Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng Nhật Bản sẽ lỗ nặng nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hầu hết các ngân hàng lớn sẽ có thể báo lỗ trong năm tài chính sắp tới (từ tháng 4-2023) nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cảnh báo. Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất vượt ngưỡng 6% trong năm 2023 – 2024, khiến các ngân hàng lớn của Nhật Bản bị lỗ khi lãi suất cho vay bằng đô la hay lợi suất kinh doanh chứng khoán không tăng tương ứng.

 

BOJIntervention: Đồng yen đã cho các nhà buôn ngoại tệ những cú đau tim sau các đợt can thiệp thị trường ngoại hối tại Nhật Bản. Tuy vậy, BOJ chỉ xác thực một lần duy nhất vào tháng 9 – Ảnh: Nikkei Asia

Ngay sau báo cáo của BOJ, đồng yen của nước này bất ngờ trồi sụt trong các phiên giao dịch hôm cuối tuần và sáng nay, lên xuống 7-10 yen so với đồng bạc xanh, tức biên độ ±4 – 6%.

Đủ sức chịu đựng stress test

Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên 3 – 3,25% và thị trường đang chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách của Fed vào tháng 11 tới. Hồi tháng 9, Fed đã đưa ra một kịch bản trong đó lãi suất huy động có thể vượt ngưỡng 6% – với mức dự báo cao nhất dựa trên lịch sử dữ liệu trong 20 năm qua.

Sử dụng những kết quả này, BOJ đã tiến hành một cuộc kiểm tra mức độ căng thẳng (stress test) hay sức chống chịu của hệ thống ngân hàng Nhật Bản. Kết quả của bài kiểm tra này đã được công bố trong báo cáo hệ thống tài chính mới nhất được công bố hôm 21-10. Báo cáo này được phát hành sáu tháng một lần.

Trong trường hợp lãi suất huy động Fed đưa ra là 6%, lãi suất ngắn hạn sẽ cao hơn lợi suất đối với các kỳ hạn dài hơn, tạo ra một kịch bản lợi suất đảo ngược. Lãi suất dài hạn dự kiến ​​chỉ tăng 1 điểm, theo ước tính vào tháng 4-2022.

Trong môi trường đó, các ngân hàng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với tỷ lệ tài trợ hay cấp vốn bằng ngoại tệ hơn 4% trong năm tài chính tiếp theo bắt đầu từ tháng 4-2023. Đồng thời, lợi suất đầu tư chứng khoán sẽ chỉ dao động trong khoảng 2%, dẫn đến một sự lây lan tiêu cực.

Các ngân hàng Nhật Bản cũng có nguy cơ chịu ​​khoản lỗ chưa thực hiện (unrealised loss) lớn hơn khi nắm giữ trái phiếu nước ngoài. Trong nửa cuối năm tài chính này (từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau), giá trị trái phiếu do các ngân hàng lớn nắm giữ dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn khoảng 1.700 tỉ yen (11,5 tỉ đô la). Giá trị thị trường của trái phiếu do các ngân hàng khu vực Nhật Bản nắm giữ dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn khoảng 570 tỉ yen.

BOJ dự đoán rằng các tổ chức tài chính sẽ trở nên thận trọng hơn đối với việc cho vay do lợi nhuận chưa thực hiện của trái phiếu đang giảm dần, bởi tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu gia tăng hay vùng đệm lợi nhuận dự phòng nợ xấu sẽ giảm. So với kịch bản cơ bản, tăng trưởng dư nợ cho vay trong nước sẽ giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với năm tài chính trước – theo ước tính của BOJ.

Với lợi nhuận ngày càng giảm, nhiều ngân hàng được dự báo sẽ rơi vào cảnh “đỏ lửa” trong năm tài chính tới. Tỷ suất sinh lợi trung bình trên tài sản sẽ rơi vào khoảng âm – 0,1%, có nghĩa là phần lớn các ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng lỗ ròng.

“Một số tổ chức tài chính cuối cùng có tỷ lệ an toàn vốn dưới mốc 8% theo mô phỏng của BOJ”, ngân hàng trung ương Nhật Bản nhận định. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều duy trì nguồn vốn cốt lõi vượt quá yêu cầu quy định. Bài kiểm tra căng thẳng của ngân hàng trung ương không cho thấy bất kỳ tổ chức tài chính nào gặp thất bại.

BOJ can thiệp bí mật trong hai ngày giao dịch liên tiếp?

Báo cáo của BOJ được đưa ra trùng với thời điểm mà các nhà đầu tư và cả các nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương đã can thiệp tích cực để chặn đà trượt giá của đồng yen.

Hôm 21-10, đồng yen có lúc đã trượt xuống ngưỡng 151 yen ăn 1 đô la, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1980, và sau đó có lúc quay trở lại mức 141 yen. Đầu giờ hôm nay 24-10, đồng tiền Nhật Bản đã tăng vọt thêm yen 4 yen lên 145,28 yen ăn một đô la. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý tiền tệ đã can thiệp vào ngày thứ hai liên tiếp, sau đợt can thiệp cuối tuần rồi.

Những nỗ lực can thiệp làm chậm đà trượt giá không ngừng của đồng tiền này đã bị dập tắt bởi đồng đô la thúc đẩy làn sóng nhu cầu trú ẩn an toàn và dựa trên lợi suất. Nhà chức trách Nhật Bản một lần nữa từ chối xác nhận liệu họ có can thiệp hay không, nhưng biến động tỷ giá chưa từng thấy trước cho thấy BOJ đã cố “ném đá giấu tay”.

Tuy nhiên, đồng yen giảm lần nữa xuống gần 148 yen, làm nổi bật chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nhật Bản, khi Fed mở rộng chiến dịch siết chặt chính sách. Điều này trái ngược với cam kết của BOJ trong việc duy trì lãi suất như cũ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Masato Kanda, người phụ trách các vấn đề quốc tế đã từ chối bình luận là Bộ Tài chính có can thiệp lần nữa vào hôm nay. “Chúng tôi đang theo dõi thị trường 24/7 trước khi đưa ra các phản ứng thích hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy kể từ bây giờ”, Thứ trưởng Kanda nói.

Trước đó, các nguồn tin nói với Reuters rằng sự sụt giảm đến 7 yen so với đồng đô trong đêm 21-10 là do hành động mua vào đồng yen của nhà trách. Hôm 22-9, Tokyo xác nhận rằng họ can thiệp thị trường để hỗ trợ đồng yen lần đầu tiên từ năm 1998. Tuy nhiên, trong suốt một tháng qua, nhà chức trách vẫn giữ im lặng trước câu hỏi là liệu họ có thực hiện thêm bất kỳ nỗ lực nào để hỗ trợ đồng tiền Nhật Bản hay không…

Các nhà buôn ngoại tệ nói rằng bất kỳ can thiệp nào sẽ chỉ đạt được thành công khiêm tốn. Daisaku Ueno, trưởng chiến lược gia FX tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết: “Trong các cuộc khủng hoảng trước đây liên quan đến đồng bảng Anh và đồng lira của Ý, các nhà chức trách đã không thể bảo vệ đồng tiền của họ. Sức mạnh của đồng đô la là yếu tố lớn nhất đằng sau đồng yen yếu. Nếu Mỹ có dấu hiệu tăng lãi suất lên đến đỉnh điểm và thậm chí cắt giảm lãi suất, đồng yen sẽ ngừng suy yếu ngay cả khi không có sự can thiệp”.

Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki lặp lại rằng việc di chuyển tiền tệ quá mức là không mong muốn. “Chúng tôi hoàn toàn không thể dung thứ cho những tác động thái quá trên thị trường ngoại hối do hệ quả của đầu cơ. Chúng tôi sẽ phản ứng thích hợp với sự biến động vượt mức”, ông nói.

Theo Nikkei Asia, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới