn để họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, mở đường cho khả năng thu hồi lại các khoản vay trong tương lai. Còn với những khách hàng đã “hết thuốc chữa”, ngay cả khi nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch, các ngân hàng cần xử lý càng nhanh càng tốt.

Song, một điểm tích cực là không như nợ xấu phát sinh giai đoạn trước – đến từ thị trường nhà đất, các dự án bất động sản bị thổi phồng giá trị – các khoản vay tiềm ẩn thành nợ xấu hiện nay là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó chủ yếu ở các khách hàng có hoạt động sản xuất, thương mại thực chất, với tài sản bảo đảm là nhà xưởng, hàng hóa.

Nếu như các khoản cho vay bất động sản trước đây thường có rủi ro là định giá tài sản bảo đảm vượt quá giá trị thực, dẫn đến khi xử lý rất khó khăn do giá trị tài sản đã rớt giá sâu hoặc thực tế không đủ so với giá trị khoản vay gốc, thậm chí thiếu cơ sở pháp lý, khiến ngân hàng mất vốn, thì các tài sản bảo đảm là nhà xưởng, hàng hóa có giá trị định giá sát thực tế hơn. Những tài sản này cũng có thể dễ xử lý hơn khi có thể tìm đối tác, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại quan tâm để bán lại.

Với chức năng là trung gian thanh toán và tín dụng, các ngân hàng có một cơ sở khách hàng dồi dào, cũng như các mối quan hệ khá rộng nên có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà muốn thoát ra khỏi ngành, bằng cách giới thiệu với những khách hàng, đối tác khác đang muốn mua lại, thâu tóm, mở rộng sang các mảng kinh doanh mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay không ít doanh nghiệp đang tận dụng thời cơ để tìm kiếm các thương vụ thâu tóm và sáp nhập. Giải pháp này vừa giúp khách hàng vượt qua khó khăn mà cũng giúp chính ngân hàng thu được nợ.

Cũng cần lưu ý, khó khăn của những doanh nghiệp này là về dòng tiền trong ngắn hạn, khi nguồn thu bị suy giảm vì đứt gãy chuỗi cung ứng, sức cầu tiêu dùng suy yếu, chứ tài sản thực tế vẫn còn. Vì vậy mới có những lo ngại khả năng không ít doanh nghiệp có thể chết trên đống tài sản, khi mất thanh khoản tạm thời. Còn nếu có thể vượt qua khó khăn trước mắt thì các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội sống sót và phục hồi trở lại trong tương lai.

Do đó, ngân hàng cũng cần tiến hành phân loại, chọn lọc kỹ càng, theo đó với những khách hàng có cơ hội phục hồi thì có thể hỗ trợ thêm vốn để họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, mở đường cho khả năng thu hồi lại các khoản vay trong tương lai. Còn với những khách hàng đã “hết thuốc chữa”, ngay cả khi nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch, các ngân hàng cần xử lý càng nhanh càng tốt. Nếu không, trong tương lai, khi nợ xấu toàn ngành phát sinh lớn sẽ khiến việc xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn, do các tài sản bảo đảm bị thi nhau đem bán sẽ đẩy giá thị trường rớt xuống, nhất là bất động sản. 

Tăng cường nội lực, chuyển dịch cho vay và bán nợ xấu

Với các khoản nợ tái cơ cấu chưa thể xử lý được hoặc cần phải mất nhiều thời gian hơn và có thể sẽ chuyển thành nợ xấu, nhưng tài sản bảo đảm vẫn đủ đảm bảo giá trị khoản vay, ngân hàng vẫn còn giải pháp bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo giá thị trường để lấy tiền mặt, hoặc bán theo hình thức lấy trái phiếu đặc biệt trong thời gian tới, nhằm đẩy bớt nợ xấu ra khỏi nội bảng. Trong trường hợp các khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh, các ngân hàng cần sớm hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để đủ điều kiện rao bán các tài sản này cho VAMC hoặc các đối tác khác.

Đối với các khoản nợ tái cơ cấu, nợ có vấn đề nhưng ngân hàng đánh giá sẽ có khả năng thu hồi được hoặc tài sản bảo đảm vẫn đủ để bù đắp cho khoản vay, NHNN có thể tạo cơ chế cho các ngân hàng đóng gói các khoản vay này và chứng khoán hóa để bán cho các nhà đầu tư quan tâm, những tổ chức có đủ khả năng phân tích và định giá. Giải pháp này vừa giúp các ngân hàng giải quyết vấn đề thanh khoản bị mắc kẹt tạm thời ở những khoản nợ xấu này, vừa cung cấp thêm một sản phẩm đầu tư đảm bảo lợi nhuận/rủi ro phù hợp cho thị trường, do đó nếu cần thiết sẽ phải yêu cầu có một tổ chức thứ 3 xếp hạng các chứng khoán hóa này.

Điều quan trọng hơn là các ngân hàng phải sớm cùng nhau và phối hợp với các cơ quan quản lý để xây dựng một thị trường mua bán nợ, tài sản hoàn chỉnh, công khai, minh bạch, thuận lợi, mới mong thu hút nhiều tổ chức nội địa cũng như quốc tế tham gia. Khi đối tượng đa dạng hơn với nguồn lực tài chính dồi dào hơn, sẽ giúp mở đường cho việc xử lý các khoản nợ có vấn đề, các tài sản bảo đảm nhanh hơn với giá cạnh tranh hơn.

Với những điểm nghẽn về thủ tục pháp lý trong quá trình xử lý, chuyển nhượng tài sản bảo đảm, khiến các ngân hàng dù nhiều lần hạ giá bán nhưng vẫn không có mấy nhà đầu tư quan tâm, thì cần sớm tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy thị trường mua bán nợ.

Trước những rủi ro của nền kinh tế nói chung và các ngành nghề nói riêng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngân hàng cũng phải xem xét chuyển dịch định hướng cho vay, hướng vào những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhất hoặc thậm chí còn được hưởng lợi từ dịch bệnh, để tránh phát sinh thêm nợ xấu.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là nếu dịch bệnh qua nhanh trong thời gian tới, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, xu hướng phát triển của các lĩnh vực có thể đảo chiều, do đó nếu quá tập trung vào một ngành nghề nhất định sẽ gặp rủi ro khi ngành nghề đó đi xuống trở lại.

Điều quan trọng nữa là các ngân hàng vẫn phải song song tăng vốn điều lệ, vốn tự có để tăng cường nội lực tài chính, đảm bảo có đủ nguồn lực cần thiết để xử lý nợ xấu, tăng khả năng trích lập dự phòng rủi ro. Trong ba năm trở lại đây, hàng loạt ngân hàng đã lên sàn chứng khoán, tăng vốn điều lệ mạnh mẽ cũng như đua nhau phát hành các trái phiếu dài hạn cũng như trái phiếu quốc tế, do đó các hệ số an toàn đã cải thiện đáng kể và vượt mức yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, xu thế này cần phải được tiếp tục trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới