(KTSG Online) – Giá cổ của Deutsche Bank (DB), ngân hàng lớn nhất nước Đức, lao dốc trong phiên giao dịch hôm 24-3, kéo theo đà giảm giá cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng lớn ở châu Âu. Cổ phiếu DB bị bán tháo sau khi chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ trái phiếu của DB tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 năm, phản ánh mối lo của giới đầu tư đối với sức khỏe tài chính của ngân hàng này.
- UBS mua Credit Suisse với giá hơn 3 tỉ đô la trong thương vụ giải cứu lịch sử
- Tập đoàn Trung Quốc thành cổ đông lớn nhất của Deutsche Bank
Cổ phiếu DB niêm yết ở sàn chứng khoán Frankfurt của Đức có lúc giảm đến 14% trong phiên nhưng sau đó thu hẹp mức giảm còn 8,5 % vào cuối phiên. Cổ phiếu DB đã giảm 3 phiên liên tiếp, mất hơn 1/5 giá trị từ đầu tháng đến nay. Các ngân hàng lớn khác ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng với giá cổ phiếu của Credit Suisse, Societe Generale UBS, Barclays và BNP Paribas đều giảm từ 6-7%.
Động thái dàn xếp khẩn cấp của chính phủ Thụy Sĩ để hỗ trợ UBS sáp nhập đối thủ yếu kém Credit Suisse, sau cú sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVN) ở Mỹ, đã gây ra mối lo ngại khủng hoảng lây lan. Quyết định tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này càng khiến giới đầu tư thêm bất an.
Chi phí các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của DB, một hình thức bảo hiểm rủi ro vỡ nợ cho các trái chủ, tăng vọt lên mức trên 220 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ cuối năm 2018, từ mức chỉ 142 điểm cơ bản cách đây hai ngày, theo dữ liệu của S&P Market Intelligence.
Các nhà quản lý và ngân hàng trung ương ở Thụy Sĩ và Mỹ hy vọng thương vụ USB-Credit Suisse sẽ giúp trấn an trường, nhưng giới đầu tư vẫn không tin rằng thỏa thuận này sẽ đủ để ngăn chặn căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng.
Trái phiếu bổ sung cấp một (AT1) của Deutsche Bank cũng bị bán tháo trong phiên giao dịch hôm qua. Trái phiếu AT1 trở thành tâm điểm chú ý trong tuần này sau khi giới chức trách Thụy Sĩ xóa bỏ hơn 17 tỉ đô la giá trị phiếu AT1 của Credit Suisse một phần của thỏa thuận giải cứu ngân hàng này.
Nhà phân tích Chris Beauchamp của IG Group nói: “Chúng ta vẫn đang chờ đợi một quân bài domino khác đổ xuống, và DB rõ ràng là đứng ở vị trí sụp đổ tiếp theo trong tâm trí của mọi người dù điều có hợp lý hay không”
Năm 2017, DB đồng ý trả khoản tiền phạt 7,2 tỉ đô la cho chính phủ Mỹ vì “các hoạt động cho vay vô trách nhiệm” trong năm 2006 và 2007, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm sau đó. Tuy nhiên, DB đã báo lãi 10 quý liên tiếp, sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu trị giá hàng tỉ euro bắt đầu vào năm 2019, với mục đích giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. DB ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỉ euro trong năm 2022, tăng 159% so với năm trước.
Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 (CET1) của DB, thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng, ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ bao phủ thanh khoản (LCR ) là 142% và tỷ lệ quỹ ổn định ròng (NSFR) là 119%. Những con số này không báo hiệu bất kỳ lý do nào gây lo ngại về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của DB.
LCR là tỷ lệ tài sản thanh khoản chất lượng cao của một tổ chức tài chính để bảo đảm các nghĩa vụ nợ ngắn hạn.
Phát biểu trấn an giới đầu tư trong một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh DB đã tái cơ cấu và hiện đại hóa mô hình kinh doanh một cách triệt để và là một ngân hàng có lợi nhuận cao.
Đà giảm của cổ phiếu ngân hàng châu Âu thu hẹp sau khi Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde khẳng định ngành ngân hàng của khu vực sử dụng đồng euro có sức chống chịu khủng hoảng tót nhờ nguồn vốn và vị thế thanh khoản mạnh mẽ và những cải cách vào năm 2008. Bà cũng cho biết các công cụ của ECB sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho thị trường tài chính nếu cần thiết.
Các cơ quan quản lý tài chính và chính phủ ở Mỹ và châu Âu đã có những hành động trong những tuần gần đây để ngăn chặn nguy cơ lây lan từ các vấn đề ở một số ngân hàng riêng lẻ. Hãng xếp hạng tín dụng quốc đế Moody’s nhận định nỗ lực của họ được kỳ vọng sẽ thành công.
“Tuy nhiên, trong một môi trường kinh tế không chắc chắn và niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn mong manh, có nguy cơ các nhà hoạch định chính sách không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hiện tại mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng”, báo cáo của Moody’s nhận định.
Báo cáo cho biết ngay cả khi căng thẳng ngân hàng trở nên rõ ràng, Moody’s đã dự đoán các điều kiện tín dụng toàn cầu sẽ tiếp tục suy yếu vào năm 2023 do lãi suất cao hơn đáng kể và tăng trưởng thấp hơn, bao gồm suy thoái kinh tế ở một số nước
Theo CNBC