Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng Nhà nước sẽ không giảm thêm lãi suất trong năm 2021

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện tại để đảm bảo thanh khoản hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Thông tin này được ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN – chia sẻ tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quí 3-2021 diễn ra chiều nay, 12-10.

Không giảm thêm lãi suất từ nay tới cuối năm

Với lãi suất huy động, ông Tú cho biết NHNN sẽ duy trì mặt bằng lãi suất hiện tại để đảm bảo thanh khoản hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền. “Chúng tôi không đặt vấn đề hạ lãi suất đầu vào ở thời điểm hiện tại”, ông Tú khẳng định.

Với lãi suất cho vay, ông Tú khẳng định sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất hiện tại, đồng thời tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: NHNN cung cấp.

Trước đó, NHNN có ba lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2% một năm với lãi suất điều hành, giảm 0,6-1% một năm lãi suất tối đa của tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5% một năm lãi suất tối đa cho khoản vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1% trong năm 2020 và khoảng 0,55% trong hơn nửa đầu năm 2021

Đáng chú ý, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,7% và lãi suất huy động đã giảm 0,4% tính từ đầu năm 2021 tới nay.

Hiện các tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất thấp hơn thời điểm trước dịch Covid-19 với doanh số lũy kế đạt trên 5,2 triệu tỉ đồng cho 800.000 khách hàng trong giai đoạn từ 23-1-2020 tới hết tháng 9-2021. Ngoài ra, các tổ chức này đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỉ đồng.

Sẽ trả giá đắt trong tương lai nếu nới lỏng tín dụng

Về tín dụng, Phó Thống đốc NHNN cho biết tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% trong giai đoạn từ cuối năm 2020 tới ngày 7-10-2021, cao hơn 1,94% so với cùng giai đoạn năm 2020. Còn tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả này, theo ông Tú, là đáng mừng trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

“Như vậy, từ nay tới cuối năm còn hơn 4,5% nữa. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 12% này cũng là tuỳ thực tế nền kinh tế, nếu đến cuối năm nhu cầu nền kinh tế cao và kiểm soát được lạm phát thì chúng tôi sẵn sàng mở thêm”, ông Tú nói.

Về đề xuất nới lỏng các điều kiện vay vốn, Phó Thống đốc NHNN cho rằng việc giảm chất lượng và điều kiện vay vốn sẽ không đảm bảo an toàn hệ thống. Theo đó, NHNN sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng nếu cần thiết, nhưng không đặt vấn đề giảm điều kiện tiếp cận tín dụng.

“Tạo điều kiện để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu không chỉ trong trung, dài hạn mà ngay tại nợ xấu trước mắt”, ông Tú cho biết.

Cũng theo ông Tú việc dễ dãi với tín dụng hiện tại có thể khiến nền kinh tế phải trả giá đắt cho tương lai. Vì vậy, các chính sách tiền tệ và tài khoá luôn phải bảo đảm hài hoà hai mục tiêu gồm: hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới