Ngân hàng Mỹ thời “stress”
Hồ Quốc Tuấn (*)
![]() |
Citigroup đã có lời lần đầu tiên trong sáu quý liên tiếp. |
(TBKTSG) – Các số liệu lợi nhuận quí 1 của nhiều ngân hàng Mỹ công bố gần đây tốt hơn khá nhiều so với dự đoán của các chuyên gia phân tích. Bank of America lời 4,2 tỉ đô la Mỹ, Citigroup lần đầu tiên có lời trong sáu quí liên tiếp, và Wells Fargo lời 3,05 tỉ đô la Mỹ. Một số ngân hàng khác, bao gồm JP Morgan cũng có những khoản lợi nhuận tốt hơn dự kiến.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà nói rằng hệ thống ngân hàng của Mỹ đang trong thời kỳ “thoải mái”. Thật sự, đây là một thời kỳ “stress”.
Stress do “lỗ bị chỉ trích, lời cũng không yên”
Các đây mấy quí, khi mà các ngân hàng liên tục công bố sụt giảm doanh thu, thua lỗ và phải đề nghị sáp nhập hoặc nộp đơn xin phá sản, thì hệ thống ngân hàng Mỹ, từ ngân hàng thương mại tới ngân hàng đầu tư, bị chỉ trích là kẻ tội đồ “đốt nhà”, gây ra khủng hoảng. Và báo chí càng chỉ trích dữ dội khi những kẻ “đốt nhà” lại “được thưởng” bằng kế hoạch bảo trợ để duy trì thanh khoản bằng tiền thuế của dân Mỹ.
Bây giờ khi nhiều ngân hàng bắt đầu có lời, họ cũng không yên. Người ta dễ dàng chỉ ra nhiều yếu tố khiến các ngân hàng có mức lời tốt hơn dự đoán.
Đầu tiên, người ta cho rằng việc Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB) của Mỹ điều chỉnh các quy định về kế toán theo giá trị thị trường đã khiến các ngân hàng có thể điều chỉnh giá trị một số tài sản của họ theo một con số bất kỳ, miễn là họ có thể tuyên bố được là họ có những giả định hợp lý trong việc lựa chọn cách định giá.
Từ đó, ngân hàng muốn biến lời thành lỗ có khó gì. Thật ra, xét cho kỹ, việc FASB điều chỉnh luật cũng xuất phát từ sức ép của giới chính trị gia cho rằng phương thức hạch toán của FASB đã làm trầm trọng khủng hoảng và góp phần buộc các ngân hàng bán tống, bán tháo một số loại tài sản tài chính trên một thị trường không thanh khoản để làm đẹp bảng cân đối.
![]() |
Bây giờ khi các chuẩn mực kế toán được điều chỉnh, người ta lại vin vào đó mà nghi ngờ số liệu lợi nhuận của ngân hàng. Tính ra, các ngân hàng là khổ sở nhất vì FASB nới lỏng hay thắt chặt luật kế toán theo giá trị thị trường thì họ cũng “không yên”. Thắt chặt thì một số tài sản tự nhiên “bay hơi” vì thị trường không có thanh khoản khiến giá trị tài sản đó quá thấp so với mức chấp nhận được, còn nới lỏng thì người ta nghi ngờ “anh thổi phồng lợi nhuận chứ gì?”.
Điểm thứ hai, một số nhà kinh tế chỉ trích các ngân hàng đã được hỗ trợ quá nhiều, nào là giảm lãi suất vay ngắn hạn của FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ), cho mượn tiền ngắn hạn hỗ trợ thanh khoản, được chính phủ rót thêm tiền… Những chính sách này đã tạo ra những khoảng hở chênh lệch có thể dự đoán trong lãi suất mà một số ngân hàng có thể kiếm lời từ hoạt động đầu tư, kinh doanh ăn chênh lệch (như JP Morgan chẳng hạn) hoặc hưởng lợi từ việc tái tài trợ các khoản vay bất động sản (như Wells Fargo).
Ngoài ra, FED còn tăng thêm tiền lãi trả cho các khoản dự trữ dôi dư được duy trì bởi các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi (nghĩa là chi phí cơ hội các khoản dự trữ dôi dư này cũng giảm).
Chi phí giảm, có thêm vốn, được hỗ trợ bởi chính phủ, các ngân hàng tất nhiên phải làm ăn khá hơn. Ngoài ra, cũng còn nhiều nhà phân tích chỉ ra nhiều ngân hàng công bố lời là vì đối thủ của họ ở một số phân khúc thị trường đã… phá sản (ví dụ mảng kinh doanh chứng khoán có thu nhập cố định, thì những mảng thị trường liên quan tới các tài sản xuất phát từ cho vay mua nhà chắc chắn đã giảm rất nhiều đối thủ cạnh tranh). Ở trạng thái thị trường ít đối thủ cạnh tranh, chi phí giảm, được hỗ trợ tiền, thì ngân hàng lời là bình thường, và… vẫn tiếp tục bị chỉ trích. Ở tình huống có lời bị nghi ngờ, để lỗ bị chỉ trích thì cũng dễ “stress” lắm.
Stress do “thanh tra”
Chưa hết, các ngân hàng còn bị áp lực từ đợt “thanh tra” của FED nhằm đánh giá mức vốn của các định chế tài chính cần để vượt qua tình huống xấu của nền kinh tế. Một công đoạn quan trọng của đợt thanh tra này là tiến hành các phép thử khả năng chịu đựng (các “stress tests”) của các ngân hàng trước những kịch bản xấu của nền kinh tế. Cơ bản là FED đưa ra hai kịch bản kinh tế và đánh giá mức độ vốn (tính luôn cả lợi nhuận, thu nhập giữ lại, dự trữ…) mà 19 tổ chức tài chính tham gia vào đợt thanh tra này cần có để vượt qua hai kịch bản này. Nếu các tổ chức này không đủ vốn để vượt qua thì họ cần phải huy động vốn trong thời hạn sáu tháng để đáp ứng các mức này.
Vậy, đợt thanh tra này sẽ tạo ra nhiều áp lực cho ngân hàng. Ngân hàng nào vượt qua tốt đẹp thì không sao, thậm chí còn chứng minh cho thị trường thấy “tôi khỏe mạnh” và nhờ vậy càng dễ huy động vốn trên thị trường thông qua phát hành chứng khoán và không phải dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ nữa. Còn nếu lỡ có chút thông tin nào là ngân hàng không đủ vốn thì ngân hàng đó sẽ “stress” thật sự.
Một mặt, họ phải lo tìm cách huy động vốn tư nhân (một số nhân vật quan trọng trong Bộ Tài chính Mỹ đã tỏ rõ quan điểm là ngân hàng phải tự tìm khoản vốn còn thiếu trên thị trường chứ đừng nghĩ đến việc xin tiền chính phủ nữa, khi nào làm hết cách mà vẫn thiếu tiền thì chính phủ mới “xem xét”). Mặt khác họ sẽ bị thị trường xem là “ngân hàng yếu”. Và dạng “stress” này có tính lây lan, vì 19 tổ chức tài chính tham gia đợt thanh tra này là những tổ chức lớn mạnh hàng đầu của hệ thống ngân hàng Mỹ, nghĩa là nhiều ngân hàng bị xem là yếu hơn những ngân hàng không đạt yêu cầu trong đợt test này cũng sẽ dễ bị gán mác “ngân hàng yếu”. Một sự phân hóa sẽ diễn ra và tình huống sẽ rất căng thẳng cho các ngân hàng bị thông báo “anh không đủ tiêu chuẩn”.
Tình huống xấu nhất sẽ là các “ngân hàng yếu” không tìm được đủ vốn tư nhân thì họ phải tìm đến vốn chính phủ. Vậy chính phủ phải xin thêm tiền từ quốc hội, rồi sử dụng tiền đó biến mình thành cổ đông lớn của các ngân hàng, sa thải các nhà điều hành hiện tại, giảm thiểu quyền lợi của các cổ đông và trái chủ hiện hữu của ngân hàng, để điều hành ngân hàng theo hướng “an toàn và mạnh khỏe”. Tất nhiên các ngân hàng không thích tình huống này và Chính phủ Mỹ cũng không thích.
Có vẻ như chính quyền của Tổng thống Obama, trong tình huống xấu nhất này, sẽ tìm cách hỗ trợ để nhà đầu tư tư nhân có thể mua lại tài sản của các “ngân hàng yếu” thay vì dùng thêm tiền của người đóng thuế để trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. Đừng quên, nước Mỹ vẫn còn nhiều người giàu, vấn đề là cần cho họ thấy việc mua lại tài sản ngân hàng hay góp vốn vào ngân hàng là một món giao dịch có hời. Trong khủng hoảng, tất yếu vẫn sẽ có người làm giàu vì cơ hội “mua hàng tốt giá rẻ”. Tình huống xấu nhất này sẽ có thể dẫn đến việc tiền thuế của dân Mỹ sẽ giúp một tầng lớp trong xã hội Mỹ kiếm tiền.
Stress do chuẩn bị cho thời kỳ “quản lý quá chặt”
Nguồn gốc dẫn đến “stress” cuối cùng là dự đoán về thời kỳ thắt chặt quản lý quá mức (over-regulation) sẽ đến, sau thời kỳ nới lỏng quản lý (de-regulation, hay còn gọi là “giải quy” như một bài viết gần đây trên TBKTSG đề cập).
Có một vài dấu hiệu cho chuyện này, bao gồm những đề xuất mới từ một số nhà nghiên cứu Mỹ về cách quản lý mới (trong đó áp đặt một số quy định rất chặt lên giao dịch phái sinh và mô hình kiểm soát), việc Bộ Trưởng Tài chính Mỹ muốn các quỹ đầu cơ (hedge funds), quỹ tư nhân (private equity funds) và quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital funds) phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán (SEC) và chịu một số quản lý về việc cung cấp thông tin. Những quỹ này vốn được xem là một bộ phận bí mật ít bị yêu cầu cung cấp thông tin minh bạch trên thị trường tài chính Mỹ trong thời gian trước đây, nhưng bây giờ cũng đã bị “hỏi thăm”.
Những quy định này đương nhiên là có lý lẽ vì những đối tượng kể trên đều góp tay trực tiếp thổi bùng đợt khủng hoảng. Nhưng những người chỉ trích những yêu cầu này cũng đáng được lắng nghe. Họ chỉ ra rằng người ta đang đặt yêu cầu về một núi thông tin mới và tạo ra gánh nặng lớn về cung cấp thông tin, và cung cấp quá nhiều thông tin sẽ lại giúp các đối thủ cạnh tranh của các công ty này hiểu rõ về chiến lược đầu tư của nhau, các mục tiêu và hiệu quả đầu tư của một bộ phận danh mục cũng dễ bị “soi rọi”.
Đối với những công ty dạng như quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư mạo hiểm, nếu minh bạch quá nhiều, thì họ làm gì còn giữ được “bí quyết thành công” trong việc đầu tư của mình và ai chịu trả những khoản phí khổng lồ cho cách họ “quản lý những canh bạc lớn” nữa. Nói cách khác, minh bạch hơn, đặt nhiều quy định an toàn hơn, và chi tiết hơn cũng sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và cạnh tranh cùng lúc với triệt tiêu sự mạo hiểm. Mạo hiểm quá mức thì không ổn, nhưng có nhiều phát minh và thành tựu của nhân loại là từ tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Lằn ranh giữa mạo hiểm do lòng tham và mạo hiểm vì sự phát triển mới e rằng quá mong manh và dễ bị chính sách quản lý quá chặt xóa nhòa và xử lý theo kiểu cào bằng.
Thắt chặt quá mức theo kiểu “không quản lý được thì cấm” đang có xu thế trở lại trên thế giới. Ở một số lĩnh vực, có thể hoạt động đã trở nên quá phức tạp và có thể làm tổn hại đến độ an toàn của hệ thống thì việc siết chặt quản lý hay cấm là có lý. Nhưng việc kiểm soát quá chặt theo kiểu “giảm thiểu rủi ro toàn diện”, cứ “có rủi ro là siết”, có thể dẫn đến thắt chặt hết đường sinh lãi của hệ thống ngân hàng, rộng ra là hệ thống các định chế tài chính, khiến các ngân hàng không có nhiều lợi nhuận, không thu hút đủ nhân tài, và nhân tài sẽ đổ qua các lĩnh vực mạo hiểm hơn trong nền kinh tế, và chưa bị quản lý.
Lại một mảng tối sẽ xuất hiện và nằm ngoài “vùng phủ sóng” của chính phủ. Xu thế “thà giết lầm còn hơn bỏ sót” xem ra sẽ là xu thế chủ đạo trong những quy định quản lý mới trên thế giới, và khó mà tìm ra lý lẽ gì để bênh vực cho các ngân hàng, chỉ bởi vì họ là tội đồ gây ra khủng hoảng. Nhưng có lẽ nên nhớ một trong những ý tưởng của Ben Bernanke, Chủ tịch FED, khi nói về nguyên nhân khủng hoảng gần đây: ngân hàng cạnh tranh nhau để tạo ra những khoản cho vay quá dễ dãi và thiếu an toàn (như các khoản cho vay thứ cấp) là một nguyên nhân sâu xa gây khủng hoảng; nhưng người đi vay quá khả năng của mình, người đầu tư thực hiện mua bán khả năng chịu rủi ro của mình, và cơ quan quản lý không quản lý tốt cũng là nguồn gốc tạo khủng hoảng.
__________________________________________________
(*) Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh