Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng máu lớn nhất nước đi vào hoạt động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng máu lớn nhất nước đi vào hoạt động

Thu Hiền

Những người hiến máu đầu tiên tại ngân hàng máu vừa được khánh thành hôm 2-2. Ảnh: Thu Hiền

(TBKTSG Online) – Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM, hôm 2-2 đã khánh thành dự án xây dựng ngân hàng máu của thành phố trị giá gần 100 tỉ đồng, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị các bệnh lý về máu.

Đây là ngân hàng máu có quy mô lớn nhất nước so với 3 ngân hàng máu tại Hà Nội, Cần Thơ và Huế. Dự án này được phê duyệt từ năm 2003 với nguồn kinh phí từ trung ương và ngân sách thành phố nhằm phục vụ cho công tác điều trị bệnh lý máu, cung cấp lượng máu dự trữ cho TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tổng đầu tư cho các thiết bị y tế là 56 tỉ đồng.

Ngân hàng máu mới xây dựng có trang thiết bị hiện đại đáp ứng việc thu thập, điều chế và sàng lọc các bệnh lây qua đường máu; lưu trữ, bảo quản và phân phối các sàn phẩm máu với công suất 300.000 đơn vị máu mỗi năm.

Ngân hàng máu này cũng được trang bị hệ thống bất hoạt virus bảo đảm sản phẩm máu an toàn và có hệ thống trữ cầu đông lạnh các nhóm máu hiếm với thời gian bảo quản kéo dài hàng chục năm.

Cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, ngân hàng này còn có khu xét nghiệm huyết học miễn dịch, sinh học phân tử, di truyền tế bào và xét nghiệm huyết thống nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và điều trị.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM, cho biết từ năm 2003 đến nay, bệnh viện đã cử các bác sĩ, chuyên gia y tế đi đào tạo tại Mỹ, Singapore, Bỉ và Pháp để chuẩn bị nhân lực cho ngân hàng máu này hoạt động.

“Mục tiêu của bệnh viện là trong năm 2010 sẽ xây dựng ngân hàng máu đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) của Tổ chức Y tế thế giới nhằm đưa ra các sản phẩm máu an toàn,” ông Bỉnh nói.

Ngoài ngân hàng máu, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học đã xây dựng ngân hàng máu cuống rốn từ năm 2002, có thể bảo quản được 10.000 mẫu cuống rốn mỗi năm.

* Thông tin từ Cục Khám chữa bệnh của Bộ Y tế cho hay năm 2009, tổng số máu hiến tự nguyện là 177.916 lít, tức bằng 632.902 đơn vị máu, trong đó, TPHCM là địa phương có số máu hiến tự nguyện lớn nhất với trên 204.000 đơn vị máu.

Dự kiến năm 2010, lượng máu hiến sẽ đạt 700.000 đơn vị và đến năm 2015, với dân số cả nước đạt 100 triệu, sẽ có hơn 1 triệu đơn vị máu hiến và có khoảng 1% dân số tham gia vào công tác hiến máu nhân đạo. Mỗi ngày,Việt Nam cần 4.500 đơn vị máu để phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhưng khả năng cung cấp chỉ khoảng 50-60% so với yêu cầu.

Lượng máu có được phục vụ cho công tác điều trị là do người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu, còn lượng máu do người tình nguyện hiến máu rất hạn chế. Thực trạng này đang khiến cho công tác điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn.         

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới